Thứ 6, 29/03/2024 17:01:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:12, 11/12/2014 GMT+7

Nghĩa tâm hào hiệp

Thứ 5, 11/12/2014 | 09:12:00 144 lượt xem

BP - Để chuẩn bị lực lượng chống thực dân Pháp, Đốc Thiết đã thực hiện các bước: Thứ nhất, tiến hành phiên chế quân thành 6 bộ phận giao cho các thủ lĩnh tài giỏi phụ trách. Vùng Kẻ Khum, Gia Hội (nay thuộc xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu) giao cho Đội Hón phụ trách; vùng Kẻ Ninh của tổng Đồng Lạc do Đội Dương phụ trách; vùng Bản Xăng, Tiên Bính (nay thuộc xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu) do Cai Cù phụ trách; vùng Thanh Nga (nay thuộc xã Châu Nga), Gia Hội (nay thuộc xã Châu Hội) do Cai Ba phụ trách; vùng giáp Thường Xuân (Thanh Hóa) do Đội Dũng phụ trách; vùng Bến Mòng (nay thuộc xã Châu Hội) do Đốc Thiết phụ trách.

Thứ hai, Đốc Thiết chọn vùng Bến Mòng làm điểm kiểm soát những thuyền bè chở sản vật quý từ vùng Quỳ Châu xuống vùng Nghĩa Đàn nộp cho thực dân Pháp. Khi đó, Đốc Thiết cho quân lên rừng lấy gỗ, nứa đóng cọc hai bên bờ, bện dây song, rồi chăng qua sông Hiếu cho quân canh gác. Nghĩa quân kiểm soát các thuyền bè qua Bến Mòng, tịch thu sản vật của bọn chúng, dùng để nuôi dưỡng quân lính cách mạng. Đồng thời, để làm nhiệm vụ cảnh giới và phối hợp tác chiến với nghĩa quân ở Bến Mòng khi cần thiết, Đốc Thiết còn cho một toán quân đóng trên đỉnh Bù Đớn (còn có tên là Pù Liệp, Bồ Cứ, Bồ Đằng... nay thuộc xã Châu Nga). Vì vậy mà lúc bấy giờ dân gian có bài vè phản ánh rằng: Đốc Thiết người khôn khéo sáng tạo;... Đốc Thiết cho quân vào rừng lôi chạc song; Chạc song ta kéo qua sông rộng dài; Ai đi qua không dừng, lính tới giết ngay; Ai đem đồ quý ngà voi, mật ong, gỗ quý nộp quân Tây; Lính yêu cầu người đó đem ngay trở về; Không nghe ông chém đầu kẻ gian.

Thứ ba, để tạo thành những đồn trạm liên hoàn trong chiến đấu, Đốc Thiết cho nghĩa quân xây dựng căn cứ Bù Cằm và Đò Ham (nay thuộc xã Châu Hội) nhằm khống chế con đường thượng đạo từ Nghĩa Đàn lên Kẻ Bọn (nay thuộc xã Châu Hạnh). Đồn Đò Ham được Đốc Thiết bố trí lúc đó thuộc tả ngạn sông Hiếu, một bên là vực thẳm, bên kia là dãy núi đá vôi án ngữ, lại có nhiều vách núi nhô ra phía Tây. Ở đó còn có hang Tủm Cươm và Thẳm Hẹ có thể làm nơi chứa quân và cất giấu vũ khí. Thực ra, theo tác giả Nguyễn Văn Khánh thì Đò Ham là tên một ngọn núi không cao lắm, nằm cạnh sông Hiếu. Trên đỉnh núi có một khoảng đất tương đối phẳng, rộng khoảng 1 ha, cây cối um tùm. Từ trên đỉnh núi, nghĩa quân có thể quan sát được hoạt động của thuyền bè địch trên một đoạn sông khá dài.

Thứ tư, cùng với các điểm chốt quân ấy, Đốc Thiết còn giao cho Quản Thông, Quản Thụ xây đồn trại ở Mường Pồn, Kim Diên (nay thuộc huyện Quế Phong) nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực phía Tây, giúp căn cứ chính của Đốc Thiết có điều kiện tập trung đối phó với địch. Rồi ở các mũi then chốt, Đốc Thiết đều giao cho các tướng giỏi tin cậy nắm giữ, như: Đốc Hạnh (Lang Văn Hạnh, quê Kẻ Bọn) phụ trách ở vùng Bù Cằm và Phà Đài; vùng Đò Ham do Đốc Thiết chỉ huy; vùng Tủm Cươm do Đội Dũng phụ trách. Trong đó, Đội Dũng (tức Lữ Văn Dũng, quê Thanh Hóa) được giao nhiệm vụ thường xuyên vận chuyển lương thực, vũ khí sang căn cứ Trịnh Vạn (Thanh Hóa), sẵn sàng yểm trợ cho Cầm Bá Thước.

Dựa vào địa thế núi rừng hiểm yếu, lực lượng ứng nghĩa lại chủ yếu là người địa phương, thông thạo địa hình, giỏi võ nghệ, Đốc Thiết tổ chức nhiều trận đánh lớn nhỏ, tiêu hao nhiều sinh lực địch. Trong năm 1887, Đốc Thiết tổ chức nhiều toán quân nhỏ, trang bị gọn nhẹ, xuôi thuyền theo sông Hiếu xuống Nghĩa Đàn đánh tập kích địch. Có lần bị giặc vây, ông phải bỏ thuyền lặn xuống sông Hiếu rồi trốn thoát. Đốc Thiết còn cho Quản Thụ đóng giả một người ăn xin để vào nơi đóng quân của địch, nắm bắt tình hình. Một lần, biết thực dân Pháp mở cuộc hành quân lên phía Tây vùng Phủ Quỳ, trong vai người ăn xin, Quản Thụ nhận việc chỉ đường rồi dẫn chúng vào cạm bẫy của nghĩa quân Đốc Thiết đã giăng sẵn. Tại trận này, nghĩa quân Đốc Thiết thắng lớn, thu được 33 khẩu súng, nhiều đạn dược và quân trang.

Lời bàn:

Đốc Thiết là một nhân vật tiêu biểu cho phong trào chống Pháp của đồng bào dân tộc ít người ở miền núi Nghệ An trong những năm cuối thế kỷ XIX. Là người cường tráng, hoạt bát, giỏi võ nghệ và cung kiếm, bằng tài năng, trí tuệ và sự dũng cảm, Đốc Thiết không những là người đề xướng, tập hợp và lãnh đạo nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm đem lại bình yên cho dân bản; không những góp phần tạo nên sức mạnh trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở Nghệ An lúc bấy giờ mà còn tạo được sự liên minh chống Pháp ở vùng núi hai tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An, tạo nên sức sống bền bỉ của phong trào chống giặc ở vùng rừng núi đầy hiểm trở này.

 Tiếc rằng, sau bao phen chiến đấu quyết liệt với giặc ngoại xâm vẫn bảo toàn tính mạng nhưng Đốc Thiết lại bị chính những người cùng quê hương, ruột thịt giết hại ngay tại nơi chôn rau cắt rốn. Và cái chết của Đốc Thiết xảy ra không lâu sau khi Cầm Bá Thước bị thủ tiêu là tổn thất lớn cho phong trào chống Pháp ở miền núi Thanh - Nghệ nói chung, ở miền Tây Nghệ An nói riêng. Phong trào chống Pháp dưới ngọn cờ thủ lĩnh tài ba Đốc Thiết cũng nhanh chóng bị dập tắt. Đến đây, tiếng súng cuối cùng của phong trào Cần Vương trong cả nước ngừng nổ. Và mặc dù không thành công trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Đốc Thiết đã để lại cho hậu thế sự tôn kính về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của ông. 

G.B

  • Từ khóa
109609

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu