Thứ 7, 20/04/2024 06:15:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:59, 19/05/2016 GMT+7

Nghĩa tình từ “Hạt gạo ấm lòng”

Thứ 5, 19/05/2016 | 14:59:00 2,510 lượt xem
BP - Mỗi buổi tối, tại quán cà phê Quỳnh Trang ở phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, lại nghe tiếng trẻ em đánh vần, hí hoáy tập viết từng con chữ. Lớp học tình thương này là thành quả của Câu lạc bộ “Hạt gạo ấm lòng”, tiếp bước trẻ em đến trường. Câu lạc bộ hiện là địa chỉ hỗ trợ và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm thiết thực.

Lớp học của câu lạc bộ - nơi tình người đang lan rộngLớp học của câu lạc bộ - nơi tình người đang lan rộng

Hiểu để chia sẻ

Người “khai sinh” ra Câu lạc bộ “Hạt gạo ấm lòng” là chị Đào Thị Xuân, ngụ phường Tân Phú. Đến nay, câu lạc bộ đã có 54 thành viên hoạt động rất tích cực và hiệu quả. Câu lạc bộ còn hỗ trợ bếp cơm tình thương tại Bệnh viện đa khoa tỉnh nhằm giúp người nghèo an tâm điều trị bệnh. Chị Xuân kể: “Những hoàn cảnh khó khăn được thành viên câu lạc bộ tìm hiểu, sau đó phối hợp cùng chính quyền địa bàn giúp đỡ”.

Chúng tôi đến ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú thăm gia đình bà Nguyễn Thị Sào (58 tuổi) là địa chỉ được câu lạc bộ giúp đỡ những năm qua. Năm 36 tuổi, bà Sào lập gia đình. Mãi đến 50 tuổi, bà mới mang thai, đứa nhỏ sinh ra chỉ nặng hơn 1kg. Một năm sau, bệnh tật ập đến, một mắt bà bị lòa hẳn, bên còn lại chỉ thấy mờ mờ, lại dị tật ở chân. 3 năm sau, chồng bà bị tai nạn giao thông, để lại di chứng. Hai vợ chồng đều bệnh tật chẳng biết làm gì để nuôi con. Câu lạc bộ đã vận động các nhà hảo tâm giúp gia đình bà bằng cách tặng gạo 30kg/tháng từ tháng 2-2015 đến nay và nhiều phần quà.

Chị Lê Thị Thu, 40 tuổi ở thôn 1, xã Thiện Hưng (Bù Đốp). Cha chị bị tâm thần do di chứng chiến tranh, hai anh trai chị cũng mắc bệnh tâm thần từ nhỏ, còn mẹ bị tai biến, sức khỏe rất yếu. Mới tết Nguyên đán Bính Thân 2016, con chị bị tai nạn giao thông phải mổ não. Ca mổ thành công nhưng vẫn phải uống thuốc để điều trị. Gánh nặng gia đình quá lớn trên vai một người phụ nữ. Căn nhà chị đang ở được chính quyền cấp cho cha mẹ chị theo diện hộ nghèo từ năm 2001, đến nay đã xuống cấp nhưng không có tiền sửa chữa. Chị đang nợ ngân hàng 27 triệu đồng mua bò và 5 triệu đồng mượn hàng xóm. Câu lạc bộ đã tìm đến hỗ trợ, vận động nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình chị căn nhà tình thương vào tháng 2-2016 và hỗ trợ 10kg gạo/tháng từ năm 2004 đến nay và nhiều phần quà vào dịp lễ, tết. Nhờ vậy, chị Thu đã vượt qua được khó khăn.

Còn rất nhiều hoàn cảnh khác cũng được câu lạc bộ giúp đỡ như chị Nguyễn Thị Loan ở xã Tân Tiến (Bù Đốp); chị Phạm Thị Hiền, anh Từ Văn Hùng là dân ở trọ tại huyện Đồng Phú... Câu lạc bộ “Hạt gạo ấm lòng” đã kết hợp với các hộ tiểu thương ở thành phố Hồ Chí Minh vận động nhà hảo tâm để cùng làm từ thiện và chuyển quà đến các gia đình khó khăn theo chương trình “Làn gió ấm”. Anh Phạm Văn Quốc, thành viên câu lạc bộ cho biết: “Làm từ thiện bắt nguồn từ tấm lòng và trái tim. Mang tình nghĩa đến người khó khăn, yếu thế chính là mục đích của câu lạc bộ”.

Lớp học tình thương

Trong một lần gặp những gia đình khiếm thị tại xã Tiến Hưng (Đồng Xoài), nhận thấy con em họ không theo kịp kiến thức, thành viên Câu lạc bộ “Hạt gạo ấm lòng” nảy ra ý định vận động một số thầy cô giáo dạy kèm các cháu. Không có phòng, chị Xuân đã mua sắm bàn ghế, bảng đen đặt tại nhà mình làm lớp học. Với học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, câu lạc bộ đưa ra thời khóa biểu hợp lý nhưng số lượng học sinh khá đông nên cô Phạm Thị Lâm (thành viên câu lạc bộ) đã cho mượn mái hiên lợp tôn khá rộng tại tiệm quảng cáo Thế hệ mới (phường Tân Phú) để dạy học. Hiện thầy cô tình nguyện đã lên đến 26 người. Cô Thu (giáo viên lớp học) cho biết: “Dạy các em là dịp để trau dồi kiến thức cũng như kinh nghiệm trong nghề nghiệp. Đây là niềm vui của mỗi thầy cô khi làm được việc có ý nghĩa”.

Mỗi tối từ 19 giờ đến 20 giờ 30 phút tại quán cà phê Quỳnh Trang và tiệm quảng cáo Thế hệ mới lại vang lên tiếng giảng bài và học bài của thầy, trò lớp học tình thương. Anh Nguyễn Văn Tâm (30 tuổi), ngụ ấp Suối Cam, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) lúc nhỏ do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không được đến lớp. Được câu lạc bộ vận động, các thầy cô giáo giúp đỡ, anh vào học lớp 1 để xóa mù chữ. “Gia đình tôi nghèo, từ nhỏ không được học chữ, nhờ sự giúp đỡ của mọi người trong câu lạc bộ nay tôi đã biết đọc, biết viết” - anh Tâm xúc động.

Với những việc làm thiết thực, Câu lạc bộ “Hạt gạo ấm lòng” là một trong những điểm sáng của phong trào thiện nguyện tại Bình Phước. Hằng tháng, câu lạc bộ phát gạo cho các gia đình nghèo, người tàn tật, bình quân gần 300kg/tháng/8 hộ. Câu lạc bộ còn tư vấn và hỗ trợ nhóm từ thiện tại một số huyện, thị trong tỉnh, như nhóm “Sắc màu” ở huyện Phú Riềng. Mỗi tháng, nhóm này tặng các gia đình khó khăn 42 phần quà. Thành viên câu lạc bộ cũng giới thiệu những hoàn cảnh éo le để tranh thủ sự giúp đỡ của nhà hảo tâm; hoặc nhận đỡ đầu con em các hộ khó khăn, người tàn tật...

Những việc làm đầy nghĩa tình của các thành viên trong Câu lạc bộ “Hạt gạo ấm lòng” đã được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương ghi nhận bằng nhiều bằng khen, giấy khen. Đây cũng là một trong những gương điển hình tiên tiến trong tỉnh cần tiếp tục nhân rộng. 

Kim Tiến

  • Từ khóa
1946

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu