Thứ 3, 23/04/2024 17:11:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:25, 10/02/2018 GMT+7

Người dân Đắk Ơ khốn đốn vì tiêu chết hàng loạt

Thứ 7, 10/02/2018 | 13:25:00 281 lượt xem
BP - Thời gian qua, nhiều vườn tiêu của người dân ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập bỗng nhiên chết hàng loạt khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh lao đao, khốn đốn và nợ nần.

Hộ bà Lâm Thị Hương, trú thôn 10, xã Đắk Ơ trồng 5.000 nọc tiêu, trung bình mỗi năm thu hơn 12 tấn hạt. Thế nhưng, từ tháng 5-2017, hàng loạt nọc tiêu của gia đình bà Hương xuất hiện triệu chứng héo dây, lá chuyển sang vàng rồi rụng chỉ để lại dây khô khốc. Bà Hương cho biết, tình trạng hồ tiêu rũ lá rồi chết diễn ra rất nhanh, chỉ trong 1 tuần nên rất khó cứu chữa. Khi thấy vườn tiêu bị bệnh, gia đình bà đã xử lý 3 lần thuốc bảo vệ thực vật và bón thêm phân với chi phí hơn 120 triệu đồng nhưng vẫn không cứu được. Đến nay, gia đình bà Hương có trên 1.700 nọc tiêu bị chết, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Vườn tiêu của hộ ông Nguyễn Văn Thưởng ở thôn 10 có hơn 600 trụ bị nấm làm thối rễ và chết rất nhanh sau đó

Đồng cảnh ngộ với hộ bà Hương, gia đình bà Nguyễn Thị Thay ở thôn 10, xã Đắk Ơ, trồng 1.400 nọc tiêu, đến nay không còn trụ nào. Bà Thay kể, chồng chết, gia đình nghèo, chỉ có 4 sào đất trồng tiêu nay được 6 năm. Niềm vui từ vườn tiêu kéo dài không bao lâu, bởi từ tháng 5 vừa qua hơn 600 nọc tiêu của bà và 800 nọc tiêu của con trai bị rũ lá và rụng từ ngọn đến gốc, sau đó lan nhanh toàn vườn. Khi phát hiện tiêu bị bệnh, mẹ con bà Thay đã phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng không kịp, chỉ sau 1 tuần cây chết hàng loạt, toàn bộ vốn liếng của hai mẹ con gần như mất trắng. Các khoản tiền vay mượn để mua thuốc, vật tư cứu vườn tiêu nay bà Thay không biết lấy nguồn ở đâu để trả nợ. 

Vườn tiêu 1.200 nọc của hộ ông Nguyễn Văn Thưởng ở thôn 10, xã Đắk Ơ cũng bị bệnh làm chết hơn 600 trụ. Phát hiện cây tiêu bị bệnh, ông Thưởng nhổ lên thì thấy toàn bộ rễ thối đen và lớp vỏ bên ngoài của gốc cây đã bị bong tróc. Theo người dân, cây tiêu đang bị bệnh thối gốc, chết dây. Bệnh này do một loại nấm sống dưới đất, thích ẩm độ có tên Phytophthora Parasitica Var Piperana gây ra. Loại nấm này thường phát sinh nhanh trong mùa mưa, bùng phát mạnh vào giai đoạn giữa và cuối mùa mưa. Cùng với các loại nấm khác, chúng xâm nhập vào các bộ phận của cây rồi ủ bệnh từ 1-2 tháng, sau đó phát bệnh làm tiêu chết hàng loạt. Ông Thưởng cho hay: “Nhờ chăm sóc tốt nên từ năm 2009, vườn tiêu của tôi được đánh giá là tiêu sạch bệnh và cho năng suất cao nên người dân trong vùng đến học tập nhiều. Thế nhưng, từ tháng 8-2017 đến nay, vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Tôi đã làm mọi cách để cứu lấy diện tích nhiễm bệnh nhưng không hiệu quả. Năm nay, giá hồ tiêu giảm sâu, hiện chỉ còn dưới 70.000 đồng/kg, trong khi cây bị nhiễm bệnh và chết khiến chúng tôi thêm lo lắng về khoản nợ ngân hàng 1,6 tỷ đồng sắp đến kỳ trả gốc”.

Theo thống kê, Đắk Ơ hiện có 143 ha tiêu bị chết, chiếm gần 10% diện tích trồng tiêu của toàn xã. Đắk Ơ là xã có diện tích tiêu chết nhiều nhất ở huyện Bù Gia Mập. Ông Lê Viết Kiên, Trưởng trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vườn tiêu bị chết hàng loạt là do vào thời điểm cuối năm 2014-2016 giá tiêu tăng đến 220.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân đã đồng loạt chuyển đổi diện tích các loại cây như cao su, điều... qua trồng tiêu. Việc mở rộng diện tích trồng tiêu của người dân là tự phát, không theo quy hoạch nên có những vị trí đất không phù hợp cho cây tiêu phát triển. Bên cạnh đó, do trồng ồ ạt theo phong trào nên hầu hết người dân chủ quan không kiểm tra, kiểm soát tốt nguồn gốc, chất lượng cây giống. Mặt khác, do thời tiết năm 2017 mưa nhiều làm tiêu bị ngập úng dẫn đến thối rễ và chết dần.

Bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu đang có những diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng xấu đến hầu hết vườn tiêu trên địa bàn xã Đắk Ơ nói riêng và huyện Bù Gia Mập nói chung nhưng chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân phải làm mương thoát nước và tạo thông thoáng vườn tiêu. Bên cạnh sử dụng các loại thuốc trừ bệnh hiệu quả, người dân phải nhanh chóng thu gom cây tiêu đã chết, vệ sinh tàn dư thực vật, dùng vôi bột khử trùng vùng bệnh để hạn chế lây lan... Ngoài ra, người dân cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm mầm bệnh báo trạm trồng trọt - bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông địa bàn xử lý kịp thời.

Gia Nghi

  • Từ khóa
93488

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu