Thứ 7, 20/04/2024 19:11:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:36, 30/11/2017 GMT+7

Ngọn và gốc về chuyện bạo hành

Thứ 5, 30/11/2017 | 07:36:00 120 lượt xem
BP - Ngày 28-11, Công an quận 12, TP. Hồ Chí Minh cho biết đã khởi tố, bắt giam Phạm Thị Mỹ Linh, 43 tuổi, chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh để điều tra hành vi hành hạ người khác. Trước đó, gần như tất cả phương tiện thông tin đại chúng đều đưa tin về bảo mẫu bạo hành trẻ em gửi tại cơ sở mầm non này với những hành vi vô cùng dã man.

Chỉ trong vòng chưa tới 2 tuần qua, còn có nhiều vụ bạo hành trẻ em khác gây rúng động dư luận. Đó là vụ bảo mẫu đánh đập, tung hứng em bé hơn 1 tháng tuổi ở Hà Nam, vụ bé gái bị người thân dùng thanh sắt nóng dí vào mặt và tay ở Kiên Giang, vụ em bé 6 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh bị bảo vệ dân phố sát hại... Đó là chưa tính một số vụ việc đau lòng khác diễn ra trong 2 tuần qua. Cả xã hội phẫn nộ với những hành vi mất hết tính người trong những trường hợp này. Nhưng một câu hỏi đặt ra rất ít được đề cập tới: Đã có rất nhiều trường hợp “ác mẫu” bị pháp luật trừng trị và cả xã hội lên án, nhưng vì sao nó vẫn diễn ra và dường như mức độ ngày càng tinh vi, độc ác hơn?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, song có 2 nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là truyền thông đại chúng đã đưa thông tin đến với xã hội nhanh hơn, hiệu quả hơn và áp lực của cuộc mưu sinh (với cả người gửi và người nhận giữ trẻ) cũng ngày một dữ dội hơn, nên trực tiếp ảnh hưởng đến điều đó. Câu thành ngữ “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” xuất hiện trong đời sống xã hội phong kiến, song còn in dấu đậm nét trong đời sống gia đình hiện nay. Chính vì thế, chuyện “con tôi, tôi có quyền dạy dỗ” (bằng cách đánh đòn) rất ít trường hợp được cả pháp luật cũng như cộng đồng can thiệp. Nhiều bậc phụ huynh còn tìm đến thầy cô giáo “nhờ” nghiêm khắc hơn với con mình. Bậc mầm non có nhiều cha mẹ không thể cho con ăn uống đúng giờ, đúng khẩu phần mà phải nhờ cô giáo. Cũng có không ít bậc ông bà khăng khăng phải nuôi dạy trẻ nhỏ theo phương pháp, cách thức lạc hậu, thậm chí phản khoa học với lập luận rằng “tôi đẻ ra anh chị, nuôi anh chị nên người, anh chị không tin, không nghe tôi sao?”. Thế hệ 7X trở về trước, không ít người được thưởng thức những trận no đòn bằng cây thước của giáo viên với bản rộng 3 ngón tay, dài nửa mét, phết vào mông học sinh không thuộc vẹt, không chịu ngồi im một chỗ chép bài... Những phương pháp đó, xét cho cùng đều xuất phát từ tâm lý xã hội, quan niệm giáo dục “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Ngày nay, quan điểm ấy đã lạc hậu, thậm chí sai lầm nghiêm trọng nếu làm tổn thương tâm lý của trẻ em.

Phải xử lý nghiêm đối với những “ác mẫu”, nhưng đó mới chỉ là xử lý phần ngọn của câu chuyện giáo dục. Gốc của vấn đề là làm thế nào cả xã hội đều biết, hiểu và thực hiện Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em, làm thế nào để thay đổi được quan niệm giáo dục gia đình theo phương pháp hiện đại, khoa học, làm thế nào để quan niệm “Thương cho roi cho vọt” không còn tồn tại trong xã hội ngày nay? Vâng, chỉ khi nào giải quyết được vấn đề về quan điểm giáo dục, liên quan đến các thế hệ kế cận mới mong không còn những trường hợp xảy ra kiểu như ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh.

Hưng Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu