Thứ 4, 24/04/2024 04:20:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:21, 22/02/2015 GMT+7

Nghĩa tình thầy thuốc trẻ với đồng bào nghèo

Chủ nhật, 22/02/2015 | 14:21:00 254 lượt xem
BP - Những ngày cuối năm, công việc bộn bề nhưng nhiều chuyến xe chở đội ngũ y, bác sĩ, tình nguyện viên y tế vẫn khởi hành từ tờ mờ sáng mang theo nhiệt huyết được khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo vùng sâu. Nơi mỗi chuyến xe đi qua là đọng lại tình cảm lưu luyến và lòng biết ơn sâu nặng của đồng bào nghèo với những thầy thuốc trẻ.

NHỮNG TRÁI TIM THIỆN NGUYỆN

Chuyến xe chở y, bác sĩ tình nguyện đến với đồng bào nghèo cập “bến” khá sớm. Bác sĩ Quách Ái Đức, Phó giám đốc Sở Y tế, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tỉnh cho biết: “Mình đến với đồng bào thì phải chủ động đến sớm, thể hiện sự trân trọng thì mới nhận được tình cảm yêu quý của đồng bào dành cho mình”.

Mặt mày còn tái mét vì bị say xe sau hành trình gần 100 cây số, điều dưỡng Dương Thị Hồng Nam (Bệnh viện đa khoa tỉnh) chia sẻ: “Mặc dù mệt nhưng em thấy vui khi đến khám bệnh cho đồng bào nghèo. Ở vùng sâu, xa, cuộc sống của người dân vô cùng thiếu thốn nhưng mỗi lần đoàn đến khám bệnh đều được bà con chào đón ân cần, niềm nở và chân tình. Hơn 3 năm về công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh là chừng ấy thời gian em theo đoàn tình nguyện khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo. Mỗi năm, em tham gia khoảng 10 đợt. Em đã gặp nhiều ca bệnh bất thường như cụ ông bị huyết áp cao 220/110 ở xã Phú Trung (Bù Gia Mập). Bên cạnh báo cáo bác sĩ để kịp thời xử lý thì em cho bệnh nhân uống thuốc giảm huyết áp ngay tại điểm khám”.

Khuôn mặt thư sinh, anh Cao Văn Đương, bác sĩ khoa Nội - Lão, Bệnh viện đa khoa tỉnh vừa khám vừa ân cần dặn dò một bệnh nhân lớn tuổi cách phòng bệnh về mắt, tiểu đường. Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Đương cho biết: Tốt nghiệp Đại học Y Huế, bạn bè khuyên tôi về thành phố làm việc. Nhưng do lớn lên ở Bình Phước, thấy tỉnh còn nhiều đồng bào nghèo, kinh tế khó khăn, cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế nên tôi quyết định về quê. Mình là bác sĩ trẻ nên muốn được cống hiến, có dịp gần gũi với bệnh nhân và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Hơn nữa, khi về khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo trên quê hương, mình cảm thấy tự hào và ý nghĩa hơn.

Quê ở Thanh Hóa và tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, bác sĩ Đặng Văn Phú (1984) hăng hái vào Bình Phước lập nghiệp. Hơn 4 năm làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, bác sị Phú đã có mặt ở 10 huyện, thị xã khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo.

Bác sĩ trong CLB Thầy thuốc trẻ tình nguyện khám chữa bệnh cho người cao tuổi ở huyện Đồng Phú

Anh Phú chia sẻ: “Những nơi thiếu cơ sở vật chất, dịch vụ y tế thì khám chữa bệnh tình nguyện mới có ý nghĩa. Nơi ấy, đồng bào luôn yêu quý và trân trọng các đoàn bác sĩ tình nguyện. Năm nào tôi cũng đi khám từ thiện trên 10 đợt, riêng năm 2013 đi tới 24 đợt. Tôi gặp nhiều trường hợp bệnh nặng như suy tim cấp, lao kháng thuốc... nhưng điều kiện cơ sở vật chất đoàn đi khám không đủ để chữa trị tại chỗ nên tôi giới thiệu về Bệnh viện đa khoa tỉnh, đồng thời cho số điện thoại liên hệ. Khi bệnh nhân tới bệnh viện khám, điều trị, tôi trực tiếp hỗ trợ và huy động đoàn viên thanh niên trong chi đoàn thay phiên thăm hỏi, chăm sóc (nếu trường hợp không có người nhà). Như trường hợp một chị người Xêtiêng ở xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) khi chúng tôi đi khám từ thiện phát hiện chị đã bị lao kháng thuốc. Đoàn đã tư vấn và động viên chị về bệnh viện tỉnh điều trị. Khi chị đến Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị, tôi đã huy động đoàn viên thanh niên hỗ trợ chi phí và thay phiên chăm sóc”.

Bác sĩ Quách Ái Đức cho biết: Đoàn thầy thuốc trẻ đến đâu bà con cũng đến khám rất đông. Thường phiếu phát ra khoảng 300 nhưng thực tế lúc nào cũng đông hơn nhiều. Dù vậy, đoàn vẫn khám hết cho bà con mới nghỉ. Mỗi chuyến khám bệnh cho người nghèo, các y, bác sĩ trẻ phải làm việc cật lực từ sáng đến quá trưa, vừa mệt vừa đói nhưng ai cũng vui.

NIỀM VUI TỪ NHỮNG CHUYẾN ĐI

Từ mỗi chuyến đi tình nguyện về với đồng bào nghèo vùng sâu, các thầy thuốc trẻ luôn nhận được những tình cảm ấm áp. Bác sĩ Đặng Văn Phú chia sẻ: “Ấn tượng nhất là lần tôi tham gia tình nguyện khám chữa bệnh cho đồng bào Xêtiêng ở thôn Phú Tiến, xã Phú Trung (Bù Gia Mập). Khi tôi đang nghỉ giải lao, một phụ nữ chừng 50 tuổi ấn vào tay tôi một bọc măng rừng và nói “cho bác sĩ”. Lần đó, đoàn chúng tôi còn được đồng bào thiết đãi những món rau rừng rất ngon”. 

Ông Điểu Ốt (77 tuổi) ở ấp 6, xã An Khương (Hớn Quản) cho biết: “Nghe nói có bác sĩ về khám bệnh không mất tiền, tôi mừng quá nên nhờ con chở đến từ sớm. Mấy ngày nay, tôi bị tiêu hóa kém và đau lưng không đi lại được. Các bác sĩ khám rồi tận tình hướng dẫn cách sử dụng thuốc. Mong các thầy thuốc quay lại với người nghèo chúng tôi nhiều lần nữa”.

Mỗi ngày chị Thị Lau (1982) ở ấp Hưng Phát, xã Tân Hưng (Hớn Quản) đi chăm sóc cao su được 120 ngàn đồng. Nghe có đoàn khám bệnh miễn phí về chị nghỉ 1 ngày để đi khám. Chị Lau chia sẻ: “Những lần trước khám ở bệnh viện bác sĩ kêu nằm lại, mình sợ quá, tốn tiền và không có người chăm sóc cao su nên bỏ về. Nay được khám bệnh cấp thuốc mà không mất tiền, mình mừng lắm! Bác sĩ mà về nhiều thì người nghèo mình đỡ khổ. Tết này người nghèo như mình được khỏe mạnh, an tâm đón tết rồi”.

Những ngày cuối tuần ai cũng muốn nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình nhưng các thầy thuốc trẻ vẫn hăng hái đến với những vùng đất khó, nơi đó có nhiều bệnh nhân nghèo đang chờ đợi. Họ không nhớ hết mình đã tham gia khám chữa bệnh cho bao nhiêu lượt người, nhưng mỗi lần đến với người nghèo là họ được trải nghiệm về cuộc sống, được nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng khám chữa bệnh. Hành trình tình nguyện của đội ngũ thầy thuốc trẻ sẽ còn tiếp tục nối dài tới những vùng sâu, xa, vùng đồng bào khó khăn. 

Cẩm Liên

  • Từ khóa
50954

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu