Thứ 6, 29/03/2024 08:28:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:16, 26/05/2016 GMT+7

Người gieo mầm âm nhạc cho học sinh DTTS

Thứ 5, 26/05/2016 | 08:16:00 417 lượt xem
BP - Đến Trường tiểu học Tân Hưng B, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, nhìn ngôi trường cũ nhuốm màu bụi đỏ, ít ai ngờ đây là nơi nuôi dưỡng tình yêu văn nghệ của học sinh dân tộc thiểu số (DTTS). Và ở đây còn có câu chuyện cảm động về người thầy, ngày đêm say mê truyền lửa âm nhạc đến các em.

Tiết mục “Hội cồng chiêng Tây Nguyên” do cô Nguyễn Thị Ninh biên đạo đoạt giải nhất cấp huyện

Gieo đam mê

Cô Nguyễn Thị Ninh, Tổng phụ trách đội Trường tiểu học Tân Hưng B nhiều năm liền được Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Hớn Quản giao nhiệm vụ luyện tập cho đội tuyển của huyện tham gia giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cấp tỉnh. Dù không có chuyên môn về biên đạo múa nhưng cô luôn tìm tòi, học hỏi từ các nguồn tư liệu rồi ghi chép lại để dạy cho học sinh, giúp các em gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Có thời gian dù mang bầu 7 tháng nhưng cô vẫn thực hiện những động tác khó hướng dẫn cho đội tập múa, hát; rồi những ngày hè nắng gắt tập múa xong cô lại mượn nồi nấu cơm cho học sinh ăn và lo chỗ nghỉ cho các em. Giờ ra chơi, tiếng nhạc rộn ràng vang lên giai điệu “Hội cồng chiêng Tây Nguyên”, trong sân trường cô trò đồng loạt tập luyện những động tác xòe tay, uốn lượn. Cảm nhận được nhiệt huyết của cô qua từng động tác chúng tôi hiểu vì sao học sinh DTTS lại say mê các buổi tập luyện đến vậy.

“Những buổi tập luyện học sinh không nghiêm túc, tôi nói không được nên giả vờ giận bỏ lớp, lúc ấy các em ý thức tự tập thật đều và đẹp rồi chạy lên báo với cô. Khi đó, lòng tôi vỡ òa niềm vui” - cô Ninh chia sẻ.

Gặt quả ngọt

Nhà ở thị xã Đồng Xoài, có 2 con nhỏ nhưng mỗi ngày cô Ninh phải vượt 40km để đến ngôi trường vùng sâu có hơn 1/3 học sinh DTTS để làm việc và dạy múa cho các em. Ngày đầu về trường công tác, cô lo lắng vì các em chỉ chơi theo nhóm học sinh dân tộc với nhau. Thế rồi qua những điệu múa uyển chuyển, nhẹ nhàng, sự gần gũi, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ trong những buổi tập luyện đã xóa dần khoảng cách, giúp cô và trò gần nhau hơn. Các em dạn dĩ, tự tin trong học tập và giao tiếp.

Qua các buổi luyện tập, cô đều giáo dục học sinh đạo đức, lối sống, tình cảm hướng đến chân - thiện - mỹ, giữ vệ sinh cá nhân... “Giờ các em đã tiến bộ rõ rệt, ăn biết mời, biết nhường nhịn, giúp đỡ người khác, giữ gìn vệ sinh cá nhân, chăm chỉ học tập, lễ phép với thầy cô, hòa đồng với mọi người. Đó chính là thành công lớn nhất của tôi” - cô Ninh nói. Để đạt hiệu quả cao nhất, khi tập luyện tham gia giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”, cô đưa ra quy định các em phải nói tiếng Việt trong giao tiếp, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Em Điểu Đức, thành viên đội múa cho biết: Đi tập múa em rất vui vì được giao lưu nhiều nơi, quen nhiều bạn và được cô dạy làm người tốt.

Không chỉ vậy, cô Ninh còn là giáo viên “Dân vận khéo” trong vận động học sinh bỏ học ra lớp. Khi cô đến nhà vận động, nhiều học sinh DTTS đã đề nghị cô cho đi múa thì mới đi học lại. Vì vậy, nhiều năm qua, tình trạng học sinh bỏ học ở Trường tiểu học Tân Hưng B giảm hẳn, phong trào đội phát triển mạnh, thu hút đông học sinh tham gia. Cô Ninh còn vận động gạo, sách vở, quần áo và 10 chiếc xe đạp tặng học sinh nghèo hiếu học.

Từ năm 2011 đến nay, cô tập luyện cho đội tuyển huyện tham gia giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cấp tỉnh và giành 4 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba. Trường tiểu học Tân Hưng B năm nào cũng đoạt giải nhất cấp huyện trong các đợt giao lưu. Điều đó giải thích vì sao sáng kiến kinh nghiệm “Hướng dẫn học sinh giao lưu tập thể trong “Giao lưu Tiếng Việt của chúng em” dành cho học sinh DTTS” của cô đoạt cấp tỉnh. Cô còn được UBND huyện tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2012-2015; danh hiệu giáo viên tổng phụ trách đội giỏi cấp tỉnh...

Thanh Mai

  • Từ khóa
85913

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu