Thứ 5, 25/04/2024 13:27:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:49, 01/02/2013 GMT+7

NGÀY VỀ…

Thứ 6, 01/02/2013 | 08:49:41 2,347 lượt xem

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Chỉ còn 10 ngày nữa là đón Xuân Quý Tỵ, các anh từ những hố chôn tập thể năm xưa đã được người thân và đồng đội đưa về nơi an nghỉ cuối cùng.

TÌM KIẾM

Bà Phạm Thị Hòa, (thôn Tu Lễ, xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), một thân nhân đang tìm hài cốt liệt sĩ cho biết: “Sau khi nhận được thông tin về việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại tỉnh Bình Phước, chúng tôi theo chân đoàn cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXHVN) đến ấp Xa Cam 1, (phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long) với hy vọng tìm được người thân. Từng tất đất được đào lên mang theo sự hồi hộp lẫn những nỗi đau về sự mất mát người thân tưởng ngủ yên, nay lại thức dậy”.

Người thân và đồng đội thắp nén nhang lên phần mộ của các anh

Anh Nguyễn Mạnh Hà, cán bộ công đoàn NHCSXHVN, người trực tiếp bốc hài cốt kể lại: “Tổ trực tiếp đào đất tìm kiếm hài cốt có 10 người. Trong một đêm chúng tôi đào 3 vị trí nên rất mệt. Hơn nữa, vị trí đào nằm ven trục Quốc lộ 13 nên đất khá cứng. Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 29-1, cả đoàn reo lên khi phát hiện có di vật dưới lòng đất. Đây là động lực để thôi thúc các thành viên khẩn trương đào sâu hơn. Từ dưới hố đào, dần hiện ra những kỷ vật như bình toong và dép cao su. Việc đào bới càng khó khăn hơn vì mỗi động tác vừa phải chính xác, cẩn thận nếu không sẽ dễ gây tổn hại đến hài cốt và di vật dưới đất. Suốt quá trình này, tổ tìm kiếm luôn gặp nhiều chướng ngại vật như đá, rễ cây.”

Đồng đội đưa các anh về nơi an nghỉ sau cùng

“Đến 19 giờ 10 phút cùng ngày, bộ hài cốt đầu tiên cùng bình toong có khắc chữ Phạm Công Thành (quê tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc TP. Hà Nội), được đào lên. Sau khi xem xét chữ viết cũng như các ký hiệu ghi trên bình toong, người nhà của liệt sĩ bật khóc nức nở khiến chúng tôi và những người xung quanh không kìm được nước mắt. Cũng tại vị trí này, đoàn khai quật cũng đã lần lượt tìm được 6 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó xác định được thêm danh tính của liệt sĩ Nguyễn Hà (quê Thái Nguyên). Nhiều kỷ vật như: Dép cao su, huy hiệu, bình toong, cà men, lọ pênisilin dần được tìm thấy. Ở vị trí thứ hai, do đào không chính xác nên các cán bộ phải mở rộng hố để tìm kiếm. Những nỗ lực tìm kiếm cũng được đền đáp khi tại hố này, lần lượt 6 bộ hài cốt liệt sĩ khác cũng được tìm thấy. Đến gần 0g ngày 30-1, đoàn phát hiện và bốc được thêm 2 bộ hài cốt liệt sĩ tại vị trí thứ 3”, anh Hà cho biết thêm.

ĐOÀN TỤ

Sau khi xác định vị trí và đào suốt hai ngày đêm 28 và 29-1, đoàn đã tìm được 15 bộ hài cốt tại 3 hố chôn tập thể. Trong đó, có 4 bộ hài cốt xác định được danh tính gồm: Liệt sĩ Phạm Công Thành (quê ở thôn Tư Lễ, xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (cũ), nay thuộc TP. Hà Nội) hy sinh năm 1968; liệt sĩ Nguyễn Hà (không rõ năm sinh) ở Thái Nguyên; liệt sĩ Đặng Văn Thảo, (xã Tây Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) hy sinh năm 1970; liệt sĩ Thân Văn Luyến quê ở (xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc (cũ) nay là tỉnh Bắc Giang) hy sinh 1972. Các bộ hài cốt này được xác định là của những liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Dù cách biệt âm - dương, nhưng đối với bà Phạm Thị Hòa, em gái liệt sĩ Phạm Công Thành (thôn Tu Lễ, xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, hy sinh từ Tết Mậu Thân năm 1968), đây là niềm vui lớn nhất của gia đình vì đã hoàn thành tâm nguyện hơn 40 năm qua. Bà Hòa nói trong nước mắt: “Bao nhiêu năm nay cả gia đình tìm kiếm anh khắp nơi, tôi đã đi hầu hết các chiến trường từ miền Trung trở vào. Nhưng thông tin về liệt sĩ Phạm Công Thành vẫn bặt vô âm tín.” Tìm được hài cốt liệt sĩ, bà không kìm được xúc động, liên tục khóc mỗi khi nhắc đến anh mình.

Không dấu nổi sự xúc động, ông Đặng Văn Hiệp, em liệt sĩ Đặng Văn Thảo luôn miệng cảm ơn các cán bộ trong đoàn vì đã giúp gia đình ông tìm kiếm được người thân sau mấy chục năm không có tin tức. Ông Hiệp chia sẻ: “Nghe cán bộ NHCSXHVN báo tin, gia đình tôi đã lên mạng cũng như dò hỏi thông tin khắp nơi về vị trí, đơn vị liệt sĩ Đặng Văn Thảo chiến đấu. Lâu nay, niềm hy vọng tìm được liệt sĩ Thảo chưa bao giờ tắt trong gia đình tôi và kết quả khai quật đã nằm ngoài sự mong đợi. Chúng tôi chỉ biết gọi điện thoại khắp nơi thông báo cho mọi người để chia sẻ niềm vui vì sau bao nhiêu năm tìm kiếm gia đình đã đưa được anh về quê an táng”.

Đất nước trở mình vào xuân và hoa đã nở trên mảnh đất các anh nằm xuống.

Tuyết Ly

  • Từ khóa
4776

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu