Thứ 7, 20/04/2024 15:37:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:18, 18/04/2012 GMT+7

Nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình

Thứ 4, 18/04/2012 | 14:18:00 2,413 lượt xem

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đưa ra bốn nhóm giải pháp thực hiện. Trong đó, nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên được đặt lên hàng đầu.

Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Thế nhưng, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thật sự quan tâm, sâu sát trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Bản thân nhiều cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chế độ sinh hoạt, hội họp của tổ chức đảng, đặc biệt là sinh hoạt cấp ủy, chi bộ chưa được thực hiện theo quy định. Điều 22, Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng quy định: “Đảng ủy, chi ủy cơ sở họp thường lệ mỗi tháng một lần; họp bất thường khi cần... Chi bộ cơ sở họp thường lệ mỗi tháng một lần; họp bất thường khi cần”. Thế nhưng trên thực tế, không ít cấp ủy, chi bộ có khi 3-4 tháng mới họp một lần, chỉ họp “khi cần” để xét kết nạp đảng viên, chuyển đảng chính thức...

Nội dung sinh hoạt của một số tổ chức cơ sở đảng còn nghèo nàn và không đúng theo hướng dẫn của Ban tổ chức Trung ương. Thậm chí, có chi bộ nội dung sinh hoạt hằng tháng “đơn giản, gọn nhẹ” đến mức chỉ diễn ra trong khoảng 10-15 phút là xong?! Nội dung tự phê bình và phê bình thường chỉ diễn ra ở cuộc họp đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm. Đa phần cán bộ, đảng viên tự phê bình còn rất chung chung, nêu lên rất nhiều ưu điểm của bản thân. Còn mặt hạn chế, khuyết điểm thì chỉ có vài câu, đại loại như “Chưa mạnh dạn trong tự phê bình và phê bình. Cần tiếp tục học tập nâng cao trình độ...”. Đến năm sau cũng lặp lại như vậy, có nghĩa là những hạn chế, khuyết điểm đó chưa được khắc phục nhưng vẫn được chi bộ biểu quyết thống nhất đánh giá đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Còn chuyện phê bình thì hầu như chỉ diễn ra theo hướng một chiều: cấp trên phê bình cấp dưới, đảng viên có nhiều năm tuổi đảng phê bình đảng viên trẻ. Phải chăng chỉ cấp dưới, đảng viên trẻ mới có hạn chế, khuyết điểm cần phê bình để sửa chữa, còn cấp trên và những đồng chí đảng viên lâu năm tự mình đã “hoàn hảo” nên cấp dưới không “được phép” phê bình?

Ngạn ngữ Nga có một câu rất sâu sắc “Con mắt thấy tất cả nhưng không tự thấy nó”. Phải chăng lâu nay trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình ai cũng tự nhận ưu điểm là của mình, khuyết điểm, hạn chế là của người khác. Bên cạnh đó, vì muốn giấu khuyết điểm, không muốn “vạch áo cho người xem lưng” và tâm lý ngại đụng chạm, “im lặng là vàng”, “dĩ hòa vi quý”... đã trở thành lực cản làm giảm hiệu quả của tự phê bình và phê bình.

Thực trạng đó dẫn đến nhiều tác hại nguy hiểm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng bị giảm sút. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tự bằng lòng, thỏa mãn với bản thân nên thiếu tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... dẫn đến vi phạm nguyên tắc, Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm và vi phạm các quy định của pháp luật.

Để thực hiện tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, mang lại hiệu quả đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải trung thực, thẳng thắn, vị tha, mình vì mọi người. Bản thân người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thật sự cầu thị và gương mẫu thực hiện trước. Đồng thời phát huy dân chủ trong Đảng, kết hợp với lắng nghe, tập hợp ý kiến góp ý của quần chúng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp góp ý xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố, phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Tự phê bình và phê bình là việc cần làm ngay; làm thường xuyên, liên tục, làm đi làm lại nhiều lần “như đánh răng, rửa mặt, quét nhà, rửa bát hằng ngày” (lời của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XI). Triển khai đồng bộ việc thực hiện tự phê bình và phê bình gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Nếu làm gấp rút theo kiểu “chiến dịch”, tổng kết là xong thì chắc chắn không đạt yêu cầu như Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đề ra.

Chính Trực

  • Từ khóa
1227

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu