Thứ 5, 25/04/2024 13:07:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 16:30, 11/08/2017 GMT+7

NGƯỜI BÌNH PHƯỚC NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT

Người thợ đam mê sáng tạo

Thứ 6, 11/08/2017 | 16:30:00 468 lượt xem
BP - Trong suốt những năm làm việc tại Phân xưởng cơ điện, Công ty Điện lực Bình Phước, anh Nguyễn Phú Đổng đã có nhiều sáng kiến được ứng dụng vào thực tế sản xuất, đem lại lợi ích thiết thực, góp phần ổn định năng lượng, giúp người dân và doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất.

Anh gắn bó với nghề gần 10 năm và được đồng nghiệp đánh giá là người nhạy bén, cần mẫn với công việc. Anh Đổng cho biết: “Từ khi mới vào nghề, tôi đã chủ động học hỏi đồng nghiệp và tích lũy kinh nghiệm để làm việc ngày càng tốt hơn. Nghề gì cũng vậy, nhất là với nghề hàn thì phải yêu, tâm huyết và không ngại khó khăn, vất vả. Yêu nghề mình đang làm, tôi đặt hết tâm huyết vào công việc để có những sản phẩm cơ khí hoàn thiện hơn, góp phần bảo đảm an toàn trong lao động sản xuất của ngành điện”.

Nhà sáng chế “tay ngang” Nguyễn Phú Đổng với sáng kiến “Thiết bị thử nghiệm ty leo trụ bê tông ly tâm và dây an toàn”

Anh sinh ra trong gia đình không có ai theo ngành cơ khí và từng đăng ký nguyện vọng thi vào những trường cũng chẳng liên quan đến cơ khí. Anh đến với nghề hàn nhờ cơ duyên “nghề chọn người” một cách tình cờ. Đam mê tìm tòi, học hỏi và sáng tạo như một nguồn động lực giúp anh càng yêu nghề và gặt hái nhiều thành công. “Người thợ hàn cơ khí chuyên hoạt động gia công, chế tạo, lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng ngành điện luôn đối mặt với nguy hiểm, như bị bỏng do bề mặt kim loại nóng hay ngọn lửa hàn hoặc vật sắt nhọn đâm phải. Chính những nguy hiểm, vất vả của nghề đã làm tôi trăn trở nghĩ cách cải tiến để giảm nhọc nhằn cho mình và đồng nghiệp. Ý tưởng đầu tiên của tôi là phục hồi dụng cụ đã cũ, hư hỏng tại Phân xưởng cơ điện để những dụng cụ này giải quyết được công việc nhanh chóng, lại tiết kiệm chi phí và sử dụng bền hơn” - anh Đổng nói.

Trước mỗi thiết bị, vật tư, đồ dùng trang bị của thợ điện, anh Đổng luôn đặt câu hỏi làm cách nào để trang thiết bị hoạt động tốt hơn, giảm vất vả cho công nhân sửa chữa? Làm cách nào để ngành điện giảm được chi phí?... Sau mỗi câu hỏi là sự tìm tòi, học hỏi, để rồi những sáng kiến của anh lần lượt ra đời.

Trong quá trình làm việc, anh luôn chú ý đến các khiếm khuyết của vật tư, thiết bị ngành điện, từ đó nghiên cứu cải tiến kỹ thuật. Nhiều sáng kiến, như hợp lý hóa sản xuất “Máy vệ sinh công tơ”, thiết kế gia công “Thiết bị thử nghiệm ty leo trụ bê tông ly tâm và dây an toàn”... được ứng dụng vào thực tế sản xuất, đem lại lợi ích thiết thực cho công ty. Trong đó có những sáng kiến làm lợi và tiết kiệm cho công ty hàng trăm triệu đồng/năm. Anh Đổng cho hay: Tôi tâm đắc nhất sáng kiến hợp lý hóa sản xuất “Xe di chuyển và lò sấy máy biến áp”. Trước đây, để di chuyển ruột của máy biến áp 1 pha ra vào lò sấy cần 4 người làm trong 30 phút và máy biến áp 3 pha cần tới 6 người làm miệt mài gần 1,5 giờ chưa kể phải dùng các con lăn, thanh trượt, cần trục chuyên dụng... và làm hệ thống sấy không đảm bảo theo công việc. Vì vậy, tôi tìm cách cải tiến. Hiện chỉ cần 2 người thợ ở phân xưởng thao tác nhẹ nhàng trong vòng 10 phút để đưa các loại ruột biến áp sau khi sửa chữa vào lò và mỗi lần sấy được tới 3 máy.

Quản đốc Phân xưởng cơ điện Nguyễn Văn Viện nhận xét: “Trung bình 1 tháng phân xưởng phải sửa chữa 8 máy biến áp, qua thực tế vận hành sáng kiến của anh Đổng đã đem lại nhiều lợi ích không thể tính được đối với sức khỏe con người và chất lượng của máy biến áp, nhất là điện năng được tiết kiệm rất nhiều trong mỗi lần sấy”. Giới thiệu các sản phẩm từ sáng kiến của anh Đổng đang sử dụng tại phân xưởng, anh Viện cho biết, đây là những thành tích rất đáng trân trọng trong bối cảnh công ty còn nhiều khó khăn và mọi ngành đang phải ra sức tiết kiệm.

Với những thành tích đã cống hiến cho ngành điện, anh Đổng vinh dự được Tổng công ty Điện lực miền Nam tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua 3 năm liền cùng nhiều phần thưởng cao quý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và UBND tỉnh.

T.Mảng

  • Từ khóa
41948

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu