Thứ 5, 28/03/2024 18:54:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:33, 30/11/2018 GMT+7

Ngày mới ở xóm Việt kiều

Thứ 6, 30/11/2018 | 06:33:00 3,913 lượt xem
BP - Từ những người không giấy tờ, tài sản, nhà cửa; trẻ em sinh ra không có giấy khai sinh, không được đi học... thì nay xóm Việt kiều Campuchia ở thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) đã có cuộc sống ổn định nhờ các chính sách an sinh xã hội của tỉnh. Với tinh thần vượt khó vươn lên bằng chính sức lao động của mình, nhiều hộ đã mua được đất xây nhà, sắm xe máy cùng những vật dụng giá trị trong gia đình.

Mưu sinh từ nghề cá

Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hạnh Nguyễn Duy Hòa dẫn tôi đến khu các hộ nuôi cá lồng bè sinh sống. Chèo thuyền đón chúng tôi là cậu bé 7 tuổi, học sinh lớp 2, ít nói nhưng có ánh mắt rất sáng. Vừa lên thuyền, anh Hòa trấn an: “Cứ yên tâm, ở đây đứa trẻ nào cũng biết chèo thuyền. Nhiều lần anh dẫn khách tới đây đều được cậu bé này đưa đón an toàn”. Tôi an tâm lên thuyền nhưng ánh mắt vẫn không rời khỏi tay chèo thoăn thoắt của cậu bé.

Bè cá ở thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) cũng là nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Thông trong nhiều năm qua

Đang cho cá ăn, lão ngư có nước da đen nhẻm Nguyễn Văn Thông ngừng tay nở nụ cười tươi chào khách. Vợ ông Thông đang cạo vỏ lụa hạt điều. Đây cũng là công việc chính của những phụ nữ lớn tuổi ở xóm Việt kiều. Ông Thông chậm rãi kể: “Năm 2004, cuộc sống bên Biển Hồ (Campuchia) khó khăn, tôi đưa vợ con về hồ thủy điện Thác Mơ sinh sống từ ngày hồ mới tích nước. Trước đây, thủy sản ở hồ dồi dào nên người làm nghề đánh bắt cá cũng có đồng ra đồng vào. Chỉ một đêm buông lưới, sáng hôm ra chợ là bỏ túi tiền triệu. Giờ nguồn lợi này ngày một cạn kiệt do đánh bắt theo lối tận diệt nên tôi nuôi cá lồng bè để có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống”.

Ông Thông tiếp tục câu chuyện: “Không đất sản xuất nên phải chọn lòng hồ mưu sinh. Bè cá cũng là nhà của vợ chồng tôi và 2 đứa cháu nội. Trên 3.000 con cá lăng nha, cá lóc tôi thả 2 năm trước hiện vẫn chưa xuất bán do cá chưa đủ trọng lượng”. Tôi hỏi lý do vì sao, ông Thông giải thích: “Nuôi cá lồng bè nhưng tôi không cho ăn cám mà nuôi hoàn toàn bằng thức ăn tự nhiên. Vì vậy, người ta nuôi cá lăng bằng cám chỉ 5-6 tháng là bán, nhưng tôi nuôi cứ phải năm rưỡi đến 2 năm để cá to, thịt dai, chắc mới bán. Mẻ này nếu có lời tôi sẽ gia cố lại bè để năm tới mua thêm cá về thả”.

Sát bên là bè cá của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy. Cả đêm cùng chồng lênh đênh trên sông thả lưới nhưng cũng chỉ bắt được khoảng 7kg cá nhỏ, đủ làm thức ăn cho 6.000 con cá lăng nha, cá lóc trong một ngày. “Thức đêm hoài cũng quen, không đi thì hôm sau lấy gì nuôi cá. Mấy năm nay, giá cá lên xuống thất thường, lời hay lỗ thì cũng phải nuôi vì bỏ thì không biết làm gì” - chị Thủy nói.

Anh Nguyễn Duy Hòa cho biết: Vài năm nay, các hộ Việt kiều Campuchia trở về đây ngày một nhiều. Thôn Bình Đức 1 hiện có 87 hộ Việt kiều sinh sống. Những năm đầu, các hộ còn mặc cảm do không có giấy tờ tùy thân, nay chuyện ấy không còn là trở ngại. Hội Nông dân xã đã thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản với hơn 10 hộ theo nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Ở đây mỗi hộ nuôi từ 3-4 ngàn con, chủ yếu cá lăng và lóc. Ngoài hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật nuôi cá lồng bè, tổ còn đề ra quy chế hoạt động riêng nhằm bảo vệ nguồn thủy sản lòng hồ.

“Trước đây, bà con đánh bắt cá theo kiểu mạnh ai nấy làm, không nghĩ tới việc phải bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ khi tổ đưa ra quy chế hoạt động, các thành viên trong tổ có nhiệm vụ bảo vệ, kiểm soát hoạt động khai thác, đánh bắt, không dùng mìn, kích điện công suất lớn đánh bắt cá trên hồ... nên hạn chế được việc khai thác thủy sản tận diệt” - ông Thông chia sẻ.

Trẻ em không còn “khát” chữ

Nhờ nuôi cá bè nên khát vọng lên bờ mua đất ở để an cư lạc nghiệp của gia đình chị Thủy đã trở thành hiện thực. Căn nhà kiên cố, thoáng mát được vợ chồng chị xây dựng năm 2017 với kinh phí trên 200 triệu đồng. Hiện những hộ về nước lâu năm như gia đình chị đều có cuộc sống ổn định vì kiếm được công việc trên bờ với thu nhập khoảng vài trăm ngàn đồng/ngày. Số ít biết kinh doanh, buôn bán, mở tiệm tạp hóa ngay tại xóm. Ban ngày ở xóm Việt kiều chỉ có người già và trẻ nhỏ, thanh niên thì lên bờ tìm việc làm trong các xưởng điều hay phụ hồ kiếm thêm thu nhập chứ không trông chờ vào việc đánh bắt cá ở lòng hồ như trước.

Trẻ em xóm Việt kiều ở thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) được tạo điều kiện đến trường học tập

Ông Trần Văn Tiến ở xóm Việt kiều chia sẻ: “Trước đây, cả gia đình 8 người ở chung trên một chiếc ghe chật chội. Ban ngày cha mẹ đi giăng lưới, bắt cá, mấy đứa nhỏ chỉ ngồi một chỗ trên ghe, không được đi học. Giờ lên bờ, 2 đứa cháu ngoại đều được đi học tại Trường tiểu học Nguyễn Huệ. Nhà trường không thu học phí mà còn hỗ trợ thêm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập đầu năm học mới cho các cháu. Dịp hè, các cháu còn được đoàn viên thanh niên của xã tổ chức lớp học tình thương phổ cập xóa mù chữ nên nhiều cháu lớn tuổi không được đi học, giờ đã viết được tên mình và làm các phép tính cơ bản, điều mà chúng tôi không bao giờ nghĩ đến khi đặt chân đến đây”.

Xóm Việt kiều có khoảng 30 em trong độ tuổi đi học. Ngay từ đầu năm học, bên cạnh rà soát, thống kê số trẻ trong độ tuổi đi học, Trường tiểu học Nguyễn Huệ còn phối hợp xã hoàn thành hồ sơ, thủ tục, giấy tờ để các em nhập học đúng thời gian và vận động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân hỗ trợ sách vở, quần áo, dụng cụ học tập để các em có điều kiện đến trường. Với những em chưa biết chữ, Ban giám hiệu nhà trường tách thành 1 lớp dạy riêng với giáo án phù hợp, nhưng vẫn theo chương trình của Bộ GD-ĐT.

Không còn bẽn lẽn khi gặp người lạ, em Dương Thị Ngọc (11 tuổi) đang học lớp 3 cho biết: Sau buổi học, em nhận hạt điều về cạo vỏ lụa để phụ mẹ tiền ăn sáng và mua gạo. Khi hỏi về ước mơ, Ngọc thỏ thẻ: “Em chỉ mong được ăn no, có một ngôi nhà tường xây để ở. Đi học để biết chữ sau này kiếm được nhiều tiền phụ giúp ba mẹ nuôi các em”. Được đi học, biết chữ với các em đó là niềm hạnh phúc, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, cuộc sống sẽ bớt vất vả hơn đời cha, mẹ các em.

Ngân Hà

  • Từ khóa
94493

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu