Thứ 5, 25/04/2024 13:03:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 15:17, 10/08/2017 GMT+7

Nghị lực của thiếu nhi DTTS ở Bình Long

Thứ 5, 10/08/2017 | 15:17:00 200 lượt xem
BP - Thị xã Bình Long hiện có 735 đội viên thiếu niên nhi đồng người dân tộc thiểu số (DTTS). Phần lớn các em cư trú ở khu vực xa trung tâm, xa trường học và có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ít nhiều ảnh hưởng đến học tập. Tuy nhiên, không vì thế mà các em buông xuôi việc học. Nhiều em không những có ý thức vươn lên trở thành gương sáng về tinh thần vượt khó học giỏi mà còn tích cực tham gia các phong trào văn hóa - văn nghệ của trường.

Mong được làm cô giáo

Ba và mẹ đều bị khuyết tật nặng ở chân. Mẹ là giáo viên dạy Lịch sử nay chuyển về phòng thiết bị, còn ba làm bảo vệ Trường THPT Nguyễn Huệ. Cả gia đình hiện ở tạm trong khu tập thể của trường. Đó là hoàn cảnh của em Thạch Lê Hoàng Trinh, dân tộc Khơme, học sinh lớp 3/6, Trường tiểu học An Lộc A (năm học 2016-2017). Ba Trinh quê Trà Vinh, mẹ quê Cần Thơ, đều là người xa xứ lại khuyết tật nên dù cố gắng làm việc nhưng gói ghém lắm cũng chỉ đủ trang trải sinh hoạt gia đình. Biết ba mẹ vất vả, Trinh rất chăm chỉ, mỗi khi mẹ bận lên lớp, em lại mang sách vở theo học. Chị Lê Hồng Hoàng Oanh, mẹ Trinh, cho biết: Tuổi nhỏ, nhưng Trinh có tinh thần tự giác học tập cao, lại thương ba mẹ nên mỗi sáng cháu đều dậy sớm quét dọn sân, nhà và phụ mẹ trông em, làm việc nhà sau giờ học.

Thạch Lê Hoàng Trinh ước mơ trở thành cô giáo

Trường tiểu học An Lộc A có 10 học sinh DTTS, nhưng chỉ Trinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoan hiền, chăm chỉ nên Trinh được thầy cô quan tâm dành những suất học bổng động viên em. Yêu thích môn Tiếng Việt, năm 2016, Trinh đạt giải ba cấp tỉnh “Giao lưu tiếng Việt của chúng em”. Khi hỏi về ước mơ, Trinh rất thực tế, mong gia đình có căn nhà thoáng mát, sạch sẽ và khi lớn lên trở thành cô giáo giống mẹ. Với nỗ lực vượt khó học giỏi, Trinh vừa được tuyên dương tại Liên hoan thiếu nhi DTTS cấp tỉnh, năm học 2016-2017.

 mê tiếng Anh

Sự ngưỡng mộ dành cho Điểu Thị Thùy Thương, học sinh lớp 7A, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bình Long (năm học 2016-2017), thể hiện rõ khi thầy cô, bạn bè nhắc đến em. Không chỉ là học sinh giỏi toàn diện, Thương còn có năng khiếu tiếng Anh và là hạt nhân văn nghệ của trường.

Em Điểu Thị Thùy Thương chăn bò giúp gia đình sau giờ học

Tìm đến nhà em ở tổ 2, ấp Lồ Ô, xã Thanh An (Hớn Quản), chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm hết sức đặc biệt của gia đình dành cho việc học tập của Thương. Đó chính là điều may mắn mà rất ít học sinh DTTS có được. Anh Điểu Diêm - ba Thương, cho biết: “Tôi chỉ học đến lớp 6, mẹ cháu không biết chữ. Hiểu được thiệt thòi khi không có trình độ học vấn nên việc học tập của các cháu, vợ chồng tôi ưu tiên hàng đầu. Hiện gia đình nuôi 2 con bò giống để lo cho các cháu ăn học”. Năm Thương học lớp 3, anh Diêm phát hiện con có năng khiếu tiếng Anh. Từ đó gia đình tập trung mọi nguồn lực cho em học. “Quan trọng là tình cảm gia đình, tôi luôn theo sát hỏi han cháu yếu môn nào để động viên ôn luyện. Đời ông bà đã không biết chữ, các con có cái chữ tốt sau này tìm được  công việc ổn định” - anh Diêm nói.

7 năm đến trường thì duy nhất năm lớp 1 em đạt học sinh tiên tiến do chưa thạo tiếng Kinh, 6 năm học còn lại đều là học sinh giỏi. Không chỉ học tập xuất sắc mà hầu như các phong trào của trường hay xã phát động em đều tham gia, như: Thi văn nghệ ở xã hay nông trường cao su nơi ba em làm công nhân; thi hát, múa ở trường hay cấp thị xã, tỉnh; tham gia “Giao lưu tiếng Việt của chúng em”; thi phát thanh măng non... Nhiều lần em đạt giải cao thi học sinh giỏi tiếng Anh trên internet và Olympic tiếng Anh cấp tỉnh... Bộ sưu tập thành tích của Thương đến nay đã có 41 giấy khen các loại. Tấm giấy khen nào em cũng nâng niu, trân trọng như là động lực tiếp tục phấn đấu cho tương lai.

Thương chia sẻ bí quyết để học tốt môn tiếng Anh phải tập trung nghe giảng bài, về nhà luyện viết và tìm hiểu thêm qua mạng, sách. Biết áp dụng vào thực tế, nhất là khi có cơ hội nói chuyện với người nước ngoài phải mạnh dạn, tự tin để biết khả năng của bản thân.

Ham học và hát hay

Một buổi sáng ngày hè cuối tháng 7, trong căn nhà nhỏ hẹp nằm sâu trong ấp Sóc Du, phường An Lộc vang lên tiếng đọc bài thanh trong của Thị Thảo Mai, dân tộc S’tiêng. Tháng 9 này, Mai vào lớp 4, Trường tiểu học Lê Văn Tám. “Càng lên lớp lớn càng khó hơn nên em phải tranh thủ những ngày hè ôn lại bài cũ cho vững và làm bài tập nâng cao” - Mai cho biết. Nhìn em tận dụng chiếc giường duy nhất của gia đình để học bài, chúng tôi khâm phục sự ham học của cô bé này. “Vợ chồng tôi chỉ có 3 con, Mai thông minh, nhanh nhẹn, hát hay và ham học nhất. Dù gia đình còn nhiều khó khăn nhưng thấy con ham học và có năng khiếu múa hát nên tôi luôn tạo điều kiện cho cháu tham gia các hoạt động do nhà trường phát động” - anh Điểu Phô Lô, cha của Mai chia sẻ.

Thị Thảo Mai (bên trái) tại Liên hoan thiếu nhi DTTS thị xã Bình Long

Từ nhà đến trường khoảng 5km, trên chiếc xe đạp Mai còn chở em gái đi học cùng. Thế nhưng theo đánh giá của Ban giám hiệu, em chưa bỏ buổi học hay lỡ một hoạt động nào của trường. 3 năm liền em hoàn thành tốt chương trình học, thi viết chữ đẹp đạt giải ba cấp trường, là Ủy viên Ban Chấp hành Liên đội trường. Em còn là thành viên nòng cốt trong đội nghi thức, đội trống của trường và được Thị đoàn Bình Long khen thưởng. Trong giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho học sinh DTTS cấp tỉnh, Mai được công nhận học sinh năng khiếu. Trong em luôn có khao khát cháy bỏng là hằng ngày được cắp sách đến trường và xa hơn là ước mơ trở thành nữ cảnh sát nhân dân.

Mỗi em một hoàn cảnh, nhưng điều đáng quý ở các em chính là sự quan tâm của cha mẹ và nỗ lực của bản thân trong học tập, tự trang bị những kỹ năng “mềm”. Các em chính là tấm gương vượt khó học giỏi đầy sống động với niềm đam mê vươn đến ước mơ trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Hồng Cúc

  • Từ khóa
87063

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu