Thứ 7, 20/04/2024 01:39:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:09, 12/02/2016 GMT+7

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc: kể chuyện đời qua ống kính

Thứ 6, 12/02/2016 | 15:09:00 787 lượt xem
BP - “Những tác phẩm dự thi chiếm được cảm tình của người xem trong và ngoài nước đa phần đều được tôi chụp về thiên nhiên, con người Bình Phước. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện của cuộc sống. Đó là những khoảnh khắc tình cờ, không sắp đặt trước nhưng vẫn thể hiện được quan điểm, thái độ sống, cao hơn nữa là một triết lý nhân sinh. Hơn 10 năm chụp ảnh nghệ thuật, tôi chưa hài lòng với những gì mình đã chụp, vì tác phẩm ưng ý nhất chính là tác phẩm mà tôi chưa chụp được” - nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc ở phường An Lộc, thị xã Bình Long trải lòng.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc, sinh năm 1969, hiện là hội viên Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Gia Định, TP. Hồ Chí Minh. Anh được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam năm 2000.


Tác phẩm “Băng đồng” của nghệ sĩ Nguyễn Văn Phúc

Khám phá cuộc sống

Rời quê hương Thanh Hóa, anh Phúc theo gia đình vào Bình Phước sinh sống từ năm 1983. Chính vùng đất, con người nơi đây đã vun đắp cảm xúc, mang lại cho anh cảm hứng sáng tác. Thuận lợi của anh trên bước đường trải nghiệm với nhiếp ảnh nghệ thuật chính là vẻ đẹp tiềm ẩn của Bình Phước gắn với những mốc son lịch sử. Từng tên sông, tên núi, tên đất, tên người đều mang vẻ đẹp oai hùng như: Sóc Bom Bo, Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết, thủy điện Thác Mơ, núi Bà Rá hùng vĩ, đồng bào dân tộc S’tiêng thật thà, mến khách, những cánh rừng cao su bạt ngàn... được anh truyền tải qua các tác phẩm: “Băng đồng”, “Nguồn giống - Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng”, “Nhà máy xi măng Bình Phước”, “Rừng thu”, “Trà Mỹ Lệ”... là những bức ảnh ẩn chứa nhiều thông điệp, nội dung, bởi anh chọn được góc nhìn xoáy thẳng vào sự vật để chúng tự thân bật lên câu chuyện kể về nhịp đời, nhịp sống quanh mình.


Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc

Tác phẩm “Băng đồng” đưa đến cho anh nhiều ấn tượng khó quên. Vượt qua hàng ngàn tác phẩm trong và ngoài nước, “Băng đồng” đã giành huy chương vàng quốc tế Asahi Simbun năm 2005, làm nên tên tuổi nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc. Anh chia sẻ: “Khoảnh khắc bức ảnh đến với tôi thật tình cờ. Trong lần đi dự đám cưới bạn ở xã Thanh Lương (Bình Long), tôi thấy hình ảnh hai cha con dắt trâu từ đồng về. Người cha cởi trần đi trước, lộ làn da rám nắng, khỏe khoắn của người nông dân một nắng hai sương. Theo sau là đứa con trai trạc tuổi 13 đang dắt trâu. Đường về nhà của hai cha con phải băng qua một cánh đồng lớn, ở đó có những hố bom do chiến tranh để lại. Xung quanh hố bom, cỏ tranh mọc um tùm, dạt về một phía do vừa có cơn mưa lớn đi qua. Nếu không cẩn thận hai cha con rất dễ lọt xuống hố bom. Tôi tình cờ chụp được khoảnh khắc đó rồi gửi đi dự thi với thông điệp: Mặc cho thiên nhiên khắc nghiệt, con người vẫn tìm cách tiến về phía trước và cuối cùng sức mạnh con người đã chiến thắng sức mạnh thiên nhiên”.

Mải miết “săn lùng” cái đẹp

Trong cuộc sống, mỗi người có một cách lưu giữ kỷ niệm khác nhau. Có người lưu bằng thơ, bằng nhạc, bằng họa, riêng tôi thì lưu những gì chân thực nhất qua mỗi lần bấm máy. Với người nghệ sĩ, trước hết cứ thấy đẹp là phải ghi nhận, lưu lại vì khoảnh khắc chỉ thoáng qua trong tích tắc, nếu không biết nắm bắt để nó trôi đi thì rất đáng tiếc. Những tác phẩm tôi chụp đều bắt nguồn từ tình yêu cuộc sống, đam mê với nghề.

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Phúc

Điều ít ai biết ở nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc là anh chưa từng học qua lớp đào tạo chính quy nào nhưng tới thời điểm hiện tại, kiến thức về nhiếp ảnh của anh đã đạt tới trình độ dày dạn. Ban đầu anh chụp ảnh chỉ để thỏa thú vui nhưng càng về sau, ảnh của anh càng bộc lộ kỹ năng, kỹ xảo, bố cục, ý tứ của một tay máy vững nghề. Tính chịu khó trong anh còn được thể hiện bằng sự kiên trì bền bỉ, cần mẫn, có trách nhiệm, lương tâm với nghề. Anh cho biết: Để có bức ảnh đẹp đòi hỏi người cầm máy phải nhạy cảm, chớp được từng khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc sống. Người cầm máy phải có tâm hồn phong phú, đam mê thật sự, phải đi nhiều, chụp nhiều, trải nghiệm nhiều mới rút ra được những kinh nghiệm quý giá. Khi đã thổi hồn vào tác phẩm, thông qua màu sắc, đường nét và những khoảnh khắc tuyệt vời sẽ đưa “đứa con tinh thần” của mình sống mãi với thời gian.

Anh Phúc chia sẻ: “Học tới lớp 6, tôi bắt đầu mê chụp ảnh. Ngày đó nhà nghèo, đông anh em nên ước mơ có chiếc máy ảnh là điều quá xa xỉ với tôi. Tranh thủ một buổi đi học, một buổi đi lượm ve chai dành dụm tôi mua được máy chụp ảnh cơ với giá 100 ngàn đồng vào năm 1992. Gia đình khó khăn nên tôi phải bỏ học giữa chừng rồi mưu sinh bằng nhiều nghề. Từ buôn ve chai, sửa xe đạp để có tiền trang trải cuộc sống và theo đuổi đam mê chụp ảnh. Thời gian rảnh, tôi lại xách máy đi chụp ảnh dạo. Ngày đó, máy ảnh không hiện đại như bây giờ. Để ra một tấm ảnh phải qua nhiều công đoạn và gửi về TP. Hồ Chí Minh rửa nên rất mất thời gian. 6 năm sau, tôi sắm được máy ảnh “xịn” hơn với giá 250 ngàn đồng, rồi mày mò học chụp qua sách dạy kỹ thuật chụp ảnh nghệ thuật. Cuộc sống dần trôi qua năm tháng khó khăn, tôi dành thời gian đi sáng tác, học tập và để trải nghiệm. Năm 2003, tôi bắt đầu chụp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp. Sau những lần rong ruổi chụp ảnh cùng đồng nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, tôi đến với những chuyến sáng tác dọc dài đất nước. Mỗi chuyến đi luôn để lại trong tôi nhiều cảm xúc và trải nghiệm. Niềm đam mê ấy lại đong đầy sau những lần bấm máy và vẻ đẹp của mảnh đất, con người trên mọi miền đất nước luôn có sức hút mạnh mẽ với tôi”.

Anh chụp nhiều ảnh đời thường, làng quê, về những người dân quê chân chất, mộc mạc. Từ những chuyến sáng tác dài ngày, anh có hàng chục tác phẩm được chọn triển lãm tại các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế.

Mỗi bức ảnh mang thông điệp và câu chuyện riêng của nó. Tất cả nhân vật mà anh chụp đều không quen biết, không sắp đặt, chỉ là tình cờ gặp với ước muốn ghi lại được nhiều khoảnh khắc về con người, quê hương và cả cuộc sống thường ngày. “Tôi vẫn một mình mải miết trên hành trình đi săn cái đẹp. Những bức ảnh tôi chụp không mang mục đích dự thi nên không nặng nề phải đoạt giải thưởng. Vì nếu chụp ảnh chỉ để dự thi sẽ làm cho tâm lý căng thẳng. Tôi vẫn mong có sức khỏe để đi và chụp thật nhiều khoảnh khắc của cuộc sống, về già có cái để ngắm, chiêm nghiệm và khoe với bạn bè” - anh Phúc vui vẻ nói.

Tác phẩm “Nhà máy xi măng Bình Phước” của nghệ sĩ Nguyễn Văn Phúc

Lặng lẽ cầm máy theo đuổi đam mê, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc vẫn miệt mài sáng tạo nghệ thuật và lặng lẽ với những giải thưởng bất ngờ, dù không chủ đích. Những bức ảnh của anh đang góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người Bình Phước đến với công chúng gần xa. Thành công của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc không chỉ là những tác phẩm vượt thời gian, không gian địa lý mà còn chạm tới chiều sâu tâm hồn để mang một thứ ngôn ngữ rất riêng bằng hình ảnh đất nước và cuộc sống con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Dự định sắp tới, anh sẽ mở triển lãm của riêng mình để qua những khuôn hình nói lên sự đổi thay, thành tựu của Bình Phước hôm nay.

Như con ong chăm chỉ tìm mật, ở tuổi ngũ tuần, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc đang định ra cho mình những khát vọng sáng tạo. Chúc anh gặt hái được nhiều thành công trên con đường “săn tìm” cái đẹp; chớp được thật nhiều “khoảnh khắc vàng” trong dòng chảy của cuộc sống. 

 Ngân Hà

  • Từ khóa
53502

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu