Thứ 7, 20/04/2024 16:08:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:58, 06/05/2015 GMT+7

Nghĩ về lời dạy của Bác Hồ với thanh niên

Thứ 4, 06/05/2015 | 09:58:00 738 lượt xem
BP - Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp mừng xuân độc lập đầu tiên, tháng 1-1946, Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, trang 167).


Đoàn thanh niên Báo Bình Phước và Xã đoàn Bình Minh (Bù Đăng) chăm sóc trẻ em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Sỹ Hòa

Ngày 13-9-1958, nói chuyện tại lớp chính trị do Bộ Giáo dục tổ chức, Người nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 9, trang 222).

Có thể khẳng định rằng, chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã dành cho thế hệ trẻ những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc.

Xin hãy nhớ đến mong ước của người

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường, tháng 9-1945, Người đã gửi trọn niềm tin yêu và trách nhiệm đối với thế hệ trẻ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em...”.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Cách mạng Tháng Tám, Bác đã gửi thư cho thanh niên. Trong thư, Người viết: “Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 11, trang 503-504).

Tháng 1-1947, khi nhận được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc y tế Bắc bộ, anh dũng hy sinh trong chiến đấu, Bác gửi thư chia buồn. Trong thư Bác viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột... Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn sống với non sông Việt Nam” (Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 5, trang 32). 

Trong các bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cập đến vai trò, vị trí của thế hệ trẻ đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Người viết: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”. Người cũng khẳng định, thanh niên đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, là “lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới”, “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.

Người yêu cầu mỗi đoàn viên, thanh niên phải tự giác rèn luyện, không ngừng học tập, gương mẫu xung phong trong mọi công việc. Theo Người, “Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì lợi ích cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người”.

Muốn thức tỉnh dân tộc phải thức tỉnh thanh niên

Người đã phản đối chế độ thực dân gây ra tội ác tày trời đối với nhân dân và thanh niên nước ta thông qua bức thư “Gửi Thanh niên Việt Nam” (1925), các tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), “Đường cách mệnh” (1927)... Người căm phẫn lên án chế độ thực dân đầu độc, nô dịch, bóc lột dân bản xứ, trong đó có thanh niên. Người khẳng định, muốn thức tỉnh dân tộc phải thức tỉnh thanh niên.

Ngày nay, thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Cùng với việc thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước đã có những chiến lược quan trọng và cụ thể hóa bằng các chương trình, nghị quyết cụ thể để xây dựng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự là đội dự bị tin cậy của Đảng, hạt nhân chính trị của phong trào và các tổ chức thanh niên Việt Nam.

Trong đó, thanh niên tiến bộ phải trung thực, ngay thẳng, tác phong khiêm tốn, giản dị, tinh thần lao động tích cực, siêng năng, táo bạo và sáng tạo. Thanh niên phải luôn có tinh thần cố gắng vươn lên, sống cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Mỗi đoàn viên, thanh niên phải chống tâm lý tự ti, tự lợi, chỉ lo vun vén cho lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình, chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc, chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay... Đó là những thói xấu kìm hãm chí tiến thủ của đoàn viên, thanh niên.

Trong di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta trước lúc đi xa, Người viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên””.

Với tinh thần “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, tuổi trẻ hôm nay đang xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, nỗ lực phấn đấu rèn luyện để thực sự vừa “hồng” vừa “chuyên” như mong ước của Người. Mong rằng mỗi thanh niên luôn xung kích đi đầu trên các mặt trận, xứng đáng với niềm tin yêu của Bác Hồ và của Đảng, của dân tộc.

Hưng Nguyên 

  • Từ khóa
81538

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu