Thứ 5, 28/03/2024 19:22:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:11, 24/07/2018 GMT+7

Người Mường ở Phú Trung

Thứ 3, 24/07/2018 | 15:11:00 1,122 lượt xem
BP - Người Mường thường tập trung sinh sống ở vùng đất phía Bắc, thế nhưng suốt hơn 3 thập kỷ qua, giữa bạt ngàn cao su, điều của xã Phú Trung (Phú Riềng) có một làng người Mường thu nhỏ sinh sống. Họ đã gây dựng kinh tế và lưu giữ những nét văn hóa, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn.

Mồ hôi thấm đất, đất nở hoa

Một lần về Phú Trung, chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Lê Văn Phương giới thiệu trên địa bàn có một nhóm người Mường sinh sống và lập nghiệp từ hơn 30 năm trước. Theo lời giới thiệu, tôi cùng cán bộ văn hóa xã Trần Xuân Hanh tới thăm gia đình ông Bùi Văn Nhân (1958, dân tộc Mường), thôn Phú Lâm. Ông Nhân từ tỉnh Hòa Bình vào xã Phú Trung lập nghiệp và được xem là người mở đất cho làng Mường trù phú hôm nay.

Cây dao, chiếc nỏ luôn gắn bó với ông Bùi Văn Nhân từ thuở mới vào Bình Phước lập nghiệp

Theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Nhân lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường tỉnh Quảng Bình. Hòa bình lập lại, đơn vị ông tiếp tục sửa chữa những cung đường tàu hư hỏng tại khu vực huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Năm 1976, do bị bệnh nên ông xuất ngũ, trở về địa phương sinh sống. Năm 1978, ông Nhân học Trường công nhân cơ khí nông nghiệp 3, hai năm sau về công tác tại Nông trường 11, Công ty cao su Phú Riềng.

Để có được cơ ngơi như hôm nay, ông Nhân đã phải trải qua nhiều gian nan. Năm 1986, ông lập gia đình. Ngoài những giờ làm tại công ty, vợ chồng ông tranh thủ khai hoang mở rẫy được hơn 1 ha và trồng điều xen canh lúa lấy lương thực hằng ngày. Năm 1996, ông nghỉ việc tại nông trường và tập trung chăm sóc vườn cây của gia đình. Đến nay, nhiều gốc điều già của gia đình có tuổi đời hơn 20 năm nhưng năng suất vẫn đạt bình quân hơn 2 tấn/ha. Hiện hộ ông Nhân sở hữu gần 10 ha đất, trong đó gần 4 ha điều và hơn 5 ha cao su, hằng năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông Nhân nói: “Để tạo việc làm cho con cháu, với diện tích cao su của gia đình, tôi để người thân, con cháu chăm sóc, cạo mủ, nâng cao thu nhập”.

Đến nay, thôn Phú Lâm có trên 15 hộ người Mường và hầu hết đều là người thân của gia đình ông Nhân. Nghe ông Nhân nói về vùng đất mới, năm 1995, anh Bùi Văn Đông (1975) từ Hòa Bình khăn gói lên đường vào Phú Trung. Ngày mới vào, anh sống nhờ nhà ông Nhân, sau đó xin làm công nhân tại nông trường cao su. Lập gia đình năm 1998, vợ chồng anh tảo tần làm lụng, vay mượn mua được vài sào đất. “Ban đêm, vợ chồng tôi tranh thủ đi cạo mủ cho nông trường, còn ban ngày đi làm rẫy của gia đình. Được hơn 10 năm, vợ chồng tôi xin nghỉ làm tại nông trường, ở nhà tập trung chăm sóc vườn rẫy. Bây giờ kinh tế ổn định, chúng tôi vẫn luôn nhớ về công ơn của ông Nhân” - anh Đông chia sẻ. Đến nay, vợ chồng anh có hơn 4 ha trồng điều và cao su, thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm. Anh cũng trở thành một trong những hộ người Mường ở thôn Phú Lâm có thu nhập khá, sắm được ôtô phục vụ đi lại.

Lưu giữ văn hóa truyền thống

Từ khi vào Bình Phước, ông Nhân luôn gắn bó với chiếc nỏ. Để có được nỏ, ông lấy gỗ cây trai đẽo nhẵn làm thân, lấy cây luồng làm cánh, dây nỏ làm bằng cây gai. Sau này, ông cải tiến lấy những sợi dây bên trong lốp xe ôtô, xoắn lại làm thành dây nỏ, cho lực bắn mạnh, xa và chuẩn xác hơn. Đồng thời, ông cũng truyền thụ kinh nghiệm bắn nỏ cho thế hệ trẻ đam mê môn thể thao truyền thống này. Mỗi lần đi rừng, rẫy trước kia, ngoài chiếc nỏ để bắn những con thú phá hoại mùa màng, ông Nhân thường mang theo bên mình con dao đi rừng mua từ quê để phát quang cỏ, lấy lối đi lại.

Toàn xã có 23 hộ người Mường sinh sống, trong đó không có hộ nghèo. Nhờ nỗ lực vươn lên, cùng sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, cuộc sống của người Mường ở xã ngày càng khá. Không chỉ làm kinh tế giỏi, các hộ người Mường còn biết đầu tư cho giáo dục, nuôi con ăn học thành tài và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa bàn.

Chủ tịch UBND xã Phú Trung Lê Văn Phương

Trong đời sống của người Mường ở Phú Trung cũng không thể thiếu đôi cà kheo. Là người đam mê cà kheo, anh Bùi Văn Phú, thôn Phú Lâm chia sẻ: “Tôi luôn ý thức việc tập luyện các môn thể thao truyền thống không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, cùng với tập luyện, tôi còn dạy con cháu chơi cà kheo và tích cực tham gia các hội thi thể thao”.

Anh Trần Xuân Hanh, cán bộ văn hóa xã Phú Trung cho biết: Để các môn thể thao truyền thống của đồng bào không bị mai một, hằng năm, xã thường tổ chức thi đấu lồng ghép trong các giải thể thao. Từ đó, lựa chọn vận động viên có thành tích tốt tham dự liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số do huyện tổ chức. Trong đó, ông Nhân và anh Phú luôn là những vận động viên đạt thành tích cao của xã. Từ đó vừa giúp người dân rèn luyện sức khỏe lại có ý nghĩa thiết thực trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Vũ Nam

  • Từ khóa
93678

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu