Thứ 7, 20/04/2024 00:31:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:26, 07/09/2017 GMT+7

Người thầy “mát tay”

Thứ 5, 07/09/2017 | 14:26:00 179 lượt xem

BP - Cũng trong chuyên mục này, chúng tôi đã đề cập đến nhân vật Nguyễn Văn Lý, thường được gọi là “cụ Nghè Đông Tác”. Theo sách “Đại Nam liệt truyện”, trong thời gian làm quan tại Phú Yên, Nguyễn Văn Lý luôn quan tâm giúp dân cứu đời và việc học của sĩ tử. Ông dâng sớ xin miễn lính cho 7 người con, cháu triều Lê trước; xin tha tội chết cho 10 tù nhân chịu tội tử hình và mở ra con đường sống là cho khẩn hoang ruộng bỏ hóa, hoãn thuế 3 năm; xin thả các tù phạm người Man cho về quê quán. Người dân đem vàng, bạc hàng trăm lạng tới tạ nhưng ông không nhận, bảo rằng: Ta chỉ để ơn lại cho dân ta mà thôi.

Minh họa: S.H

Sau 2 năm thử thách, ông được khởi phục làm Hàn lâm Viện Điển bạ. Năm 1846, ông làm Hành tẩu ở Nội các. Năm 1854, ông xin đặt viên điền sứ để khai khẩn 3 vạn mẫu đất mới bồi ở tỉnh Nam Định và đặt 3 đồn binh để ngăn giặc từ biển vào tỉnh Hải Dương. Vua Tự Đức giao cho bộ Hộ và Quân thứ Hải Dương xem xét thi hành. Năm ông 62 tuổi, triều đình cử ông làm Giáo thụ phủ Thường Tín. Ông giữ chức ở đây 3 năm, học trò rất đông. Năm 1858, ông được sung chức phúc khảo trường thi Nam Định. Khi thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược Việt Nam (1858), Nguyễn Văn Lý mặc dù đã cao tuổi nhưng vẫn dốc lòng vì quốc sự. Mùa đông năm ấy, qua Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Văn Thu, Nguyễn Văn Lý đã dâng “mật trần kế sách đánh Tây” lên vua và được Tự Đức châu phê “Đã xem”. Năm 1859, do Tổng đốc Định Tường Nguyễn Phượng Hiên tiến cử, ông lại được thăng chức Hàn lâm Tu soạn, lĩnh chức Đốc học Hưng Yên “để đào tạo nhân tài”. Năm 1860, Nguyễn Văn Lý mới đến học đường nhậm chức. Lúc này học trò của ông đông tới 500 người. Dù chỉ giữ chức học quan, nhưng nghe có việc nghị hòa với Pháp, ông đã cùng các giáo thụ, huấn đạo trong hạt mình dâng sớ can ngăn.

Ông cùng một số sĩ phu Bắc Hà đương thời đã gặp nhau trong những nghĩ suy về thời cuộc. Họ mau chóng trở thành những bạn chí thiết cùng chí hướng là giúp dân và gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc cùng vai trò trung tâm văn hóa của Thăng Long. Ngay sau ngày vinh quy, ông đã cùng bạn bè hoàn thành việc lập Văn hội Thọ Xương nhằm tập hợp đông đảo trí thức của gần hết vùng nội thành để thực hiện điều nói trên. Nguyễn Văn Lý chính là một trong những thành viên hoạt động tích cực nhất. Văn hội dưới sự lãnh đạo của nhóm các ông và cả sau khi các ông qua đời đã gắng sức thực hiện đúng tôn chỉ. Năm 1873, khi Đốc học Hà Nội Lê Đình Diên bị bọn tay chân Pháp hành hung, văn hội đã lập ngay nghĩa đoàn 300 người đi phản kháng.

Ông đã góp công sức vào việc xây dựng Hội Hướng Thiện ở Hà Nội. Nhưng khi họp đại hội thành lập, ông đã phải trở lại Huế. Dưới sự lãnh đạo của Vũ Tông Phan, sau này là Nguyễn Văn Siêu, hội đã có tác động rộng hơn trong việc khuyến khích giữ vững truyền thống văn hóa dân tộc. Đặc biệt, hội đã tổ chức tôn tạo vùng phía bắc của hồ Gươm thành quần thể kiến trúc Ngọc Sơn - di tích lịch sử văn hóa ở Thăng Long.

Ông cũng là người kiên trì hơn 20 năm để sưu tầm và biên soạn bộ Thế phả dày 418 trang, viết Tự gia yếu ngữ, Đông Tác Nguyễn thị Gia huấn để dạy con cháu. Ông cũng là người hiệu đính, bổ sung và đề tựa cho bộ sách có giá trị là Bắc Thành chí lược do Lê Chất khởi xướng. Trong lời tựa, có câu: Ông Lê Chất chỉ là tướng võ mà chí nghiệp rộng xa như thế đấy. Trong hoàn cảnh đương thời, Lê Chất nguyên Tổng trấn Bắc Thành đã cùng với Lê Văn Duyệt bị kết tội rất nặng, mộ bị san phẳng thì có thể đánh giá lòng quả cảm và tâm huyết với việc xây dựng nền văn hóa dân tộc của ông.

Với làng xã, ông giúp củng cố văn hội, văn chỉ, khuyến khích việc học và tìm cách giúp đỡ dân nghèo. Với việc mở trường Chí Đình, ông đã góp phần đào tạo nhiều danh sĩ cho Thăng Long như tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp, tiến sĩ Hoàng Tướng Hiệp, ông Cử Vũ Thạch Nguyễn Huy Đức... Ông được xem là một trong những người thầy nổi tiếng thời đó ở Hà Nội. Nguyễn Văn Lý mất ngày 17-8-1868, thọ 74 tuổi.

Lời bàn:

Từ cuộc đời và sự nghiệp cho thấy, Nguyễn Văn Lý là một người thầy mẫu mực, “mát tay”, một kẻ sĩ cứng cỏi, tâm huyết, ưu quốc ái dân, một nhà văn hóa đã góp sức không nhỏ cho việc chấn hưng sự nghiệp giáo dục của Thăng Long. Là một người có kiến thức uyên thâm, nhưng không ồn ào, không phô trương, ông đóng góp lặng lẽ cho văn học, văn hóa nước nhà bằng những vần thơ giản dị, bằng nhân cách và tài năng của một người thầy giàu tâm huyết. Là một người nặng quan điểm Nho gia nên đối với Nguyễn Văn Lý, quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng, bè bạn là những giềng mối quan trọng trong đời sống kẻ sĩ. Tuy nhiên, ở ông còn có điều đặc biệt nữa là bè bạn không chỉ riêng là quan hệ xã hội, là đạo lý mà còn xuất phát từ tình cảm chân thành, từ tình thân và sự đồng chí hướng.

Chúng ta có thể khẳng định rằng, quan niệm sống của ông cũng là cái chung của thời trung đại ở nước ta, đó là văn chương không tách rời con người, không tách rời sự nghiệp, đức nghiệp của gia đình và dòng họ. Nhìn vào sự rạng rỡ đương thời, người ta nghĩ đến ơn trạch, phúc ấm của tổ tiên - nghĩ về ngọn nguồn gốc gác và cũng nhìn vào ngọn nguồn gốc gác để hiểu và bình giá văn nghiệp dòng họ. Với nhân cách, đức nghiệp, công nghiệp và văn nghiệp như vậy, Nguyễn Văn Lý xứng đáng là một trong những nhà thơ, nhà văn hóa, trí thức tiêu biểu ở thế kỷ XIX.

N.D

  • Từ khóa
109955

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu