Thứ 7, 20/04/2024 09:27:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 12:39, 28/11/2018 GMT+7

Nghị quyết đưa chính quyền điện tử Bình Phước vào hiện thực

Thứ 4, 28/11/2018 | 12:39:00 1,169 lượt xem
BP - Ngày 12-9-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng chính quyền điện tử Bình Phước. Đây là nghị quyết đặt nền tảng cơ sở cho các cấp ủy đảng và chính quyền của Bình Phước triển khai xây dựng chính quyền điện tử, hòa vào chủ trương, chương trình chung của Trung ương xây dựng chính phủ điện tử đã và đang được triển khai.

Xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ cấp bách

Nghị quyết số 07-NQ/TU có quan điểm chỉ đạo: Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, hướng tới việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch.

Xây dựng chính quyền điện tử là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở.

Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hoạt động nghiệp vụ - Ảnh: B.L

Cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT), cán bộ chuyên trách CNTT các cấp là lực lượng nòng cốt trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử.

Xây dựng chính quyền điện tử là việc làm cấp bách, mới và khó, cần huy động, tập trung phù hợp các nguồn lực (vốn, nhân lực, công nghệ...) trong và ngoài hệ thống chính trị, nên tổ chức thực hiện phải quyết liệt nhưng căn cơ, bài bản theo từng hạng mục; tăng cường đảm bảo an toàn an ninh mạng.

Mục tiêu tổng quát: Đến năm 2020, tỉnh Bình Phước cơ bản hình thành mô hình chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan trên môi trường mạng. Cải thiện rõ rệt vị trí xếp hạng của tỉnh về chính quyền điện tử.

Hoàn chỉnh hạ tầng CNTT và nền tảng kỹ thuật chia sẻ dữ liệu bao gồm: đường truyền kết nối; thiết bị phần cứng; phần mềm quản lý; cơ sở dữ liệu; xây dựng khung chính quyền điện tử giữa chính quyền với người dân, giữa chính quyền với doanh nghiệp, giữa các cơ quan chính quyền với nhau.

Hoàn chỉnh việc lập cơ sở dữ liệu từng lĩnh vực. Triển khai thực hiện chữ ký số; cán bộ, công chức sử dụng hộp thư công vụ trong xử lý công việc; gửi - nhận văn bản trên mạng (trừ văn bản có độ mật), thực hiện văn phòng không giấy; hầu hết các cuộc họp, giao ban được tổ chức trực tuyến.

Đến năm 2020, vận hành thông suốt, đồng bộ, đạt hiệu quả cao mô hình chính quyền điện tử; việc ứng dụng CNTT của tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Những mục tiêu cụ thể, sát thực tiễn

Nghị quyết đặt ra các mục tiêu cụ thể: Đến ngày 1-12-2018: Hình thành khung kiến trúc chính quyền điện tử; đề án đô thị thông minh tại thị xã Đồng Xoài; thành lập cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh. Xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; xây dựng các phần mềm quản lý để kết nối liên thông từ cấp xã đến cấp huyện và từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh. Ứng dụng chữ ký số ở tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống họp trực tuyến từ tỉnh đến cấp xã. Ban hành các quy định liên quan đến xây dựng chính quyền điện tử.

Xếp hạng của Bình Phước ở mức rất thấp

Nghị quyết số 07-NQ/TU đánh giá: CNTT được ứng dụng rộng khắp trong các cơ quan của hệ thống chính trị trong tỉnh nhưng chưa có tính thống nhất cao, thiếu liên kết thành một hệ thống đồng bộ cả về trang thiết bị, kỹ thuật phần cứng và phần mềm; văn bản điện tử chưa được kết nối thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; dữ liệu không được chia sẻ thường xuyên và liên thông trong các cơ quan, đơn vị. Xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, phát triển chính phủ điện tử năm 2017 tỉnh Bình Phước ở mức rất thấp, xếp thứ 62/63 toàn quốc, 14/21 khu vực phía Nam, 6/6 khu vực Đông Nam bộ.

Đến tháng 9-2019: Rà soát, cập nhật bộ thủ tục hành chính (tinh giản, đơn giản hóa); đối với những thủ tục chưa có mẫu hóa đơn, tờ khai... phải triển khai ngay để thuận lợi cho việc thực hiện trực tuyến. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý trên các lĩnh vực, từng cơ quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành thu thập dữ liệu, xây dựng phần mềm quản lý chuyên ngành để kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Đối với các cơ quan đã có phần mềm quản lý chuyên ngành thì kết nối trước.

Đến ngày 1-1-2020: Cơ bản hoàn chỉnh và vận hành thông suốt chính quyền điện tử. 100% các thủ tục hành chính được chuẩn hóa, điện tử hóa, cho phép người dân điền thông tin và gửi trực tuyến đến các cơ quan nhà nước, bảo đảm mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt mức trên 80%.

3 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp

Để đi vào thực tiễn hiệu quả, Nghị quyết số 07-NQ/TU đề ra 3 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp. 3 nhóm nhiệm vụ gồm đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT, nâng cao trình độ tin học và kỹ năng sử dụng máy tính. 5 nhóm giải pháp gồm nhóm giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức; nhóm giải pháp về kỹ thuật, nhóm giải pháp hành chính, nhóm giải pháp về vốn và nhóm giải pháp về nguồn nhân lực.

Về kỹ thuật, sẽ xây dựng nền tảng kỹ thuật chia sẻ dữ liệu, làm cơ sở cho việc kết nối liên thông; thực hiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành với trục liên thông quốc gia để khai thác gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Tái cấu trúc, tối ưu hóa sử dụng hạ tầng CNTT hiện có, hướng tới sử dụng chung hạ tầng CNTT, phần mềm quản lý, giảm đầu tư chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực. Tận dụng tính năng của các mạng xã hội, di động thông minh truyền tải thông tin cho người dân, doanh nghiệp...

Về hành chính, sẽ ban hành các quy định về thực hiện gửi - nhận văn bản trên mạng; quy định về thực hiện văn phòng không giấy; quy định trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục trực tuyến. Quy định tất cả mọi cơ quan đều phải sử dụng chữ ký số (trừ các văn bản phát hành theo chế độ mật)...

Về nguồn nhân lực, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, công chức, viên chức về chính quyền điện tử, kỹ năng ứng dụng CNTT, làm việc trên môi trường mạng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đối với người dân, doanh nghiệp)...

H. Nguyên

  • Từ khóa
24417

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu