Thứ 6, 26/04/2024 00:36:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 07:48, 01/09/2016 GMT+7

Nghĩa tình đồng đội Quân y miền B2

Thứ 5, 01/09/2016 | 07:48:00 631 lượt xem
BP - Tại di tích lịch sử quốc gia Hồ Cầu Trắng ở ấp Hiệp Hoàn, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, trong ngày cả nước nghiêng mình tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc, những cựu chiến binh của Quân y miền B2 ở tuổi “xưa nay hiếm” lại về cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lộc Ninh để dâng hương cho đồng đội chưa quy tập được hài cốt. Nghĩa tình với đồng đội còn là bài học giáo dục con cháu đang sống trong hòa bình “uống nước nhớ nguồn”…

MỘT THỜI KHÔNG THỂ QUÊN

Buổi sáng của ngày cuối tháng 7, tại di tích lịch sử quốc gia Hồ Cầu Trắng tươi thắm những vòng hoa của đồng đội, thân nhân gia đình liệt sĩ Quân dân y miền B2, Cục Hậu cần B2 và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Lộc Ninh về thắp hương tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ và nhân dân vì độc lập, tự do của dân tộc. 

Sau lễ dâng hương, các cựu chiến binh (người lớn nhất 90 tuổi, nhỏ nhất đã trên 70 tuổi) dìu dắt nhau tìm đồng đội của mình được khắc tên trên những tấm bia đá hoa cương dựng trên tường của Nhà truyền thống Quân dân y B2. Cựu chiến binh Nguyễn Thị Ánh, 78 tuổi và Đào Thị Thu Loan, 74 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh là y sĩ quân y Bệnh viện K72, tay run run lần tìm tên đồng đội trên bia đá. Và như cùng cảm xúc, 2 bà rưng rưng lệ khi kể về năm tháng của chiến trường miền Đông cam go, ác liệt.

Bà Loan và bà Ánh tìm tên đồng đội khắc trên bia đá hoa cương trong nhà tưởng niệm

Quê ở đất anh hùng Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, gia đình bà Loan có 5 liệt sĩ gồm ba mẹ và 2 anh trai, 1 em gái. Bà Loan và chồng (đã mất) là quân y Bệnh viện K72 từ năm 1961-1975. Bà Loan kể trong nước mắt: Thời gian đó, bộ đội chỉ sống nhờ gạo, củ mì của nhân dân Lộc Ninh sản xuất trong vùng giải phóng. Chiến tranh ác liệt, vợ chồng tôi chỉ có 1 con trai sinh trong rừng Lộc Hiệp, cân nặng 0,8kg. Chúng tôi vẫn hạnh phúc và may mắn hơn bao đồng đội khác vì vẫn còn sống qua cuộc chiến tranh khốc liệt. Nói rồi, bà Loan và bà Ánh xúc động nhìn tên đồng đội thân quen của những năm tháng tuổi trẻ không thể nào quên.

Đại tá, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Sanh Dân, Trưởng ban liên lạc truyền thống Quân y miền B2, ở tuổi gần 90 nhưng vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn, minh mẫn và tình cảm của bác sĩ chiến trường, giọng run run: “Hôm nay, ban liên lạc chúng tôi rất xúc động khi có nhiều anh chị từ Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và gia đình liệt sĩ ở các tỉnh miền Đông Nam bộ đã vượt đường xa về dự lễ dâng hương, cúng viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm”. Đây là lần thứ 5 Ban liên lạc truyền thống Quân y miền B2 tổ chức lễ dâng hương, cúng điếu. Kinh phí do hội viên đóng góp. Hiện cựu chiến binh Quân y miền B2 có khoảng 6.000 người, sinh sống chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

ĐÓNG GÓP XÂY NHÀ BIA TƯỞNG NIỆM ĐỒNG ĐỘI

Lịch sử vẫn còn ghi rõ, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở chiến trường miền Đông Nam bộ, B2, quân y thuộc Cục Hậu cần Miền có 34 bệnh viện, 13 đội điều trị trực tiếp phục vụ, thu dung cứu chữa thương - bệnh binh cho các binh đoàn chủ lực miền và trong các chiến dịch lớn được Ban Dân y miền tăng cường thêm 4 bệnh viện dã chiến sang hỗ trợ cho Quân y miền. Chiến trường miền Đông ác liệt, đã có nhiều chiến sĩ bị thương nặng khi về đến bệnh viện hoặc đội điều trị đã hy sinh. Nhiều cán bộ, nhân viên quân y và dân y biệt phái sang quân y vừa phục vụ thương binh vừa cầm súng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thương - bệnh binh, bảo vệ bệnh viện khi bị biệt kích. Nhiều trường hợp trúng bom B52 hy sinh tại bệnh viện, đội điều trị. Các liệt sĩ đều được chôn cất tại căn cứ bệnh viện, đội điều trị. Thế nhưng, 41 năm sau chiến tranh, tất cả dấu tích, địa hình căn cứ hoàn toàn thay đổi, kể cả bệnh viện cũng không tìm được dấu tích. Theo số liệu của Phòng Chính sách, Quân khu 7, đã có trên 9.000 liệt sĩ, trong đó 528 cán bộ, nhân viên quân dân y hy sinh tại bệnh viện, đội điều trị miền Đông vẫn còn nằm trong lòng đất tại căn cứ mà chưa quy tập được hài cốt.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Sanh Dân xúc động: Là những người trong cuộc, chứng kiến hy sinh anh dũng của đồng đội và nỗi đau của thân nhân các anh hùng liệt sĩ lặn lội từ mọi miền Tổ quốc đến tìm kiếm hài cốt người thân, Ban liên lạc truyền thống Quân y miền B2 chủ động lập dự án xây dựng nhà tưởng niệm tại cụm di tích lịch sử Cục Hậu cần Miền ở xã Lộc Hiệp, trình các cấp có thẩm quyền và được phê duyệt. Qua đó xoa dịu 1 phần đau thương mất mát của người thân khi chưa tìm được mộ chí. Với phương thức chung tay vận động, quyên góp từ những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài quân đội, 26 thành viên trong ban liên lạc gương mẫu đi đầu, nhiệt tình đóng góp bằng lương hưu, có 7 người ủng hộ từ 2-3 tháng lương hưu, trong đó bác sĩ Sanh Dân ủng hộ 23 triệu đồng, tất cả được 120 triệu đồng. Tiếng lành đồn xa, cả nước biết nghĩa cử cao đẹp này và đã có sự chung tay góp sức của 502 tấm lòng vàng (111 tổ chức, 391 cá nhân) trong cả nước, với tổng 2,518 tỷ đồng.

Sau gần 3 năm vận động xây dựng, tháng 4-2012, Nhà tưởng niệm Quân y miền B2 hoàn thành, có tổng diện tích 800m2, trong nhà tưởng niệm khắc tên họ 3.000 liệt sĩ đã sưu tìm được tên họ, quê quán, đơn vị vào 32 bảng đá hoa cương. Nhà tưởng niệm Quân y miền B2 uy nghiêm trong khuôn viên cụm di tích lịch sử quốc gia Hồ Cầu Trắng là tấm lòng tri ân với những đồng đội đã hy sinh cho Tổ quốc.

P.Hà

  • Từ khóa
86158

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu