Thứ 5, 25/04/2024 07:31:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:51, 23/02/2014 GMT+7

Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới GD-ĐT

Chủ nhật, 23/02/2014 | 08:51:00 348 lượt xem

LTS: Ngày 4-11-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Nghị quyết đã đánh giá tình hình giáo dục hiện tại, khẳng định những thành công, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đồng thời, nghị quyết cũng đề ra những định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT với mục tiêu tổng quát: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân”.

Những hạn chế, yếu kém chủ yếu

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Nghị quyết Trung ương 8 đã chỉ ra 6 hạn chế, yếu kém chủ yếu của GD-ĐT nước ta trong giai đoạn vừa qua là: Thứ nhất, chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, chương trình giáo dục còn coi nhẹ thực hành, vận dụng kiến thức; phương pháp giáo dục, kiểm tra, thi và đánh giá lạc hậu, thiếu thực chất; thiếu gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất - kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc.


Nghị quyết đề ra yêu cầu đổi mới để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục       

Thứ ba, hệ thống giáo dục thiếu tính liên thông giữa các trình độ đào tạo và các phương thức giáo dục, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Chưa gắn đào tạo với sử dụng và nhu cầu của thị trường lao động.

Thứ tư, quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém, là nguyên nhân của nhiều yếu kém khác, nhiều hiện tượng tiêu cực kéo dài trong giáo dục, gây bức xúc xã hội.

Thứ năm là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu. Một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Thứ sáu, đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả. Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục - đào tạo chưa phù hợp. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém

Từ chỗ chỉ rõ những hạn chế, yếu kém chủ yếu của GD-ĐT nước ta thời gian qua, nghị quyết cũng phân tích cụ thể về 4 nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém trên. Thứ nhất, việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” còn chậm và lúng túng. Việc xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và chương trình phát triển GD-ĐT chưa đáp ứng yêu cầu xã hội.

Thứ hai, mục tiêu giáo dục toàn diện chưa được hiểu và thực hiện đúng. Bệnh hình thức, hư danh, chạy theo bằng cấp... chậm được khắc phục, có mặt còn nghiêm trọng hơn. Tư tưởng và thói quen bao cấp trong giáo dục còn nặng nề làm hạn chế khả năng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho GD-ĐT.

Thứ ba, việc phân định giữa quản lý nhà nước với hoạt động quản trị trong các cơ sở giáo dục, đào tạo chưa rõ. Công tác quản lý chất lượng, thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được coi trọng đúng mức. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và gia đình chưa chặt chẽ.

Thứ tư, nguồn lực quốc gia và khả năng của phần đông gia đình đầu tư cho giáo dục còn thấp so với yêu cầu. Mức chi cho mỗi người học chưa tương xứng với yêu cầu về chất lượng, chưa phù hợp ngành nghề và trình độ đào tạo.

Những yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

Theo Nghị quyết Trung ương 8, đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục, đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

Bên cạnh đó, đổi mới để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhu cầu học tập của nhân dân. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học, các giải pháp đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.

Đổi mới căn bản và toàn diện không có nghĩa là làm lại tất cả, từ đầu mà cần vừa kế thừa, củng cố, phát huy các thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới, vừa kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc; đổi mới có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp với thực tế đất nước, địa phương. Những hạn chế, thách thức của giáo dục phải được nhận thức sâu sắc, có giải pháp hữu hiệu và lộ trình khắc phục, vượt qua để đưa sự nghiệp giáo dục lên tầm cao mới.         

Nhật Minh

  • Từ khóa
83862

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu