Thứ 6, 19/04/2024 14:02:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 16:14, 09/01/2018 GMT+7

Nghịch lý cao su

Thứ 3, 09/01/2018 | 16:14:00 129 lượt xem

BP - Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017 Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,39 triệu tấn mủ cao su, trị giá 2,26 tỷ USD. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn thứ 3 thế giới với diện tích trồng loại cây này năm 2017 đạt 971.600 ha, sản lượng 1,086 triệu tấn, trong đó tỉnh Bình Phước nhiều nhất với 236.000 ha, chiếm gần ¼ cả nước. Những tưởng là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới thì Việt Nam sẽ có sẵn nguyên liệu cho sản xuất trong nước. Thế nhưng thật bất ngờ khi Việt Nam cũng là một trong những nước nhập khẩu mủ cao su khá lớn, thậm chí còn phải nhập từ những nước... không trồng một cây cao su nào.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 559.000 tấn mủ cao su, trị giá 1,09 tỷ USD, chủ yếu từ 4 nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Thái Lan. Nguyên liệu Việt Nam nhập về để kinh doanh tạm nhập tái xuất và đáp ứng nhu cầu sản xuất vỏ, ruột xe trong nước. Lý do phải nhập khẩu là mủ cao su của Việt Nam không thuộc chủng loại để sản xuất những mặt hàng này.

Những số liệu đã nêu cho thấy nhiều nghịch lý của ngành cao su hiện nay. Đầu tiên có thể thấy, trong một quốc gia nhưng ngành nông nghiệp trồng, sản xuất mủ cao su và ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm nguyên liệu từ mủ cao su nước ta lại đang trong tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nhiều năm qua, cơ cấu cao su nguyên liệu của Việt Nam chủng loại SVR10 và SVR20 chỉ chiếm 15-17%. Trong khi nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong nước 2 chủng loại này tới 65-70%. Các công ty cao su trong nước chỉ tập trung đầu tư sản xuất những chủng loại cao cấp, có giá bán cao như SVR3L mà ít quan tâm đầu tư dây chuyền sản xuất SVR10, SVR20 do giá bán thấp hơn. Vì thế, doanh nghiệp sản xuất vỏ, ruột xe trong nước phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Thứ hai, mặc dù “mang tiếng” là sản xuất loại mủ cao su cao cấp nhưng từ khối lượng và giá trị của xuất khẩu và nhập khẩu năm 2017 cho thấy, giá nhập khẩu lại cao hơn khoảng 20% so với giá xuất khẩu. Nguyên nhân là do mặt hàng cao cấp của chúng ta chỉ xuất thô, còn những nước không có cây cao su nào như Nhật Bản, Hàn Quốc... lại bán cho Việt Nam những lô hàng đã qua tinh luyện. Trên 100 ngàn lao động, gần 1 triệu ha và vốn đầu tư không biết lớn đến mức nào, nhưng ngành cao su của Việt Nam đem lại giá trị kinh tế cho đất nước lại thua xa những quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ có một số doanh nghiệp thu mua nguyên liệu từ chính Việt Nam (và các nước khác) cùng với nhà máy chế biến và vài ngàn lao động.

Khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam cho thấy khả năng đáp ứng của cao su nguyên liệu trong nước cho ngành sản xuất vỏ, ruột xe cũng rất hạn chế. Nguyên nhân là do các nhà máy chế biến cao su nguyên liệu tại Việt Nam hầu hết có công suất thấp, chưa đáp ứng được độ đồng đều về chất lượng. Đây cũng là lý do doanh nghiệp sản xuất vỏ, ruột xe phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Sản lượng 1,086 triệu tấn, nhưng tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 154.000 tấn, còn lại phải xuất khẩu nguyên liệu thô, giá thấp. Thua thiệt cả trong xuất khẩu và nhập khẩu, ngành cao su của nước ta không những đang thua ngay trên sân nhà mà còn trực tiếp bán rẻ tài nguyên cho các doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... làm giàu.

Những nghịch lý đau xót này sẽ tiếp tục tồn tại nếu như ngành nông nghiệp trồng, sản xuất mủ cao su và ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm nguyên liệu từ mủ cao su của nước ta không như tay với chân, mà chỉ nghĩ đến lợi ích cục bộ của mình, không vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trần Phương

  • Từ khóa
108790

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu