Thứ 7, 20/04/2024 06:33:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:29, 06/05/2017 GMT+7

Người chăn nuôi gặp khó vì gà không thể tiêu thụ

Thứ 7, 06/05/2017 | 07:29:00 206 lượt xem
BP - Thời gian qua, dịch cúm AH5N1 xảy ra tại một số tỉnh, thành trong cả nước với nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, thông tin về dịch cúm H7N9 từ gà có thể lây sang người làm cho các hộ nuôi gà ở xã Thanh Lương (Bình Long) - nơi có đàn gà thả vườn lớn ở Bình Phước như ngồi trên đống lửa. Gà đã lớn nhưng không bán được, hoặc bán cũng bị tư thương ép giá. Người chăn nuôi đang “đánh cược” vào việc phát triển đàn gà bền vững.

Trại gà của gia đình ông Võ Văn Phụng ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương đến kỳ nhưng chưa thể xuất bánTrại gà của gia đình ông Võ Văn Phụng ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương đến kỳ nhưng chưa thể xuất bán

Đến xã Thanh Lương những ngày này rất dễ nhận thấy không khí ảm đạm bởi thu nhập từ đàn gà thả vườn của người chăn nuôi  ngày càng giảm. Ông Phan Văn Túy ở ấp Thanh Bình, xã Thanh Lương, có thâm niên hơn 9 năm nuôi gà cho biết: “Hằng năm, vào thời điểm này gia đình tôi xuất bán khoảng 30.000 con gà thả vườn lông màu. Thế nhưng, năm nay đàn gà hơn 10.000 con đã đến kỳ xuất bán nhưng không có người mua”.

Ông Túy cho biết, giá gà thả vườn hiện nay chỉ ở mức 38.000 đồng/kg gà trống và 48.000 đồng/kg gà mái, giảm hơn 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giá giảm là do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm đã gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Thêm vào đó, giá đùi gà nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam chỉ từ 12.000-15.000 đồng/kg đã kéo giá gà trong nước giảm. Trước đây, khi thịt heo rớt giá thì giá gà sẽ tăng nhưng lần này thì ngược lại. Giá thịt heo giảm kéo giá gà xuống theo bởi “khủng hoảng thừa” thịt heo trên thị trường. Gia đình ông Võ Văn Phụng ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương có 5.000 con gà lông màu thả vườn hơn 4 tháng, mỗi con đạt trên 1,7kg nhưng vẫn chưa có người đến mua. Gà thương phẩm không bán được nhưng người chăn nuôi vẫn phải mua cám cho gà ăn và công chăm sóc nên càng nuôi càng lỗ. Ông Phụng nhẩm tính, trung bình mỗi con gà trưởng thành một ngày tiêu thụ hết 1.000 đồng tiền cám nhưng trọng lượng thì không tăng. Thêm vào đó là tình trạng gà mổ nhau dẫn đến hao hụt đàn, nếu không bán được thì người nuôi sẽ lỗ nặng.

 Để gà đạt tiêu chuẩn an toàn, ông Phụng đã áp dụng quy trình chăn nuôi đúng kỹ thuật. “Tôi đã nuôi gà được 3 năm. Những năm trước vào thời điểm này, giá gà tuy giảm nhưng đến kỳ vẫn xuất được nên gia đình có nguồn thu. Năm nay, gà đến thời điểm xuất bán nhưng không có người hỏi mua. Nhiều trại gà nuôi hơn 5 tháng, gà đã đẻ cũng không bán được” - ông Phụng cho biết. Là hộ nuôi gà nhiều nhất xã Thanh Lương, hiện gia đình ông Trần Văn Linh ở ấp Thanh An đang có hơn 12.000 con đến kỳ xuất chuồng nhưng số lượng bán ra không đáng kể. Ông Linh tính toán, hiện nay cứ 1.000 con gà thì người chăn nuôi lỗ khoảng chục triệu đồng, nuôi thêm mỗi ngày sẽ tốn khoảng hơn 1 triệu nữa. Vì vậy, nếu không bán được gà thì người chăn nuôi sẽ cụt vốn. Cũng do giá giảm và không bán được nên nhiều trang trại ở xã Thanh Lương không nhập giống để nuôi tái đàn. Nhiều dãy chuồng gà bỏ không gây lãng phí.

Bình Phước hiện chưa bị ảnh hưởng bởi dịch cúm AH5N1, do vậy gà ở tỉnh ta vẫn an toàn. Tuy nhiên, tình trạng gà rớt giá kéo dài sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó ảnh hưởng đến tổng đàn gia cầm của tỉnh vì người dân không mặn mà thả con giống; đời sống các hộ chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Do vậy, để duy trì và phát triển đàn gà, ổn định giá, tạo niềm tin về thịt gà sạch cho người tiêu dùng, rất cần sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, nhất là trong tuyên truyền để gà thương phẩm tiêu thụ được.

H. Lương

  • Từ khóa
41544

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu