Thứ 6, 29/03/2024 14:44:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 06:10, 01/08/2018 GMT+7

Nghĩa trang giữa trùng khơi

Thứ 4, 01/08/2018 | 06:10:00 189 lượt xem

BP - Cũng như bao đồng nghiệp khác, nghề làm báo cho phép tôi được đi và đến khá nhiều nơi trên dải đất hình chữ S. Và với tôi, mỗi chuyến đi là một dịp trải nghiệm vô cùng bổ ích, cùng với đó là những kỷ niệm khó quên. Song, trong đời làm báo của tôi chưa khi nào và ở đâu lại in đậm trong tâm khảm những kỷ niệm sâu sắc, lắng đọng và linh thiêng bằng lần đầu tiên được tác nghiệp ở Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió. Hơn 10 ngày lênh đênh trên biển, được đặt chân đến các hòn đảo, được hứng cái nắng và gió giữa trời nước mênh mông, được đối diện với “đặc sản” của biển cả - say sóng và đặc biệt là được “tai nghe mắt thấy” về biển đảo, về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa đã cho tôi những khoảnh khắc vô giá trong cuộc đời.

Đến với Trường Sa, chẳng một ai lại không viếng thăm và thắp hương ở đài tưởng niệm những anh hùng của biển. Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sa là nơi “hóa thân” của 150 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Đài tưởng niệm được xây dựng ở đảo Trường Sa Lớn (Khánh Hòa) từ năm 2009, với tổng kinh phí 8,5 tỷ đồng do một doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh Bình Phước tài trợ toàn bộ. Ngày 30-4-2010, một năm sau ngày khởi công và đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng đảo Trường Sa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sa khánh thành trong niềm xúc động của hàng triệu trái tim người dân đất Việt. Với diện tích 670m2, trong đó tượng đài chính cao 12,85m, chân đài rộng 7,4m, dài 19m, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sa đã trở thành công trình tâm linh thiêng liêng, là chốn tĩnh tâm sâu sắc đối với mọi người con đất Việt khi đến với Trường Sa.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đảo Trường Sa lớn

Đã trở thành thông lệ, tất cả chuyến tàu từ đất liền đưa đoàn công tác của các bộ, ngành ở Trung ương, địa phương ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo ở quần đảo Trường Sa đều tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày 14-3-1988, tại vùng biển Gạc Ma, những cán bộ, chiến sĩ hải quân ưu tú, những người con kiên trung của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống lại nhiều tàu chiến có trang bị vũ khí hiện đại của nước ngoài. Trong cuộc chiến đấu anh dũng ấy, Thiếu úy Trần Văn Phương đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên đồng đội: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Và còn rất nhiều những tấm gương sáng thể hiện lòng kiên trung, tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày nay, nơi các anh yên nghỉ được gọi là nghĩa trang vĩnh hằng giữa lòng biển cả.

Nhà giàn DK1/18

Ở quần đảo Trường Sa, bên cạnh nghĩa trang vĩnh hằng còn có những “nghĩa trang tạm”. Đó là nơi “nghỉ tạm” của cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc lao động xây dựng đảo. Gọi là “nghĩa trang tạm” bởi sau thời gian nằm lại Trường Sa, xương cốt liệt sĩ sẽ được đưa về đất liền an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ. Những người con đất Việt và kiều bào mỗi lần đặt chân đến đảo chìm Cô Lin, Đá Lát, Len Đao, hay đảo nổi Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết đều không quên thắp hương tri ân các liệt sĩ nằm tạm ở nghĩa trang này.

Ngoài thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có một “nghĩa trang xanh” - nơi yên nghỉ của 10 cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 hy sinh từ năm 1990 đến tháng 10-2014. Gọi là “nghĩa trang xanh” vì tất cả các anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Tháng 12-1990, cơn lốc tố lúc nửa đêm đã đánh sập Nhà giàn Phúc Tần 3, cuốn xuống biển 8 cán bộ, chiến sĩ. Trong trận bão tố này, 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh là Trung úy, Chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng, chiến sĩ Hồ Văn Hiền và chiến sĩ Trần Văn Là. Sau đó 1 tháng, tháng 1-1991, thuyền phó quân sự Phạm Tảo và máy trưởng Lê Tiến Cường thuộc tàu HQ-666 đã bị những con sóng lừng lững nhấn chìm tại Nhà giàn Tư Chính 1A (Bãi cạn Tư Chính) khi tàu này đang làm nhiệm vụ trực tại đây. Đêm 12-12-1998, cơn bão Fathes có sức gió mạnh trên cấp 12 tràn vào vùng biển Vũng Tàu, Nhà giàn Phúc Nguyên 2A nằm đúng vệt bão quét. Cơn bão này đã đánh sập Nhà giàn Phúc Nguyên 2A, cuốn xuống biển đêm 9 cán bộ, chiến sĩ và 3 người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi gồm Đại úy - Chỉ huy trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng và Thiếu úy Nguyễn Văn An. 3 năm sau, đêm 21-4-2001, tại Nhà giàn DK1/16, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú hy sinh trong cơn đau thắt đột ngột khi đang theo dõi, bám sát mục tiêu lạ giữa màn đêm. Ngày 7-10-2014, Đại úy Dương Văn Bắc - trắc thủ radar Nhà giàn DK1/11 lại nằm xuống giữa biển xanh trong khi kiểm tra vật cản dưới sàn cập tàu thì bị sóng biển cuốn trôi.

Nghi thức thả hoa và lễ vật xuống biển tại lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại thềm lục địa phía Nam

Ở quần đảo Trường Sa có nhiều công trình mang ý nghĩa sâu sắc về chủ quyền của Tổ quốc cũng như giá trị tâm linh, trong đó có các nghĩa trang liệt sĩ - nghĩa trang vĩnh hằng, nghĩa trang xanh, nghĩa trang tạm và đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Vâng, có lẽ chỉ những ai dù một lần trong đời đứng trên boong tàu thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã quên thân mình hy sinh vì chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng mới hiểu rõ hơn về biển và tình yêu Tổ quốc.

T.H

  • Từ khóa
111343

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu