Thứ 6, 29/03/2024 22:58:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:12, 26/07/2013 GMT+7

Người thương binh hai giỏi

Thứ 6, 26/07/2013 | 08:12:00 216 lượt xem

>> Người thương binh gương mẫu
>> Cách làm giàu của một thương binh

Tại tổ 5, ấp 2, xã Nha Bích (Chơn Thành) có một người 8 năm liền (2005-2013) đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi. Người ta gọi ông thân mật là “Hai Thường”. Bởi với nhiều người, ông như là người anh cả đầy tình nghĩa, hết lòng với công việc và sẵn sàng giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Hiện ông đang là đại biểu HĐND xã Nha Bích. Ông là Lê Hồng Thường, 68 tuổi, thương binh hạng 4/4.

 Ông Thường sinh năm 1945 ở xã Hòa Lộc, huyện Hòa Trung, tỉnh Thanh Hóa. Khi vừa học hết lớp 7 thì Mỹ ném bom miền Bắc, ông viết đơn tham gia bộ đội. Năm 1968, ông bị thương ở chiến trường Bình Trị Thiên. Sau thời gian điều trị, ông được chuyển vào chiến trường miền Nam chiến đấu cho đến năm 1972 thì được cử ra Bắc học sĩ quan.


Thú vui chăm sóc cây cảnh của ông Thường sau những giờ làm việc vất vả

Năm 1978, do yêu cầu nhiệm vụ, ông được điều về biên giới Tây Nam và được giao giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng pháo binh. Năm 1983, ông chuyển về công tác tại Nông trường Nha Bích (Chơn Thành). Công tác được 5 năm thì ông nghỉ hưu, về làm ở hội cựu chiến binh và là đại biểu HĐND xã Nha Bích.

Ong Thường chia sẻ: Năm 1983 gia đình vào Nam làm kinh tế, với 7 miệng ăn, thiếu thốn đủ thứ. Nhưng ý chí làm giàu trên mảnh đất mới cứ thôi thúc ông. Với diện tích đất khai hoang ban đầu 3 ha, ông trồng xen canh các loại cây lương thực như: đậu, bắp, mì... kết hợp chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập.

Đất không phụ công người, ông chấp nhận kham khổ trong vài năm đầu để dành dụm mua thêm đất. Năm 1993, ông có 15 ha đất và quyết định chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Cây cao su đã được ông chọn làm cây trồng chủ lực, sau 5 năm đầu tư chăm sóc cũng đến ngày thu hoạch. Giá mủ những năm đầu giao động từ 22-25 ngàn đồng/kg mủ nước. Ngoài ra, ông còn nuôi heo rừng thả vườn, với số lượng mỗi lứa 50 con, tiền bán heo thu mỗi năm khoảng 50 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tổng thu nhập của gia đình ông có năm lên đến hơn tỷ đồng.

Lướt nhanh trên bức tường treo những tấm bằng ghi lại thành tích của ông: Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi nhiều năm liền và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành, đoàn thể... chúng tôi hiểu đó là kết quả quá trình phấn đấu không mệt mỏi của cựu chiến binh, thương binh Lê Hồng Thường trên vùng đất mới.

Đi sắp hết đời người, dù tuổi cao sức yếu nhưng bản chất người lính Cụ Hồ không cho phép người thương binh thờ ơ với những cảnh đời cần giúp đỡ. Ông tận tình hướng dẫn, giúp đỡ người dân trong thôn, ấp tiếp cận khoa học - kỹ thuật mới ứng dụng vào sản xuất. Ông thường xuyên thăm hỏi, động viên những gia đình khó khăn, người già neo đơn, gia đình chính sách. Một thú vui không thể thiếu của tuổi già là trồng và chăm sóc cây cảnh. Hiện ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội sinh vật cảnh huyện Chơn Thành. Nhưng với ông, thành quả lớn nhất mà ông có được là các con đều học hành thành đạt, xóm giềng tin tưởng và yêu mến.

Ông Bùi Tiến Tuynh, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Nha Bích nhận xét: “Chúng tôi trân trọng quá trình công tác từ trong quân ngũ cho đến cuộc sống đời thường của đồng chí Lê Hồng Thường. Phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ, mặc dù tuổi cao nhưng ông luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Với những hộ khó khăn, ông hỗ trợ về kinh tế, giúp họ vốn làm ăn. Đây là tấm gương cựu chiến binh điển hình để mọi người học tập và làm theo”.

Ngân Hà

  • Từ khóa
46129

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu