Thứ 4, 24/04/2024 04:31:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:01, 19/05/2017 GMT+7

KỶ NIỆM 127 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2017)

Người lính Cụ Hồ tỏa sáng từ phong trào học theo Bác

Thứ 6, 19/05/2017 | 14:01:00 2,351 lượt xem

BP - Được tôi luyện ở môi trường quân đội nên Thiếu tá Phan Tiến Sỹ, Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16) luôn phát huy bản chất người lính Cụ Hồ. Khi đơn vị đẩy mạnh học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, anh càng chú trọng đưa việc học Bác áp dụng vào việc làm, suy nghĩ, hành động hằng ngày. Vì thế, khi là “thủ lĩnh” của Đội sản xuất 1, anh liên tục dẫn dắt đội trở thành lá cờ đầu của đơn vị, là gương sáng của Binh đoàn 16 được nhiều người quý mến, học hỏi.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ  GẮN VỚI THẾ TRẬN AN NINH NHÂN DÂN

Anh Phan Tiến Sỹ chuyển công tác về Đội sản xuất 1, Trung đoàn 717, Binh đoàn 16 từ tháng 5-1999; làm nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh trên địa bàn 2 xã biên giới của huyện Bù Đốp. Khi mới về đơn vị, đối mặt với nhiều khó khăn lại xa vợ con, gia đình, đôi khi anh Sỹ không khỏi chạnh lòng. Tuy vậy, giấu kỹ nỗi niềm riêng, anh cùng cán bộ, công nhân viên tích cực thực hiện nhiệm vụ phòng thủ tuyến biên giới gắn liền với sản xuất.

Sáng kiến của anh Phan Tiến Sỹ đã giúp công nhân thiết kế miệng cạo úp đúng quy trình kỹ thuật

Anh Sỹ cho biết: “Xác định nhiệm vụ tổ chức phân công, tôi không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, đồng thời tích cực học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng. Học hỏi người đi trước, tôi luôn đúc kết kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn công việc, đồng thời chủ động nắm chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để xây dựng kế hoạch sát tình hình thực tế sản xuất”.

Nhờ sự nhiệt tình, năng động trong công việc và biết sống cho mọi người nên chỉ 2 năm sau, anh Sỹ được cấp trên đánh giá cao, đơn vị tin tưởng bầu giữ chức Bí thư chi bộ đội sản xuất 1 kiêm Tổ trưởng tổ 3. Từ 2003 đến nay, anh là Bí thư chi bộ kiêm Đội trưởng đội sản xuất 1. Không chỉ kịp thời động viên công nhân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đảm bảo đời sống, anh còn tuyên truyền nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu nhằm giữ vững nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ khu vực biên giới và vùng dự án kinh tế quốc phòng của đơn vị. Nhiều hộ công nhân khó khăn, trong đó có hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên khá, giàu và ngày càng chuyên tâm, gắn bó với đơn vị. Điển hình như hộ anh Lâm Quốc Hoàng, hộ chị Điểu Thị Huyền... đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

ĐIỂN HÌNH CỦA NHỮNG SÁNG TẠO

Đội sản xuất 1 quản lý 130 cán bộ, công nhân viên; trong đó 41 hộ nhận khoán, 65 lao động là đồng bào dân tộc S’tiêng sản xuất trên 365 ha cao su. Vài năm gần đây, giá mủ thấp khiến thu nhập của toàn đội sụt giảm nên anh Sỹ không khỏi trăn trở. Anh nhận thấy đầu tư trồng cây cam, quýt là cách tăng thu nhập phù hợp ở vùng đất này. Tuy nhiên, nếu cho cây ra hoa tự nhiên, phụ thuộc thời tiết thì hiệu quả kinh tế thấp. Vì vậy, anh mạnh dạn thí điểm làm mương thoát nước trên 2 ha cam, quýt của đơn vị và rải bạt khi mưa, nước không thấm đất để cây đơm hoa trái vụ theo chủ định.

Anh Sỹ cho biết: “Nếu áp dụng quy trình này vừa cho năng suất cao vừa bán được giá. Cụ thể, thông thường 1 ha quýt đạt 30 tấn, giá bán chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng/kg, nhờ ra hoa trái vụ năng suất đạt 70 tấn/ha, giá bán cao gấp rưỡi”.

Anh còn có sáng kiến thiết kế miệng cạo úp nhanh và chuẩn xác được đơn vị đánh giá cao. Trước đây, mỗi khi Trung đoàn 717 tổ chức thiết kế miệng cạo úp, nhiều công nhân thực hiện sai sót phải mua vôi về quét và thực hiện lại cho đúng quy trình kỹ thuật nên mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Nhiều đêm mất ngủ, nghiên cứu khắc phục sai sót rồi “cái khó ló cái khôn”, anh dùng tấm mủ cắt theo bảng rập thiết kế miệng cạo úp, sau đó tổ chức cho chỉ huy đội, tổ trưởng sản xuất làm thử và dùng phấn đánh dấu. Tấm mủ mềm, dễ ép vào thân cây, không bị sai lệch, theo đó công nhân chỉ cần ép rập vào đường kẻ phấn đã đánh dấu, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Chưa kể chi phí nếu sai phải thiết kế lại thì cách làm này đã tiết kiệm được 50% thời gian cho đơn vị so với trước.

Những sáng kiến của anh Sỹ đã được nhân rộng trong toàn Binh đoàn 16, đem lại lợi ích kinh tế không nhỏ. Tuy vậy anh vẫn rất khiêm tốn nói, việc mình làm còn nhỏ bé và việc học Bác là suốt đời. Là người đứng đầu đội sản xuất 1, anh tiếp tục gương mẫu, nói đi đôi với làm và cùng cấp ủy chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân trong đơn vị, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đội sản xuất 1 hiện là “đội mạnh” của Trung đoàn 717 và ai cũng ghi nhận công lao không nhỏ của “thủ lĩnh” Phan Tiến Sỹ. Trong 10 năm (từ 2005-2015) có đến 8 năm đội sản xuất 1 được Bộ tư lệnh Binh đoàn 16 tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Năm 2013, đội được Quân ủy Trung ương chứng nhận tập thể điển hình tiên tiến toàn quân “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bộ tư lệnh Binh đoàn 16 tặng bằng khen danh hiệu tập thể điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc toàn diện giai đoạn 2011-2013... Hằng năm, anh Sỹ được Trung đoàn 717 và Bộ Quốc phòng khen thưởng.

Không chỉ giỏi việc nước mà anh Sỹ còn được lãnh đạo cũng như anh em trong đơn vị nể phục khi cùng vợ, cũng là một cán bộ cùng đơn vị, chăm lo kinh tế gia đình khá giả và nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi. Hiện 2 con của anh Sỹ - một chuẩn bị tốt nghiệp THPT và 1 sắp kết thúc lớp 2 đều có thành tích học tập xuất sắc. Đây chính là động lực để anh Sỹ cống hiến nhiều hơn cho đơn vị, giúp anh nhiều năm liền là điển hình tiên tiến trong học và làm theo Bác ở Trung đoàn 717.

Ngọc Tú - Anh Đức

  • Từ khóa
17971

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu