Thứ 6, 29/03/2024 22:25:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 01:53, 31/08/2019 GMT+7

Ngôi trường đặc biệt

Thứ 7, 31/08/2019 | 01:53:00 329 lượt xem

BP - “Lớp có 20 em nhưng phần lớn chưa thông thạo tiếng Việt nên nhiều lúc cô, trò phải trao đổi với nhau bằng ký hiệu, cử chỉ. Học lớp 1 nhưng đa số các em chưa biết cầm bút và thường viết ngược. Cô gọi lên đánh vần, phát biểu nhưng nhiều em không chịu mà có lên cũng không trả lời…”. Đó là chia sẻ của cô Văn Thị Sang, giáo viên lớp 1, Trường tiểu học Đa Kia C, huyện Bù Gia Mập - ngôi trường duy nhất của tỉnh 100% học sinh là đồng bào dân tộc S’tiêng.

Dịp hè, phần lớn các trường học đều nghỉ nhưng Trường tiểu học Đa Kia C vẫn tổ chức dạy học bình thường nhằm tăng cường tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1. Trường có 3 lớp 1 học 114 tiết/2 tháng. Cô Văn Thị Sang cho biết, trong các khối của trường thì dạy lớp 1 là khó khăn, vất vả nhất. Bởi nhiều em chưa qua mầm non nên phải đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Phần lớn phụ huynh đi làm xa, trong khi các em không có phương tiện đi lại và thiếu quần áo, sách vở. Khi thấy người lạ, nhiều em bỏ trốn không chịu gặp, trao đổi, hợp tác. Sau nhiều lần tìm cách tiếp cận, làm quen với các cử chỉ ân cần như cột tóc, gội đầu, tắm, thay quần áo mới..., các em mới chịu đến lớp. Vào lớp học, một số em chưa qua mầm non nên không thông thạo tiếng phổ thông, tiếp thu kiến thức chậm, thậm chí nhiều em chưa biết cầm bút và viết ngược. Bất đồng ngôn ngữ nên dù giáo viên giảng bài chậm rãi nhưng học sinh vẫn không hiểu, có lúc phải thể hiện bằng hành động, cử chỉ. Để nhanh làm quen với tiếng phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh về nhà “phụ đạo” thêm cho các em.

Học sinh được tăng cường tiếng Việt trong dịp hè trước khi vào lớp 1

Cô Sang chia sẻ, học sinh đồng bào S’tiêng rất rụt rè, nhút nhát nên hỏi gì cũng không trả lời, phản ứng, gây khó khăn cho các hoạt động lên lớp. Để học sinh tiếp thu được kiến thức, trong 2 tháng dạy tăng cường tiếng Việt thì 1 tháng đầu dành thời gian cho việc tiếp xúc, làm quen, trao đổi, nói chuyện. Sau khi cô trò gần gũi, hiểu biết nhau thì mới chính thức dạy - học. “Dạy học ở đây khó khăn, vất vả đủ bề, đáng lẽ được phụ huynh quan tâm hỗ trợ nhưng mọi việc đều phó mặc cho giáo viên, nhà trường. Vì thế, nếu không thương yêu học sinh, tận tâm với nghề thì khó mà tồn tại được lâu” - cô Sang nói.

Hiệu trưởng Hoàng Minh Thuần cho biết: Trường tiểu học Đa Kia C thành lập năm 2011 với hơn 300 học sinh/19 lớp. 100% học sinh của trường là đồng bào dân tộc S’tiêng thuộc 2 thôn Bình Hà 1 và Bình Hà 2. Năm học 2019-2020, trường có 336 em/19 lớp, trong đó điểm chính thôn Bình Hà 1 có 201 em/12 lớp, điểm lẻ thôn Bình Hà 2 có 135 em/7 lớp. Những năm đầu cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng thời gian gần đây được quan tâm đầu tư xây dựng nên trường lớp đảm bảo điều kiện dạy và học. Khó khăn lớn nhất nhiều năm qua là công tác ổn định, duy trì sĩ số học sinh, đặc biệt vào mùa thu hoạch điều, tiêu. Do nhận thức của người dân hạn chế, đời sống kinh tế khó khăn với gần 50% học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo nên vào mùa thu hoạch nhiều em thường nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Để duy trì sĩ số, ngoài phối hợp vận động đến lớp, trường liên hệ, vận động các đoàn từ thiện đến hỗ trợ quà cho các em, trung bình mỗi năm khoảng 200 phần. Cùng với đó, cán bộ, giáo viên trường luôn ân cần động viên, sẵn sàng sẻ chia những khó khăn với phụ huynh và học sinh. Liên đội trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em trải nghiệm như trò chơi vận động, kể chuyện, tìm hiểu truyền thống lịch sử dân tộc..., qua đó thu hút đông học sinh tham gia.

Với nhiều cách làm phù hợp, thiết thực, từ khi thành lập đến nay, trường không có học sinh bỏ học, không có học sinh vi phạm đến mức phải kỷ luật, tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học luôn đạt 100%. Năm học 2018-2019, trường đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, được UBND huyện tặng giấy khen; 5 giáo viên đạt chiến sĩ thi đua cơ sở được UBND tỉnh tặng bằng khen...

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
88831

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu