Thứ 3, 19/03/2024 15:02:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 13:26, 05/03/2014 GMT+7

Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt

Thứ 4, 05/03/2014 | 13:26:00 3,233 lượt xem

Điều 5, Hiến pháp năm 2013 là những quy định về chính sách dân tộc của Việt Nam. Có thể nhận thấy, Hiến pháp lần này đã kế thừa, làm rõ và bổ sung thêm một số quy định mới so với Điều 5, Hiến pháp năm 1992. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 5 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Trong khi Điều 5, Hiến pháp năm 1992 viết: “Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Nếu phân tích về mặt từ ngữ và ý nghĩa, rõ ràng cách dùng “Các dân tộc bình đẳng...” đã đề cao vai trò của các dân tộc, thể hiện tính chủ động của chủ thể (là các dân tộc). Đồng thời thay đổi cụm từ “tương trợ giữa các dân tộc” thành “tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển” đã nhấn mạnh sự bình đẳng giữa các dân tộc đang sinh sống trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Một quy định hoàn toàn mới trong Điều 5, Hiến pháp năm 2013 là “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”. Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới thì việc sử dụng ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết) làm ngôn ngữ quốc gia cũng luôn được coi trọng. Lâu nay, chúng ta vẫn sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ quốc gia. Thế nhưng khi bước vào giai đoạn đổi mới, thực hiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nhiều ngôn ngữ nước ngoài (ngoại ngữ) được sử dụng khá phổ biến ở nước ta như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc... Thậm chí, nhiều nhãn hàng, tên đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức của cả trong nước và nước ngoài đã sử dụng 100% tiếng nước ngoài. Đây là hành động vi phạm pháp luật của Việt Nam. Vì vậy, đưa nội dung quy định về ngôn ngữ quốc gia trong Hiến pháp năm 2013 thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy sự trong sáng của tiếng Việt. 

Điều 12, Hiến pháp năm 2013 quy định về chính sách đối ngoại, khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. So với Điều 14, Hiến pháp năm 1992, thì những quy định tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện đầy đủ, rõ ràng quan điểm của Việt Nam trong chính sách đối ngoại. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp (tranh chấp lãnh thổ, xung đột sắc tộc, bạo động chính trị...) ở nhiều nước, tạo nên các “điểm nóng” ảnh hưởng đến hòa bình của thế giới, quan điểm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là “Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”. Đồng thời, Việt Nam luôn nỗ lực, cố gắng xứng đáng “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Vị trí của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế. Ngày 12-11-2013 vừa qua, với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Đây cũng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng...; phản bác lại những quan điểm của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”.

Việc cụ thể hóa của Hiến pháp năm 2013 một lần nữa khẳng định quan điểm “dĩ bất biến” của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Bảo

 

  • Từ khóa
108277

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu