Thứ 6, 29/03/2024 22:53:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 15:14, 27/01/2020 GMT+7

Người trở về từ Trường Sa

Tấn Phong
Thứ 2, 27/01/2020 | 15:14:00 643 lượt xem
BPO - Trong không khí se lạnh của chiều cuối năm, người dân xã nông thôn mới Tân Lập, huyện Đồng Phú rộn ràng rủ nhau mổ heo, gói bánh chưng và sắm sửa đón tết cổ truyền. Trái ngược với cảnh tấp nập, nhộn nhịp khu vực trung tâm xã, ở thôn 9 có đôi vợ chồng già vẫn bình lặng với công việc thường ngày. Người vợ mắt đeo cặp kính lão, ngồi cặm cụi cạo hết đống vỏ lụa hạt điều để kịp giao hàng, còn người chồng đang vệ sinh vườn cây cao su sau mùa thay lá... Đó là vợ chồng ông Đoàn Hữu Thấn (SN1965), nhân chứng lịch sử, người trở về từ Trường Sa sau sự kiện Gạc Ma năm 1988...

Tung hoành trên biển cả

Chúng tôi đến Tân Lập vào một chiều giáp tết cổ truyền Canh Tý 2020 khi mọi người, mọi nhà đang tất bật đón năm mới. Thế nhưng, ông Đoàn Hữu Thấn vẫn lên rẫy để chăm sóc hơn 1 ha cao su của gia đình. Nghe tin chúng tôi đến, ông Thấn vội trở về để tiếp chuyện. Trang phục chỉnh tề, ông thắp nén nhang lên bàn thờ như báo cáo với đồng đội việc sẽ kể về câu chuyện đời lính của mình và sự kiện bi hùng ở Trường Sa 31 năm trước...

Ông Đoàn Hữu Thấn thắp nhang tri ân đồng đội trước khi kể chuyện về Trường Sa

Ông Thấn kể: Quê tôi ở vùng đồng thung, chiêm trũng Thái Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi và các bạn cùng trang lứa luôn nghe kể về những chiến công chống giặc của cha ông ngày trước, nhất là các trận đánh Pháp, đuổi Mỹ rất oai hùng nên ai cũng háo hức, mong được trở thành bộ đội Cụ Hồ. Tháng 2-1985, Binh chủng Hải quân đến huyện Thái Thụy tuyển quân và tôi trúng tuyển. Sau 3 tháng huấn luyện tại Hải Phòng, tôi được điều động về công tác tại tàu HQ 605, Hải đội I, Lữ đoàn 125. Đây là lữ đoàn vận tải chiến lược của Hải quân Việt Nam cho các đảo trên vùng biển của Tổ quốc, trong đó chi viện cho Trường Sa là chính. Lữ đoàn có 4 hải đội, hải đội của ông Thấn gồm 6 tàu, mỗi tàu có 24 chiến sĩ phục vụ và tàu có trọng tải 400 tấn, riêng tàu HQ 617 chỉ 200 tấn. Tàu nhỏ, không trang bị vũ khí hạng nặng mà chỉ có súng cá nhân nên nhiệm vụ của ông Thấn không chỉ là pháo thủ đơn thuần mà còn là thủy thủ trên những chuyến tàu ra đảo xa.

Ông Thấn nhớ lại: Lữ đoàn 125 đóng tại Hải Phòng, còn hải đội của tôi tại Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh. Cảng Cam Ranh chỉ là nơi chúng tôi vào nhận hàng đi tiếp tế cho các đảo. Mỗi chuyến hàng đi dài nhất trên 20 ngày, nhanh cũng phải 1 tuần. Cứ nhập đủ hàng là tàu lên đường, vì các đảo tiền tiêu là máu thịt của Tổ quốc nên không để nơi nào phải thiếu thốn. Ông Thấn không còn nhớ số chuyến cụ thể mà mình đã tham gia chuyển hàng ra Trường Sa, nhưng có lẽ phải hàng trăm. Ông Thấn kể, ngoài chuyến đi hàng ra đảo Trường Sa đầu tiên vào tháng 7-1985 thì cuộc hành trình vào tháng 6-1986 không thể lu mờ trong ký ức của ông. Bởi chuyến đi này, tàu bị bão biển “chà đi xát lại”, ngụp lặn trong từng cơn sóng dữ. Ai cũng nghĩ tàu sẽ “nằm lại” giữa biển khơi. Thế nhưng, dưới bàn tay lèo lái tài tình của thuyền trưởng, sự đoàn kết của 24 thủy thủ, chiến sĩ nên tàu HQ 605 chỉ trôi dạt ra Thái Bình Dương.

Bão tan, tàu của ông Thấn lần hồi về biển Đông rồi phát tín hiệu cấp cứu và được tàu hải quân ta lai dắt vào bờ an toàn. Ông Thấn nói: Cơn bão đợt đó lớn và hung dữ nhất, còn có những chuyến đi gặp 3 cơn bão là chuyện bình thường. “Nhờ” có bão biển nên tay nghề anh em chúng tôi càng được tôi luyện. Đặc biệt, chuyến đi vào tháng 3-1988, ông cùng đồng đội đã làm nên vòng tròn bất tử trên đảo Gạc Ma và hôm nay, ông Thấn là một nhân chứng sống của lịch sử để lớp trẻ noi theo. 

Quê nhà đã nghi ngút... khói hương

Trong những cơn gió chiều cuối năm thổi xao xác lá và không khí phảng phất khói của nhang trầm báo hiệu mùa xuân mới đã sang, ông Thấn trầm ngâm hồi lâu rồi tiếp tục kể. Đầu tháng 3-1988, trong khi tàu HQ 605 đang sửa chữa tại Ba Son, thành phố Hồ Chí Minh thì nhận lệnh của cấp trên khẩn trương chi viện cho Trường Sa. Ngay lập tức, tất cả đội thủy thủ chuyển sang tàu 604 nhận hàng lên đường ra “tiền tuyến”.

Ông Thấn cho hay, Trường Sa những ngày tháng 3-1988 rất “nóng bỏng”. Hàng chục tàu chiến cỡ lớn của Trung Quốc vờn quanh các đảo, bãi san hô, đá chìm của ta để chờ cơ hội đổ quân chiếm đóng trái phép. Trong khi đó, ta chỉ có 3 tàu vận tải nhỏ không được trang bị vũ khí hạng nặng. Chiều 13-3-1988, tàu 604 của ông Thấn ra đến đảo Gạc Ma và đậu cách đó 4km. “Gạc Ma là bãi đá chìm, chỉ nổi lên mặt nước vào lúc 3 giờ sáng hằng ngày. Khi nổi đảo chỉ rộng 2m2, còn ban ngày đảo chìm sâu trong lòng biển, về đêm người đứng ngập đến tận vai. Trên đảo bộ đội ta đã cắm cờ khẳng định chủ quyền nên mình chuẩn bị chuyển hàng bằng cách cho hàng vào xuồng rồi kéo tay từ ngoài tàu vào đảo”. 17 giờ ngày 13-3-1988, lính vận tải từ tàu 604 và bộ đội ta lên đảo đóng cọc dọn bãi để hôm sau đổ hàng. Đến 5 giờ sáng 14-3-1988, lúc này nước ở đảo Gạc Ma đã ngập ngang đầu gối thì lính Trung Quốc từ các tàu chiến dùng xuồng nhôm tràn lên đảo. Sau một hồi giằng co, hai bên đánh nhau bằng những thứ có trong tay (không nổ súng). Lúc này là 6 giờ sáng ngày 14-3” - ông Thấn nghẹn lòng nhớ lại.

Trước tình hình đó, Thuyền trưởng tàu HQ 604 ra lệnh: “Thủy thủ ở lại bảo vệ tàu, còn tất cả bơi vào bảo vệ đảo”. Ngay lập tức, các chiến sĩ không kịp mặc quân phục, nhảy từ boong tàu xuống biển, tay không bơi vào cùng bộ đội đảo chiến đấu chống quân xâm lược. “Gần 7 giờ cùng ngày, bọn xâm lược biết không thể đánh thắng được ý chí và lòng quả cảm của bộ đội Trường Sa nên dùng lưỡi lê đâm xuyên qua người Trung úy Trần Văn Phương rồi lùi về một góc đảo. Sau đó, chúng bắn pháo hạm như rải thảm từ tàu chiến vào đội hình bộ đội đang ở trên đảo làm 64 chiến sĩ của ta hy sinh ngay tại chỗ. Sau đó, chúng quay súng bắn chìm 3 tàu vận tải của ta” - ông Thấn bùi ngùi nhớ lại...

Về phần mình, ông Thấn kể, lúc này ông đang ở trên tàu 604 theo mệnh lệnh. Tàu bị Trung Quốc bắn chìm, ông cùng đồng đội bị sức ép hất văng xuống biển, mọi người bám vào các vật thể nổi và trôi theo dòng nước đại dương. Ông Thấn cùng một vài đồng đội cố sức bơi vào Gạc Ma; sau đó, tàu HQ 505 của ta chở về đảo Sinh Tồn, đến chiều cùng ngày được tàu HQ 913 đón sang chữa trị và chuẩn bị đưa vào đất liền.  

Sáng 15-3-1988, Đài Tiếng nói Việt Nam lên án hành động thảm sát của Trung Quốc tại đảo Gạc Ma. Đồng thời, đài còn nêu phiên hiệu 3 chiếc tàu của ta bị Trung Quốc bắn chìm cũng như danh sách các chiến sĩ trên tàu, trên đảo... Gia đình ở quê lập bàn thờ để hương khói cho “liệt sĩ Đoàn Hữu Thấn” dù chưa có giấy báo tử; chính quyền, đoàn thể đến động viên, chia buồn.

Bình dị trong đời thường

Sau khi về đất liền, ông Thấn được đưa vào quân y của Hải quân Vùng 4 điều trị. 3 tháng sau, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đến phỏng vấn và chụp ảnh ông để đăng báo. Người anh rể của ông Thấn (là sĩ quan hải quân) đọc và phát hiện em vợ đang còn sống liền gửi tờ báo về quê. Nhận được tờ báo, xã Thái Hà vui như ngày hội, các tổ chức đoàn thể đến chung vui, đoàn thanh niên đến phụ gia đình dựng trại, tiếp trà. Trong số thanh niên này có cô thôn nữ Phạm Thị Ngọc (SN1971, ở xã bên, sau này là vợ ông) là người hăng hái nhất.

Về phần mình, sau khi điều trị, ông Thấn chuyển sang phục vụ tại tàu HQ 603, Hải đội 413, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân chi viện các đảo cho đến năm 1989 thì ra quân. Ngày xuất ngũ, về quê ông Thấn nghe kể chuyện lập bàn thờ cho mình, chuyện thanh niên trong huyện... nên để mắt tới cô thôn nữ Phạm Thị Ngọc, đến năm 1991 cả hai nên duyên vợ chồng. Ở quê nhà làm nông vất vả, vợ chồng ông theo lời người anh trai vào xã Tân Lập, huyện Đồng Phú lập nghiệp từ năm 2004. Sau nhiều năm dành dụm, vợ chồng ông sang nhượng được 1 ha cao su nên cuộc sống dần ổn định. Ông bà Thấn có 2 người con trai. Con đầu sinh năm 1992, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã lên Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng lập nghiệp. Con út sinh năm 1998, đang học năm thứ 3, Trường sĩ quan Lục quân 2 (Đồng Nai). Căn nhà vợ chồng ông Thấn đang ở xây vào năm 2017 rộng 120m2, kinh phí xây dựng 380 triệu đồng, trong đó Bệnh viện 17A, Quân khu 7 hỗ trợ 70 triệu đồng, Lữ đoàn 955 ủng hộ 50 triệu đồng. 

Vợ chồng ông Đoàn Hữu Thấn cạo vỏ lụa hạt điều để tăng thu nhập

Trong không khí tết đến, xuân về, ông Thấn luôn mong tới ngày 14-3 để được về với biển, thả vài cành hoa, thắp nén nhang tri ân đồng đội... Ngoài ra, ông cũng ước mong người con út - Đoàn Hữu Thành, sau khi học xong sĩ quan lục quân được bố trí công tác gần nhà để ông bà có nơi nương tựa lúc về già... Dừng tay cạo vỏ lụa hạt điều, bà Ngọc cho biết thêm: “Ông nhà tôi rất ít nói, ít kể về mình. Trước đây mấy anh ở Huyện đội động viên đi khám sức khỏe, giám định thương tật để làm chế độ, nhưng thủ tục quá rườm rà. Bởi đồng đội đã mất gần hết, đơn vị cũ cũng giải tán nên không có người xác nhận. Do đó, ông ngại đi, ngại nói, ngại kể về mình. Vì vậy, gia đình chỉ mong các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho ông Thấn khám sức khỏe, giám định thương tật chứ không mong muốn gì khác”.

Xuân mới với niềm tin và khát vọng mới, hy vọng những mong muốn của gia đình ông sớm thành hiện thực. Và ông Thấn mãi là gương sáng về ý chí kiên cường của người lính cho lớp trẻ hôm nay noi theo. 

  • Từ khóa
111450

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu