Thứ 3, 19/03/2024 18:33:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:55, 10/02/2019 GMT+7

Ngọc trong đá

Chủ nhật, 10/02/2019 | 07:55:00 1,194 lượt xem
BP - Những năm qua, hàng trăm người đã viết đơn tình nguyện xin được hiến cơ thể cho khoa học. Khi những lá đơn được gửi đi, hàng trăm tấm thẻ được gửi về. Cầm thẻ trên tay, họ hạnh phúc khi được góp một phần cơ thể mình cho nền y học. Việc làm của họ như “ngọc trong đá”, tuy sần sùi bên ngoài nhưng ẩn sâu là nghĩa cử cao đẹp và có tác động mạnh trong xã hội.

MỈM CƯỜI TRONG GIẤC NGỦ SÂU

Chúng tôi gặp ông Dương Quang Phú (SN1958) ở xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, trong một buổi chớm lạnh ngày cuối năm. Bên quốc lộ 14, phía trước ngôi nhà, ông tận dụng mở một quán bán nước giải khát và mắc vài cái võng để làm nơi ngả lưng cho khách đường xa. Quanh nhà, vườn mía, vườn dừa xanh mát. Dáng người nhỏ bé thoăn thoắt bên giàn lan rừng, ông nói với tôi bằng tiếng miền Trung đặc sệt: “Trông roai roai ri chứ khỏe lắm cô. Vợ bệnh nên ở viện nhiều hơn ở nhà, 3 đứa con trưởng thành đi làm xa. Tôi ở một mình, vài phong lương khô là lương thực chính, ăn qua ngày rứa mà trời thương, không bệnh tật chi cả”.

Chia sẻ về việc làm “không giống ai” của mình, ông cho biết: “Năm 1994, khi nghe radio và biết được câu chuyện một người đàn ông trước khi qua đời đã hiến xác và cứu được 6 người bệnh, tôi rất cảm động. Ngay lúc đó, tôi đã có ý định đi đăng ký nhưng chưa biết liên hệ ở đâu. Năm 1996, tôi bày tỏ ý nguyện với vợ và các con thì bị phản ứng dữ dội vì những lý do như thương tôi nhỏ con mà khi qua đời còn bị mổ xẻ, thương tuổi thơ vốn khó khăn hay những vấn đề liên quan tâm linh, phong tục tập quán... Trước ý kiến của người thân, hàng xóm láng giềng, tôi tạm khép ý nguyện này. 10 năm tác động tư tưởng, năm 2006, tôi khăn gói về Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đăng ký hiến cơ thể phục vụ khoa học”.

Ông Dương Quang Phú cẩn thận chăm sóc từng nhánh lan như những đứa con tinh thần của mìnhÔng Dương Quang Phú cẩn thận chăm sóc từng nhánh lan như những đứa con tinh thần của mình

“Sinh viên y dược là những người nghiên cứu để tìm hiểu bệnh tật, nhưng học trên mô hình thì làm sao hiểu được cơ thể người ra sao. Một cơ thể khi hiến không chỉ cứu sống nhiều người, lại giúp sinh viên học tốt hơn. Tôi suy nghĩ đơn giản, con người ta có một cơ thể lành lặn, sống trọn kiếp người là hạnh phúc rồi. Khi mất, chỉ mất cái hình cái dáng, còn lại phải làm điều gì cho ý nghĩa” - ông Phú chia sẻ.

10 năm để thuyết phục gia đình và hơn 10 năm trôi qua đã sống với nguyện ước của mình, ông Phú rất mãn nguyện. Tấm thẻ chứng nhận hiến xác cho y học mang số hiệu 9543 của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 27-12-2006 lúc nào cũng được ông cất cẩn thận cùng với chứng minh nhân dân, bảo hiểm y tế.

Ngoài được biết với việc làm khác người, người ta cũng biết đến ông là người đam mê thơ ca, văn hay, chữ đẹp. Là trẻ mồ côi, từ nhỏ không được đến trường, tuổi thơ của ông là những ngày đi chăn trâu, cắt cỏ, làm thuê. Bước vào môi trường quân đội năm 1978 - 20 tuổi, được sự hướng dẫn của cấp trên, ông mới biết mặt chữ và quyết tâm lấy con chữ để thay đổi cuộc đời. Từ cố gắng của mình, hiện nay ông luôn được người dân tin tưởng nhờ viết các loại giấy tờ, được UBND xã, trường học nhờ viết giấy khen... Ông cũng là tấm gương sáng để 3 người con đến trường học tập và trở thành người có ích cho xã hội.

Hiện nay, 8 sào đất ông trồng cao su, điều để ổn định kinh tế và có điều kiện chăm sóc vợ mắc bệnh hiểm nghèo. Ông cũng dành một khu đất nhỏ để chăm sóc 70 gốc lan rừng, một bàn đá để rèn chữ, làm thơ, làm văn khi “máu” nghệ sĩ trỗi dậy. Ngoài vườn, một nhánh lan ngọc điểm đã nở thơm phức, báo hiệu mùa xuân đang về trên ngôi nhà của người đàn ông giàu lòng nhân hậu.

ĐỂ CÁT BỤI LÀM ĐIỀU CÓ ÍCH

Những ngày giáp tết, ngôi nhà của chị Trần Thị Loan (SN1975) ở thôn Phú Lâm, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng lại rộn ràng hơn bao giờ hết. Yêu cây xanh, cây cảnh, xung quanh nhà chị các gốc hồng đã tỏa hương thơm ngát, những nụ mai e ấp bên góc nhà. Vốn đam mê làm từ thiện nên những ngày này, căn nhà của chị lại chứa nhiều hơn những túi áo quần, giày dép cũng như hàng trăm phần nhu yếu phẩm khác. Theo cha mẹ đến lập nghiệp ở xã Phú Trung từ những năm 1985, đến nay cuộc sống gia đình chị ổn định với 4 ha điều và 2 ha cao su, 4 người con học tập thành đạt. Tuy nhiên, điều khiến người ta mến phục chị không chỉ có vậy. Chị là người dám vượt qua những suy nghĩ lẽ thường, hiến tặng cơ thể mình cho khoa học. 

Thường xuyên làm từ thiện nên cuối năm, chị Trần Thị Loan luôn tất bật với những công việc không tên nhưng đầy ắp tình ngườiThường xuyên làm từ thiện nên cuối năm, chị Trần Thị Loan luôn tất bật với những công việc không tên nhưng đầy ắp tình người

Chị Loan kể: “Năm 1998, trong một lần đi khám bệnh tại Sài Gòn, tôi thấy người ta bàn luận nhiều về việc hiến xác cho khoa học. Tôi nghe họ nói chuyện và phân tích những mặt hạn chế của sinh viên khi thực tập trên mô hình. Ngay lúc đó, tôi đã nảy sinh ý tưởng hiến tặng cơ thể mình. Trở về nhà, tôi tìm mọi cách để có thể thực hiện ý nguyện. Tuy nhiên, thông tin hồi đó hạn chế, đi hỏi các ban, ngành, đoàn thể ở xã họ cũng không biết giúp tôi bằng cách nào. Gần 10 năm dò hỏi, năm 2008, khi đọc báo, tôi thấy tòa soạn có trả lời một bạn đọc về địa chỉ để có thể hiến xác. Ngay lập tức, tôi viết thư tay gửi về Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh”. Mặc dù gia đình thường làm từ thiện, là nhân tố tích cực trong hoạt động hiến máu nhân đạo, nhưng khi đem chuyện này ra bàn với gia đình, bạn bè, chị Loan vô cùng sốc khi mọi người cho rằng chị bị gàn dở. Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh  nhận được thư tay và đã gửi mẫu đơn về từ cuối năm 2008, nhưng mất 2 năm làm tư tưởng, tháng 8-2010, chị Loan mới thực hiện được điều mình mong muốn.

“Khi hiểu được vấn đề, chồng và các con rất trân trọng việc tôi làm. Tôi nghĩ rằng, một tiêu bản thật cho sinh viên y khoa giải phẫu nghiên cứu tốt hơn rất nhiều so với các mô hình hiện nay. Cát bụi vẫn là cát bụi, vậy sao không để hạt cát ấy được tỏa sáng, được làm điều có ích cho xã hội?” - chị Loan phân tích. Đem những lý lẽ đó nói với hàng xóm, người thân, chị Loan hạnh phúc hơn khi nhiều người đã hiểu việc làm của chị. Nhiều năm qua, chị tiếp tục là “địa chỉ đỏ” để mọi người đến tư vấn và được làm điều “khác người” như chị.

Hằng năm, vào ngày 23-11 (âm lịch), các trường đại học, bệnh viện tổ chức tri ân người thầy, người cô thầm lặng. Đồng thời những người như ông Phú, chị Loan cũng được Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh mời về dự. Trở về sau buổi lễ, ông Phú, chị Loan tiếp tục đi phân tích cho người khác hiểu và vượt qua những định kiến, rào cản của xã hội, tạo ra món quà vô giá cho nền khoa học của nước nhà. Qua đó, nhân lên tình yêu thương và tạo ra sức lan tỏa mạnh trong xã hội.

Thanh Nga

  • Từ khóa
91426

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu