Thứ 6, 29/03/2024 16:48:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:30, 23/11/2012 GMT+7

Bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

Thứ 6, 23/11/2012 | 15:30:00 1,390 lượt xem

Ngày 23-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để biểu quyết thông qua một số dự án luật và bế mạc kỳ họp.

Theo chương trình nghị sự của kỳ họp, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại; thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Nghị quyết về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và thi hành án năm 2013; Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai và nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp


Quốc
hội quyết định ra Nghị quyết riêng về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm

Trên cơ sở xem xét các báo cáo năm 2012 của Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và ý kiến các vị đại biểu, Quốc hội nhận định: Năm 2012 tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cơ bản đúng pháp luật, có chuyển biến tích cực, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm, phòng chống tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án còn có những hạn chế. Tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm, tham nhũng còn diễn biến phức tạp, trên một số lĩnh vực có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất. Công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tội phạm, tham nhũng hiệu quả chưa cao, hiệu lực răn đe phòng ngừa thấp. Do đó, Quốc hội quyết định ra Nghị quyết riêng về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và thi hành án năm 2013, ghi nhận những giải pháp mà Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra và những giải pháp cơ bản cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp để đạt được những chỉ tiêu cụ thể trong năm 2013.

Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại

Về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại, trên cơ sở xem xét báo cáo của Chính phủ, Quốc hội quyết nghị giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 và tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015. Các tổ chức thừa phát lại đã được thành lập và hoạt động theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 được tiếp tục hoạt động từ ngày 1 tháng 7 năm 2012 cho đến khi Quốc hội có quyết định mới.

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Về nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sau khi xem xét Tờ trình số 195/UBDTSĐHP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và ý kiến thảo luận của các vị đại biểu, Quốc hội quyết định tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 2 tháng 1 năm 2013 và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2013.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp

Để thực hiện tốt chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc ban hành, thực hiện các quyết định hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện một số nội dung như: Sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai, nghiên cứu mở rộng thẩm quyền của Tòa án nhân dân về việc giải quyết các tranh chấp về đất đai, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa Luật đất đai, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tố tụng hành chính, Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan. Đây là lần đầu tiên Quốc hội có nghị quyết riêng về vấn đề này.

Hoạt động của Quốc hội và bộ máy nhà nước ngày càng gần dân, công khai hơn, minh bạch hơn

Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn cũng đã được Quốc hội thống nhất thông qua, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc giám sát của Quốc hội. Quốc hội ghi nhận các giải pháp tích cực mà Thủ tướng chính phủ và các thành viên của Chính phủ đã cam kết trước Quốc hội. Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế nỗ lực cố gắng, có biện pháp tích cực, hiệu quả để giải quyết những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc đề ra. Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, hợp tác và trách nhiệm cao trước nhân dân, kỳ họp này các đại biểu đã tập trung trí tuệ, tham gia tích cực, tâm huyết vào các nội dung của kỳ họp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, được cử tri và đồng bào cả nước đặc biệt quan tâm. Hầu hết các nội dung của kỳ họp được thảo luận công khai, phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi, giám sát. Qua đó cho thấy, hoạt động của Quốc hội nói riêng và của bộ máy nhà nước ngày càng gần dân, công khai hơn, minh bạch hơn.

Vũ Ngọc Long

  • Từ khóa
4693

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu