Thứ 6, 29/03/2024 19:37:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:18, 25/10/2014 GMT+7

Người dân phải tự ý thức trong phòng chống bệnh dại

Thứ 7, 25/10/2014 | 07:18:00 119 lượt xem
BP - Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây từ động vật (chủ yếu là chó, mèo) sang người qua vết cắn, vết liếm trên da làm niêm mạc bị tổn thương. Bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao (99,9%), nhưng có thể loại trừ bằng cách tiêm phòng cho chó, mèo và ngăn chặn lan truyền vi rút sang người.

Kỹ sư Trần Thị Hải, cán bộ Phòng Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Theo thống kê của Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm, cả nước có 160.731 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng và đã có 28 người tử vong tại 16 tỉnh, thành phố. Nguyên nhân là do đàn chó nuôi không được tiêm phòng hoặc tiêm phòng đạt tỷ lệ rất thấp; chó thả rông, không được quản lý còn phổ biến... Nhiều trường hợp bị chó cắn không đến cơ sở y tế tiêm phòng dẫn đến phát bệnh và tử vong, làm nguy cơ lây bệnh tăng cao.

Để chủ động phòng chống bệnh, năm nay, chi cục tổ chức tiêm phòng đợt I vào tháng 3-4, đợt II vào tháng 9-10 và tiêm bổ sung trong các tháng còn lại. Đơn vị còn đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức sinh động giúp người chăn nuôi hiểu rõ lợi ích, ý nghĩa và hiệu quả của tiêm phòng dại trên chó, mèo. Mở các lớp tập huấn cho hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở và lực lượng trực tiếp tham gia tiêm phòng về các biện pháp, quy định phòng chống bệnh dại. Trước mỗi đợt tiêm phòng đều chuẩn bị đầy đủ vật tư, vắc-xin, hóa chất phục vụ cho toàn hệ thống trong tỉnh.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Muốn kiểm soát lây lan tiến tới loại trừ bệnh dại ở người và động vật, chúng tôi rất cần sự chung tay của các cấp, ngành và chính quyền cơ sở trong chỉ đạo, phối hợp thực hiện tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo; nâng cao nhận thức trong dự phòng và cung cấp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm đối với nạn nhân, là phải cải thiện công tác giám sát, báo cáo bệnh và tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa ngành y tế và thú y ở cơ sở.

Song song đó, người dân nên chủ động phòng tránh bệnh trên người và động vật. Cụ thể, khi nuôi chó, mèo không thả rông, gây ô nhiễm môi trường; chó nuôi kinh doanh cũng phải tiêm phòng và không được vận chuyển, đưa đi giết thịt khi bị bệnh hoặc mới tiêm vắc-xin... Khi bị chó cắn phải rửa vết thương dưới vòi nước trong 15 phút với xà bông, sau đó dùng tiếp các chất sát khuẩn, như cồn iốt, rượu, các loại xà bông, dầu gội, dầu tắm... để loại bỏ bớt virút dại dính trong nước dãi. Chú ý không làm dập nát vết thương, tránh khâu kín (trừ trường hợp bất khả kháng) và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được nhân viên y tế tư vấn, điều trị dự phòng.      

Như Thảo

  • Từ khóa
50088

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu