Thứ 4, 17/04/2024 05:05:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:32, 14/10/2017 GMT+7

Nghề lấy đêm làm ngày

Thứ 7, 14/10/2017 | 08:32:00 266 lượt xem
BP - Chúng tôi có mặt tại chợ Đồng Xoài lúc 0 giờ 21 phút thấy vẫn đông người cầm sổ ghi ghi chép chép, hay luôn tay chọn hàng hóa... Đã khuya nhưng dọc đường trong khu chợ hay trước Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài rộn rã tiếng người, xe qua lại. Khi ánh đèn tích điện tắt, những người “lấy đêm làm ngày” trở về nhà, kết thúc buổi làm việc lúc 4 giờ sáng.

Đêm khuya không khó tìm một quán cà phê, nước ngọt “sáng đèn” dọc quốc lộ 14, ĐT741... thuộc địa bàn Đồng Xoài. Phía trước Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài, dưới ánh đèn đường nhờ nhờ vàng chúng tôi có thấy có khoảng 20 bộ bàn ghế đông người ngồi. Chúng tôi gọi ly sữa đậu nành nóng, bà chủ nhanh tay đưa ra cho khách, giọng Huế mời ngọt lịm. Bà chủ tên Nghiêng, trú phường Tân Phú (Đồng Xoài), nấu sữa đậu nành bán dạo đã 5 năm. Bà chỉ bán vào ban đêm và mới chuyển tới đây một thời gian. Cứ 17 giờ hằng ngày, bà đẩy xe hàng ra đứng bán tới 4-5 giờ hôm sau mới về. Bà cho biết: “Không thể đứng bán tại vị trí này vào ban ngày, phần do thời điểm đó có quá nhiều người bán sữa đậu nành nên ít khách mua. Tôi bán đêm vì người làm việc ca đêm, đi đường có nhu cầu nghỉ ngơi uống nước khá đông”. Chịu khó đứng bán thâu đêm, với hàng trăm ly sữa đậu nành bà thu lời 400-500 ngàn đồng/đêm.

Tiểu thương buôn rau tại đường chợ cá, thị xã Đồng Xoài

Để tránh khách lợi dụng đêm tối xù tiền, các cháu của bà tới phụ bán. “Có thêm người không những chạy bàn nhanh vừa lòng khách mà ai muốn “xù”... cũng khó” - bà Nghiêng nói. Nhằm phục vụ khách chu đáo, các cháu của bà bán thêm cà phê, nước giải khát. Cháu trai của bà đã sửa giúp những khách bị hỏng xe và nhờ thế quán sữa đậu nành của bà ngày càng đông khách.     

Xuôi về cuối đường chợ cá Đồng Xoài, dân chợ ai cũng biết người đàn ông ngồi ghi chép giữa đêm ngoài đường là ông Tư bắp cải. Bởi ông là “bố già” buôn rau lâu năm nhất và nhiều nhất, nhì chợ này với trên 25 năm. Ngoài bắp cải, ông còn bỏ mối lần 1 với đủ loại rau: su hào, cà chua, đậu, ớt, súp lơ, cải xoong, cải thảo, cải xanh, dưa, cải thìa... nhập về từ Đà Lạt. Để có hàng về chợ vào khoảng 21-22 giờ mỗi đêm, ông mua 2 xe tải, thuê 2 tài xế thay phiên “2 ngày chạy 1”, đồng thời thuê 1 thanh niên chuyên bốc vác, 1 phụ nữ lựa rau gói theo đơn đặt hàng của các tiểu thương trong tỉnh. Và đến 2 giờ sáng, việc lựa rau, gói rau đã xong, một vài tiểu thương buôn rau trong chợ đến chở hàng bỏ mối lần 2 cho người bán lẻ ban ngày. Các chủ xe tải nhỏ (chợ di động) từ Bù Na (Bù Đăng), Tân Phước (Đồng Phú), Tân Thành (Đồng Xoài)... cũng vừa chạy tới bốc hàng lên xe. Tới 3 giờ sáng, công việc xong xuôi, ông Tư kiểm lại sổ sách, tổng lượng hàng mua về - bán ra và kết thúc một ngày làm việc.

Ông Tư cho biết: “Tuy thức đêm nhưng khi đã làm quen thì bớt vất vả. 25 năm trong nghề có kinh nghiệm dự đoán được giá nên vẫn lời tiền triệu mỗi đêm”. Chúng tôi hỏi ông sao không thuê ki-ốt lại chọn dãi dầm sương, gió, ông Tư nửa đùa nửa thật: “Mưa cũng làm, không làm lấy rau đâu cho chợ bán... Thật ra, trước đây tôi thuê một ki-ốt ngay đường chợ cá nhưng tốn 150 triệu đồng/năm, trong khi rau vẫn phải để ngoài đường. Thôi thì người ở cùng rau cũng tiện”.

Cẩm Thơ

  • Từ khóa
42152

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu