Thứ 5, 28/03/2024 16:04:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:29, 17/02/2017 GMT+7

Người Tày, Nùng với văn hóa ẩm thực đặc sắc

Thứ 6, 17/02/2017 | 15:29:00 1,429 lượt xem
BP - Mùa xuân đến, chúng ta có thể bắt gặp không khí tưng bừng của lễ hội ở mọi nơi, những nghi lễ độc đáo, những món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Tết này, tôi có dịp đến thăm một số gia đình người Tày, Nùng ở xã Tân Hòa (Đồng Phú) - nơi có 52,6% số dân là đồng bào DTTS và được khám phá nhiều nét văn hóa độc đáo, tạo nên nét riêng biệt của người dân nơi đây.

Cũng như các lễ hội, ngày tết, người Tày, Nùng tất bật chuẩn bị làm bánh khẩu sli (bánh khảo) và bánh cốm truyền thống vì hai loại bánh này không thể thiếu trong mâm cỗ đón tết của người Tày Nùng. Khẩu sli được làm từ gạo nếp ngon, thơm dẻo, trắng ngần, kết hợp với những nguyên liệu như đậu phộng, mật mía. Bà Nội Thị Uyên (1965, dân tộc Tày), sinh ra ở Cao Bằng, vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 1986. Bà là người lưu giữ nhiều nét văn hóa của dân tộc mình như hát then, hát lượn, công thức làm các loại bánh, món ăn truyền thống. Bà cho biết: “Trước đây, người Tày chỉ làm bánh khẩu sli vào dịp tết và câu chuyện đầu năm trở nên thân tình, ấm áp hơn khi nhấp ngụm trà nóng với phong bánh khảo thơm ngon. Khẩu sli tiếng dân tộc nghĩa là ngon ngọt, ăn vào ngon ngọt như tiếng sli lượn”.

 

​Bà Nội Thị Uyên làm xong chiếc bánh khảo truyền thống của dân tộc mình

Vào dịp tết, trên bàn thờ, người Tày, Nùng thường xếp nhiều chồng bánh khảo bên cạnh những cặp bánh chưng vuông vắn. Khách đến, việc đầu tiên là gia chủ mời dùng bánh khảo, vừa để tỏ lòng mến khách vừa cho khách được thưởng thức hương vị bánh cổ truyền. Làm bánh khảo không quá khó nhưng phải trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mẩn, công phu. Bà Uyên nói: Muốn bánh ngon phải chọn loại gạo nếp ngon, thơm, hạt tròn, mẩy. Gạo mua về, đãi sạch bỏ hạt tấm, sau đó rang giòn đều và xay mịn. Bột xay xong cho vào mẹt, thúng có lót giấy bản để ủ, hay phơi sương cho dễ liên kết, công đoạn này còn gọi là “hạ thổ”. Đường dùng làm bánh khảo thường được sản xuất thủ công từ mật mía và được giã mịn để tạo độ kết dính cao. Muốn bánh khảo thơm ngon, bùi, nhân bánh cũng phải đủ vị và được chuẩn bị kỹ. Nhân bánh gồm đậu phộng, vừng (mè) rang giã nhỏ, luộc chín mỡ heo, thái hạt lựu rồi đem ướp với đường.

Khuôn làm bánh khảo cũng tùy loại. Nén bánh vào khuôn là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo của người làm bánh. Bánh sau khi đóng khuôn xong cắt thành từng phong nhỏ, gói lại thật khéo bằng một lớp giấy đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng... Khi ăn bánh có vị thơm của bột nếp, vị bùi của vừng và đậu phộng rang, vị ngậy của mỡ heo, vị ngọt thanh của đường.

Cùng với bánh khảo thì bánh cốm cũng được người Tày, Nùng chuẩn bị kỹ. Để hoàn thành một miếng bánh cốm ưng ý, thơm ngon phải qua nhiều công đoạn. Chị Linh Thị Lanh (1970), ngụ ấp Đồng Chắc cho biết: Trước tiên, người làm bánh phải nổ bỏng, sau đó tán nhỏ đường. Để cốm dính đẹp và không cháy, không bị dính chảo, người làm cốm thêm một ít mạch nha, dầu ăn và nước nguội, sau đó mới thắng đường cho tới khi sôi lên, đặc đường rồi bắt đầu đem cốm trộn vào. Mỗi mẻ cốm cần từ 0,5-1kg đường tán (tương ứng 3kg gạo nếp nổ bỏng) và mất khoảng 10 phút thắng đường. Lúc đường trong chảo đã “đủ độ” thì đổ bỏng vào chảo ta quấy thật đều cho đường và bỏng kết dính nhau rồi đưa lên khuôn, dùng chày nén bánh cốm cho chặt và cắt thành từng miếng hình chữ nhật. Miếng bánh cốm sau khi ra lò có mùi thơm của nếp, mùi hương của đường thắng, khi nhai rất giòn, ngọt và ngon.

Mùa xuân là dịp người Tày, Nùng nô nức tổ chức các lễ hội, hát các điệu dân ca truyền thống như hát then, hát lượn, chơi các trò chơi dân gian ném còn, kéo co... Trong những bộ trang phục sặc sỡ sắc màu, với các món bánh truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng, bà con dân tộc Tày, Nùng như tô điểm thêm sắc xuân trên miền quê yên bình.                                                                                              

Minh Hiền

  • Từ khóa
92719

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu