Thứ 6, 19/04/2024 11:54:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 14:15, 26/04/2019 GMT+7

Người dân có thêm lựa chọn về loại hình dịch vụ pháp lý mới

Thứ 6, 26/04/2019 | 14:15:00 144 lượt xem
BP - Sau thời gian thực hiện thí điểm với những kết quả tích cực, đến nay, chế định thừa phát lại đã được triển khai đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bình Phước là một trong 14 tỉnh, thành phố được Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại giai đoạn 2017-2018. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 3 văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long và Bình Long. Các văn phòng hoạt động bước đầu mang lại nhiều tiện ích cho người dân khi có yêu cầu.

Anh Huỳnh Văn Lập, Trưởng văn phòng Thừa phát lại Bình Phước (thành phố Đồng Xoài) cho biết, văn phòng khai trương, hoạt động từ ngày 21-1-2019 với cơ cấu thành phần gồm 2 thừa phát lại, 2 thư ký nghiệp vụ và 1 nhân viên văn phòng. Văn phòng có đủ điều kiện đáp ứng mọi yêu cầu liên quan đến lĩnh vực hoạt động thừa phát lại như lập vi bằng, tống đạt văn bản của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên, đến nay văn phòng mới chỉ thực hiện được 45 vi bằng, đang triển khai thực hiện việc tống đạt văn bản, còn xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án thì chưa làm được. Nguyên do, đây là loại hình dịch vụ pháp lý mới, lần đầu có mặt tại Bình Phước, thời gian hoạt động chưa lâu, các văn bản quy định còn chưa hoàn thiện nên trong quá trình hoạt động gặp một số khó khăn, vướng mắc. Nhiều người chưa biết, thậm chí một số cán bộ, công chức cũng chưa hiểu nhiều về thừa phát lại nên công tác phối hợp còn hạn chế. Không ít trường hợp đã từ chối, không cung cấp yêu cầu xác minh của thừa phát lại.

Người dân đến Văn phòng Thừa phát lại Bình Phước (Đồng Xoài) để thực hiện lập vi bằng

Mới sang nhượng thửa đất và muốn các hồ sơ được đảm bảo nên ông Trần Văn Hạnh ở xã Tân Hưng (Đồng Phú) đến Văn phòng Thừa phát lại Bình Phước để lập vi bằng với mong muốn có chứng cứ pháp lý để tránh những rắc rối khi xảy ra tranh chấp hoặc Nhà nước thu hồi đất. Ông Hạnh cho biết: “Lập vi bằng thủ tục đơn giản, nhanh gọn và rất quan trọng với mỗi gia đình, cá nhân, tổ chức trong các giao dịch dân sự”. Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều mối quan hệ có nguy cơ xảy ra tranh chấp nhưng người dân chưa có thói quen tạo lập chứng cứ trong các giao dịch của mình. Ví như trong việc sang nhượng nhà đất, hiện chỉ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa có giấy xác nhận quyền sở hữu nhà. Vi bằng của thừa phát lại sẽ ghi nhận lại hiện trạng nhà cửa trên đất, là cơ sở pháp lý người dân có thể sử dụng trong quá trình đàm phán, ký kết thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như xác lập các chứng cứ để bảo vệ mình trong quá trình hòa giải, thương lượng hoặc xét xử mà trước khi có thừa phát lại thì không cơ quan nào có chức năng giúp người dân thực hiện những việc này. Ngoài ra, trong bối cảnh tinh giản biên chế hiện nay, việc có các văn phòng thừa phát lại sẽ góp phần giảm áp lực cho tòa án và cơ quan thi hành án dân sự. Bởi, từ trước tới nay, đa số các văn bản tống đạt được tòa án gửi qua đường bưu điện, nhiều trường hợp không nhận được hoặc thời gian nhận được quá lâu đã ảnh hưởng đến hoạt động của tòa án, quyền lợi của người dân. Nay thừa phát lại có thể thực hiện công việc này. Việc xác minh điều kiện thi hành án hoặc thi hành các bản án dân sự, trước đây chỉ do cơ quan thi hành án các cấp thực hiện, nay người dân có thể lựa chọn các văn phòng thừa phát lại để bảo vệ quyền lợi của mình.

Thừa phát lại là một nghề độc lập, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, không phải là nhân viên nhà nước nhưng được nhà nước bổ nhiệm, trao quyền để thực hiện một số công việc như: Tống đạt văn bản của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự; xác minh điều kiện thi hành án dân sự; trực tiếp thi hành các bản án, quyết định của tòa án; lập vi bằng, chứng cứ theo yêu cầu và tư vấn pháp luật cho mọi thành phần kinh tế...

Ông Nguyễn Trọng Trí, Phó giám đốc Sở Tư pháp nói: “Các văn phòng thừa phát lại sẽ giúp giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án dân sự; tạo thêm công cụ pháp lý tích cực để người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia các giao dịch dân sự và trong giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến về thừa phát lại chưa đạt yêu cầu. Hiện nay, đa số người dân chưa biết đến khái niệm thừa phát lại và cũng chưa hiểu rõ công việc của thừa phát lại nên chưa tìm đến loại hình dịch vụ này. Nhiều người còn cho rằng, thừa phát lại như một doanh nghiệp, không phải cơ quan nhà nước nên không có chức năng, cơ sở pháp lý. Vì vậy, họ e ngại và chưa mặn mà với hoạt động này”.

Minh Luận

  • Từ khóa
31880

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu