Thứ 7, 20/04/2024 09:18:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:51, 16/12/2016 GMT+7

Nghề nuôi bò ở Minh Thành cần hướng đến chăn nuôi tập trung

Thứ 6, 16/12/2016 | 09:51:00 3,012 lượt xem
BP - Những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Minh Thành (Chơn Thành) đã tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có đầu tư phát triển chăn nuôi bò nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ và cải thiện đời sống. Tuy nhiên, nghề chăn nuôi ở đây hầu hết nhỏ lẻ, tự phát nên chưa trở thành kinh tế mũi nhọn của xã.

Ông Trương Sỹ Lực chăn bò trên bãi cỏ tại ấp 5, xã Minh ThànhÔng Trương Sỹ Lực chăn bò trên bãi cỏ tại ấp 5, xã Minh Thành

TẬN DỤNG LỢI THẾ

Xã Minh Thành có diện tích 51,32km², trong đó hơn 80% đất trồng các loại cây công nghiệp, như cao su, điều nên nhà nông có thể chăn nuôi dưới tán, nhất là chăn thả bò quanh năm. Tại nhiều khu vực trong xã, nơi có diện tích đất trống dưới đường dây 220kV, 500kV đã hình thành những bãi chăn thả lớn do lượng cỏ dồi dào. Ngoài tận dụng cỏ tự nhiên, các hộ nuôi bò còn trồng cỏ voi, cỏ sả làm phong phú thêm thức ăn cho bò. Minh Thành gần trung tâm huyện, có quốc lộ 14 đi qua cùng hệ thống đường giao thông thuận lợi, tạo điều kiện cho người nuôi bò dễ dàng tìm mua các giống ưu việt; vận chuyển sản phẩm tiêu thụ tại các thị trường có sức mua lớn như Đồng Xoài, Bình Long, Hớn Quản hay các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh.

Từ lợi thế này, số lượng bò tại Minh Thành tăng đều qua các năm cùng sự đa dạng hóa về giống. Năm 2016, đàn bò của xã có 220 con, chiếm 60% trong cơ cấu đại gia súc. Ngoài giống bò cỏ truyền thống, người nuôi còn mua bò lai sind, lai Úc để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhiều hộ nuôi bò trong xã đã giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Một số hộ đã và đang phát triển theo hướng tập trung với hệ thống chuồng trại kiên cố, có máng nước uống hiện đại.

Ấp 5 có số lượng bò lớn nhất tại Minh Thành do có đồng cỏ tự nhiên rộng hơn 350 ha, thuận lợi cho việc chăn thả. 90% hộ dân trong ấp chọn nuôi bò để kiếm thêm thu nhập khi giá cao su xuống dốc. Không chỉ trong ấp, nhiều người nuôi trâu, bò ở xã Minh Hưng cũng đưa gia súc tới đồng cỏ ấp 5 chăn thả vì lượng cỏ dồi dào, tươi tốt.

Sau khi tự tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, ông Trương Sỹ Lực (53 tuổi) ở tổ 1, ấp 5 đã mua 7 con bò giống cỏ và lai sind về nuôi hướng sinh sản. Được chăm sóc tốt, đàn bò của ông lớn nhanh, sinh sản bình quân 1 con/năm. Mỗi năm, ông thu được hơn 20 triệu đồng từ bán bê. Ông Lực nói: “Bò dễ nuôi, sức đề kháng tốt, không kén ăn, không khó chăm sóc. Người nuôi bò tại Minh Thành có thể tận dụng thời gian cạo mủ để chăn thả trên những đồng cỏ, tiết kiệm công lao động. Đồng thời tận dụng phân bò để bón cao su hoặc bán cho các chủ vườn kiếm thêm thu nhập. Tôi dự định sẽ cưa diện tích cao su già cỗi trồng cỏ để tăng đàn bò”.

HƯỚNG ĐẾN CHĂN NUÔI TẬP TRUNG

Do nuôi bò tốc độ quay vòng vốn chậm nên những người muốn sống với nghề nuôi bò đều cần có vốn hay nghề tay trái để “lấy ngắn nuôi dài”. Nhiều hộ vì thiếu vốn nên không thể mở rộng chăn nuôi. Hiện xã có 46 hộ nuôi bò, phần lớn là chăn nuôi nhỏ lẻ với số lượng 5-6 con/hộ. Do chăn nuôi tự phát nên nhiều hộ coi nhẹ việc chăm sóc, nhất là phòng, chữa bệnh và xây dựng chuồng trại. “Tôi cũng như phần lớn những hộ nuôi bò ở đây đều tự chữa trị khi bò nhiễm bệnh. Chỉ nuôi vài con nên tôi không xây chuồng, chỉ dựng tạm mấy tấm tôn cũ trên các cột bằng thân cây cao su làm chỗ che mưa, nắng, cho bò” - ông Lực cho biết. Tâm lý chủ quan của các hộ chăn nuôi khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn bò rất cao và làm môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng. Cũng vì chăn nuôi nhỏ lẻ nên tình trạng thương lái ép giá diễn ra thường xuyên, giá xuất bán không ổn định, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của các hộ dân.

Thời gian qua, Hội Nông dân xã chủ trương phát triển kinh tế hộ, tập trung vào chăn nuôi đại gia súc, xóa bỏ tập quán thả rông của người nuôi bò. Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ trong diện nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn nuôi bò với mức 30 triệu đồng/hộ và tạo cơ hội cho người nuôi bò làm kinh tế từ vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2016, hội phối hợp mở 2 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh, nâng cao kinh nghiệm chăm sóc trâu, bò. Cùng với đó là các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất đã góp phần nâng cao chất lượng đàn bò, dần thay đổi hình thức chăn thả lạc hậu, phát triển chăn nuôi quy mô trang trại.

“Phát triển chăn nuôi bò theo hướng tập trung, quy mô trang trại là định hướng lâu dài của xã. Thời gian tới, bên cạnh việc tìm kiếm vốn hỗ trợ người chăn nuôi phát triển sản xuất, hội sẽ phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng chăm sóc, phòng trị bệnh cho vật nuôi, tham mưu UBND xã quy hoạch mở rộng diện tích trồng cỏ theo hướng tập trung” - ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay.

 Thế Tường

  • Từ khóa
39685

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu