Thứ 7, 20/04/2024 12:29:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 07:35, 15/12/2016 GMT+7

Nghệ thuật trang trí và nghi lễ bên cây nêu của người S’tiêng

Thứ 5, 15/12/2016 | 07:35:00 1,567 lượt xem
BP - Trong đời sống hằng ngày của người S’tiêng, cây nêu chiếm vị trí quan trọng, không chỉ biết đến như một cây nhiên thần thể hiện sự sinh sôi mà còn là sứ giả kết nối giữa con người với thần linh. Đồng bào quan niệm dựng cây nêu càng cao, thiết kế, trang trí càng tỉ mỉ thì càng có ý nghĩa thiêng liêng. Cây nêu như cầu nối chuyển tải khát vọng vươn tới của cộng đồng cư dân sống bên dòng sông Bé thơ mộng.

Từ bao đời nay, đối với người S’tiêng hình ảnh những chiếc ché, xà lung, rượu cần, cồng, chiêng, cây nêu... không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, gắn liền với hoạt động nghi lễ trong các lễ hội mừng lúa mới, cầu mưa, lập làng, đâm trâu hiến tế trong lễ hội lên nhà lúa.

Trải qua bao thế hệ, in sâu vào trong tiềm thức mỗi người S’tiêng, hình tượng cây nêu không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, cầu mong các thành viên trong gia đình bình an, khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa mà còn thể hiện bàn tay khéo léo, óc sáng tạo làm nên những bức tranh văn hóa, nghệ thuật miêu tả cuộc sống hằng ngày của người S’tiêng.

Cây nêu của người S’tiêng trang trí trong lễ hội cầu mưa - Ảnh tư liệu

Cách lễ hội khoảng vài ngày, thậm chí 1 tháng, thanh niên khỏe mạnh, khéo léo trong sóc được hội đồng già làng tuyển chọn đi tìm cây lồ ô cao trong vùng để làm thân nêu; cây nêu cũng có thể làm bằng cây gạo hoặc cây cóc. Thông thường nêu được dựng vào buổi sáng sớm, cao khoảng 15m và trang trí với họa tiết, hoa văn, màu sắc gần gũi thiên nhiên và con người.

Trong nghi lễ đâm trâu hiến tế lễ hội lên nhà lúa, ngọn nêu được trang trí hình phễu, tượng trưng cho tổ chim chèo bẻo (chim chơ ring). Theo quan niệm của người S’tiêng, chim chèo bẻo luôn gần gũi và là vua của các loài chim. Cùng với đó là các chùm tua rua như hoa và bông lúa, biểu trưng cho sự sinh sôi và phát triển. Trong nghi lễ đâm trâu và cúng hồn lúa, già làng cùng đội cồng chiêng, đội múa đi vòng quanh cây nêu, ngược chiều kim đồng hồ để chơi bài tiễn biệt trâu (khóc trâu). Xong các nghi thức, sóc cử ra một chàng trai khỏe mạnh để đâm trâu. Già làng trao cho chàng trai một cây lao, người này nhảy múa bên cây nêu, cột trâu trong tiếng hò reo phấn khích của mọi người, tiếng cồng, chiêng thúc giục. Chàng thanh niên đâm mũi lao vào thẳng tim trâu, hai thanh niên khác chặt vào khuỷu chân trâu đến khi con trâu ngã xuống. Già làng lấy máu trâu bôi lên cây nêu.

Sau đó là lễ cúng hồn lúa. Một mâm lễ gồm 4 chén cơm, 4 chén canh, 1 ché rượu cần, đầu trâu sống, cây nêu nhỏ, nhang, 1 chén đựng rượu trắng pha máu trâu, 1 cuộn chỉ trắng, 1 tô nước để tắm hồn lúa, 1 quả bầu khô đựng nước trắng, 2 mảnh vải trắng lót mâm lễ vật và khay đựng trầu cau, 1 bó lúa giống - tượng trưng cho hồn lúa. Sau khi lễ vật đã được chuẩn bị chu đáo thì rước từ nhà chủ lễ đến kho lúa. Đội cồng, chiêng và đội múa đi vòng quanh kho lúa tấu bản nhạc mừng cúng lúa. Tiếp theo chủ lễ bước lên kho thực hiện nghi thức cúng thần lúa. Chủ lễ thắp đèn, đốt 1 bó nhang, chắp hai tay trước mặt gọi hồn lúa về nhận lễ vật và lắng nghe lời thỉnh cầu của mọi người trong bon, sóc; dùng chỉ buộc vào tay lúa, lấy nước tưới lên bó lúa để hồn lúa được sạch sẽ. Sau nghi thức, chủ lễ mời mọi người, đặc biệt là những người lớn tuổi, các vị uy tín trong cộng đồng lần lượt lên cúng lúa.

Trong các lễ hội lập làng, cầu mưa, mừng lúa mới, cây nêu được trang trí thành 3 phần: đế, thân và ngọn. Phần đế thường là 1 khúc gỗ to khoét rỗng ở đầu, hoặc một ống lồ ô to để nối phần thân và ngọn, thường không trang trí họa tiết. Thân cây nêu được trang trí khá tỉ mỉ, công phu, vì theo quan niệm của người S’tiêng đây là nơi các vị thần linh về ngự trị để dự lễ. Phần thân tô màu đỏ, trắng với những hoa văn hình răng cưa, tam giác... và trang trí tua rua kết từ thân các loại cây họ lau sậy, nối liền tạo thành hình lõng che từ 1-3 tầng xen kẽ, cùng nhiều dải tua rua khác thả dài, phủ xuống bên dưới. Ngọn nêu được làm bằng lồ ô nối liền với thân. Đôi khi trên ngọn còn bố trí làm một ngôi nhà dài nhỏ, trang trí hoa văn để thần linh về ngự trị.

Thường sau tất cả lễ hội, người S’tiêng không phân biệt gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, chủ hay khách... cùng nhau quây quần uống rượu cần, thưởng thức các món ăn và nhảy múa trên nền nhạc cồng chiêng. Cuộc vui có thể kéo dài đến tận khuya.

Đình Tâm

  • Từ khóa
92498

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu