Thứ 5, 25/04/2024 23:00:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:56, 12/04/2017 GMT+7

“Nghệ sĩ” chăn heo

Thứ 4, 12/04/2017 | 13:56:00 206 lượt xem
BP - Vui vẻ, thân thiện là cảm nhận đầu tiên khi tôi gặp Lưu Xuân Thương, SN1989, thôn 5, xã Bom Bo (Bù Đăng). Thương có nhiều tài lẻ như đàn hát, vẽ tranh nhưng lại thành công trong... chăn nuôi heo công nghiệp.

Những lúc rảnh anh Thương vẽ tranh để thỏa niềm đam mêNhững lúc rảnh anh Thương vẽ tranh để thỏa niềm đam mê

Tốt nghiệp cao đẳng công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu) năm 2013, Thương đã có thời gian làm việc tại Vũng Tàu nhưng thu nhập không ổn định, anh chuyển hướng về làm kinh tế gia đình tại Bom Bo. Nhà ở sâu trong thôn 5, cách xa khu dân cư và có diện tích đất rộng, thuận lợi chăn nuôi, anh bàn với gia đình phối hợp cùng Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam - doanh nghiệp của Thái Lan có trụ sở tại tỉnh Đồng Nai, phát triển mô hình nuôi heo công nghiệp. Gia đình anh xây dựng chuồng trại, đầu tư công chăn nuôi; công ty có trách nhiệm cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y, đầu ra sản phẩm và hướng dẫn các quy trình chăm sóc. Từ năm 2013 đến nay, chăn nuôi thành công mang về thu nhập cho gia đình anh khoảng 500 triệu đồng/năm.

Anh Thương cho biết: “Gia đình xây dựng chuồng trại chăn nuôi rộng 1.700m2, chia làm 2 khu với nhiều ngăn nhằm chia đàn nhỏ để tiện chăm sóc. Thời gian nuôi 2 năm/3 lứa, mỗi lứa từ 1.100-1.300 con, sau 5-6 tháng heo đạt trọng lượng tiêu chuẩn thì xuất chuồng, công ty trực tiếp đến thu mua. Mặc dù nuôi với số lượng lớn nhưng chỉ cần 2 nhân công, tôi giữ vai trò chính. Một ngày cho heo ăn 1 lần, thức ăn là cám tổng hợp cho vào máng tự động. Trong chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại rất quan trọng. Sáng sớm, tôi vệ sinh toàn bộ chuồng trại, bơm nước vào bồn cho heo tắm mát; nếu phát hiện bệnh sẽ tách heo ra khu riêng biệt để theo dõi điều trị tránh lây lan. Sau mỗi lần xuất chuồng tôi lại tiêu độc, khử trùng đúng quy trình. Vì vậy, từ khi chăn nuôi tới nay, heo chưa bao giờ bị bệnh”.

Chăn nuôi đúng quy trình nên công việc tại trang trại chỉ chiếm khoảng 6 giờ mỗi ngày, thời gian rảnh anh đi vẽ tranh để thỏa niềm đam mê hội họa. Anh từng học nghề vẽ, thỉnh thoảng vẽ phụ họa sĩ Đinh Văn Cơ (1972) - thầy dạy vẽ của anh, có tiệm vẽ gần ngã tư xã Bom Bo. Ảnh chân dung và phong cảnh là sở trường của Thương và anh đã có rất nhiều tác phẩm tặng bạn bè làm kỷ niệm. Không chỉ sản xuất giỏi, anh còn sắp xếp thời gian tham gia các hội, đoàn thể cơ sở. Trong những buổi sinh hoạt chi đoàn thôn, anh là hạt nhân phong trào văn nghệ, vì có năng khiếu đàn hát hấp dẫn mọi người. Bí thư Xã đoàn Bom Bo Nông Thị Minh Nguyệt đánh giá: Thanh niên xã Bom Bo làm kinh tế rất đa dạng như nuôi dê, thỏ, chim bồ câu, nhiều nhất là trồng các loại cây công nghiệp như tiêu, điều, cà phê. Lưu Xuân Thương được mọi người biết đến không chỉ thành công từ chăn nuôi heo công nghiệp, anh còn rất năng động, hòa đồng, nhiều tài lẻ được mọi người yêu mến gọi là “họa sĩ chăn heo”. 

Quang Minh

  • Từ khóa
58213

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu