Thứ 5, 25/04/2024 16:49:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 17:42, 27/02/2018 GMT+7

Ngư dân rộn ràng “mở biển” ra khơi

Thứ 3, 27/02/2018 | 17:42:00 1,385 lượt xem

BP -  Đã thành thông lệ, những ngày đầu năm mới, các địa phương cùng với ngư dân những làng chài ven biển nước ta lại tổ chức lễ “mở biển” và ra quân đánh bắt hải sản. Tết Mậu Tuất - 2018, hầu khắp các vùng biển, ngư dân đã ra khơi khá sớm. Những tàu đánh bắt xa bờ treo đầy băng rôn, khẩu hiệu như: “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, hoặc “Biển bạc của ta, do nhân dân ta làm chủ” đã làm lễ “mở biển”. Trên tàu, cờ Tổ quốc tung bay, đỏ rực một vùng biển, báo hiệu một năm làm ăn mưa thuận, gió hòa, tôm cá đầy khoang.

Ngư dân Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) ra khơi trong ngày “mở biển” đầu năm Mậu Tuất - Ảnh: Minh Hoàng

Đối với ngư dân, chuyến “mở biển” đầu năm có nhiều ý nghĩa quan trọng. Nếu chuyến đi biển đầu năm làm ăn có lãi thì cả năm thường xuyên may mắn. Vì vậy đối với mỗi ngư dân, họ chọn ngày ra khơi đầu năm rất kỹ theo quan niệm dân gian của từng vùng, từng dòng tộc, gia đình. Nhưng nơi “mở biển” muộn nhất cũng vào rằm tháng giêng. Theo quy định, những chiếc tàu nối đuôi nhau trong lễ xuất hành đầu xuân là tàu đánh bắt đạt sản lượng cao và được làng chài tiến cử tham gia lễ “mở biển” để lấy may cho cả làng trong ngày đầu năm mới. Số tàu còn lại thì xếp thành 2 hàng dài ở cửa biển. Mỗi tàu đều được chà rửa sạch sẽ, cắm hoa trên mũi tàu. Mũi tàu là nơi ngư dân xem như bàn thờ, thường đặt một chậu hoa vạn thọ. Đặc biệt trong lễ “mở biển” hằng năm các địa phương đều tổ chức lễ cầu ngư, múa lân, diễn xướng hò kéo lưới và hát bả trạo (dân ca của ngư dân vùng duyên hải miền Trung). Trước khi diễn ra lễ hội cầu ngư, nhóm thanh niên làng chài thi kéo co, còn các cô gái trong trang phục sặc sỡ, diễn xướng hò bả trạo, hát sắc bùa, đậm nét văn hóa biển đảo trong ngày tết cổ truyền.

Ngư dân là những người có cuộc sống, sinh mạng gắn liền với biển cả. Vì vậy việc tổ chức lễ mở đầu cho một năm ra khơi làm ăn rất quan trọng và mang đậm ý nghĩa về tâm linh. Với lễ cầu ngư, bà con ngư dân gởi gắm, cầu mong biển luôn bình yên, cho nhiều tôm cá. Lễ hội cầu ngư là nghi lễ không thể thiếu của cư dân vùng ven biển trước những vụ ra khơi. Những ngày này trên khắp vùng biển Trung bộ, người dân làng chài đã tổ chức xong lễ hội cầu ngư trước khi tàu thuyền ra khơi đánh bắt. Sinh hoạt dân gian này không chỉ mang tính tâm linh mà còn là nét đẹp văn hóa độc đáo của ngư dân vùng biển Việt Nam. Lễ hội truyền thống hằng năm luôn được duy trì từ đời này sang đời khác. Theo nghi thức cổ truyền từ bao đời nay, lễ hội cầu ngư thường có hai phần: phần lễ và hội. Nghi thức quan trọng nhất trong phần lễ là cúng Cá Ông. Phần hội thường diễn ra vài ngày và gắn liền với các trò chơi dân gian như: Lắc thúng, đan lưới, kéo co dưới nước hay thi gánh cá trên bờ cát...

Trong tâm linh của người dân miền biển Việt Nam, lễ hội cầu ngư chiếm vị thế vô cùng quan trọng. Bởi hơn ai hết họ hiểu được sự nguy hiểm luôn luôn rình rập tàu thuyền và các ngư phủ trong mỗi chuyến ra khơi. Nghề biển luôn chứa đựng nhiều may rủi, dù ngày nay tàu được đóng mới với công suất lớn, chắc chắn hơn, lại được trang bị nhiều phương tiện hiện đại. Trong tâm khảm của mỗi ngư dân họ vẫn mong chuyến ra khơi đầu năm gặp suôn sẻ, gặt hái nhiều “lộc biển”. Bởi thế trước khi vươn khơi ngư phủ nào cũng sắp xếp thời gian dâng nén hương để cầu cho bản thân và gia đình được thần linh che chở.

Biển trong giấc mơ của sóng có những lời nguyện cầu bình yên, được mùa tôm cá. Biển với những làng nghề đánh bắt cá không chỉ là nơi trú ngụ, chở che cho những cư dân quen ăn sóng nói gió mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo của con người. Nhà thơ Đỗ Tiến Thụy khi viết về khung cảnh ngư dân mở biển, vươn khơi đã có bài thơ “Người đi mở biển”. Đoạn kết của bài thơ phần nào nói lên chủ quyền thiêng liêng mà cha ông ta đã khẳng định trên biển Đông, nhất là vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa: “Các con về sắm thuyền to lưới rộng/Mở lớn mắt ra cho xứng biển nhà/Lúc vẫy vùng các con hãy nhớ/Xương trắng cha làm cọc mốc Hoàng Sa” .

Đức Hồng

  • Từ khóa
111314

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu