Thứ 5, 28/03/2024 18:58:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:52, 02/06/2019 GMT+7

Ngày lên bờ của Việt kiều Campuchia

Chủ nhật, 02/06/2019 | 07:52:00 2,212 lượt xem
BP - Bình Phước - nơi nhiều lòng hồ thủy lợi, thủy điện, sông lớn đã trở thành điểm đến lập nghiệp của một bộ phận Việt kiều Campuchia. Dù mới về hay có thâm niên, cuộc sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn: không nhà, không giấy tờ tùy thân, không việc làm ổn định... Trước những khó khăn này, UBND tỉnh đã có nhiều kế hoạch, chương trình an sinh xã hội nhằm ổn định đời sống, góp phần cải thiện cho Việt kiều hồi hương.

Ngày 8-4-2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND về bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống, sản xuất cho người dân di cư tự do từ Campuchia về tỉnh Bình Phước năm 2019. Trên cơ sở tham mưu của các sở, ban, ngành, thực hiện Kế hoạch số 91/KH-UBND, có 352 hộ với 1.544 người sẽ được xem xét, hỗ trợ các điều kiện cần thiết để có đất ở, vay vốn tín dụng, dạy nghề, hỗ trợ việc làm... góp phần ổn định cuộc sống.

PHẬN ĐỜI THÔI CHÔNG CHÊNH

“Trước ngày lên bờ, chúng tôi mừng không biết diễn tả như thế nào. Hơn một nửa đời người quen ăn, ngủ trên con thuyền, sóng chòng chành, giờ được ngủ trên bờ cảm giác hồi hộp lắm” - ông Mai Văn Chan, 57 tuổi, một Việt kiều vừa chuyển đến khu nhà đại đoàn kết ở xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản nói.

Chân cầu Sài Gòn 1 thuộc ấp 4, xã Minh Tâm từ lâu đã trở thành mái nhà quen thuộc của 8 hộ Việt kiều Campuchia. Hơn 1 tháng nay, những mái nhà này đã được chính quyền xã Minh Tâm dỡ bỏ. 8 hộ dân sống hai bên chân cầu đã được chính quyền di dời và đưa đến ở trên những căn nhà đại đoàn kết cách đó khoảng 500m. Ngày 26-4-2018, 8 căn nhà được chính quyền xã tham mưu UBND tỉnh, UBND huyện để cấp tạm cho 8 hộ Việt kiều sống tại chân cầu Sài Gòn. Mỗi căn có diện tích đất và nhà 400m2, trị giá 65 triệu đồng, trong đó MTTQ tỉnh hỗ trợ 50 triệu, MTTQ huyện 12 triệu đồng và UBND xã 3 triệu đồng.

Khu nhà đại đoàn kết dành cho 8 hộ Việt kiều Campuchia tại xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản

Trong căn nhà mới, bà Nguyễn Thị Giàu xúc động: “Nhà có 6 người, trước ở trong túp lều giáp bìa sông nóng và chật chội. Cha mẹ mấy đời nghèo khó, lênh đênh trên sông nước, không lo được căn nhà, giờ Nhà nước hỗ trợ như vậy, chúng tôi không mong gì hơn. Có nhà rồi, lo đi làm thuê, tiết kiệm để mua sắm thêm vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình”.

Cùng với xã Minh Tâm, ngày 22-12-2018, 30 hộ Việt kiều đáp ứng được các tiêu chí như: sinh sống ổn định tại huyện từ 15 năm trở lên, chấp hành các quy định pháp luật đã được UBND huyện Bù Gia Mập cấp đất và nhà tại Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa. Từ nguồn đất của huyện, trung bình mỗi hộ sẽ nhận cả đất và nhà là 400m2. Gần 5 tháng sau ngày lên bờ, cuộc sống của 30 hộ Việt kiều ở đây đã bắt đầu ổn định. Một số vẫn còn thả lồng, nuôi cá lăng, cá điêu hồng... trên lòng hồ Phước Minh; còn phần lớn đã đi làm thuê tại các trang trại, cơ sở sản xuất xung quanh để bắt đầu cuộc sống mới.

CUỘC SỐNG MỚI VỚI NHỮNG ĐỔI THAY

Bà Nguyễn Thị Quý, Chủ tịch UBND xã Minh Tâm cho biết: Vì phần lớn Việt kiều ở đây chưa có hộ tịch, giấy tờ tùy thân, nên vẫn chưa kéo được điện lưới về dùng. Trong khi chờ các ban, ngành làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho họ, UBND xã đứng ra hợp đồng với Điện lực Hớn Quản để kéo điện về cho người dân sử dụng. Đây là những bước hỗ trợ trước mắt để người dân an tâm sinh sống. Ngoài ra, xã cũng đang triển khai các mô hình việc làm, sau đó sẽ mở lớp đào tạo nghề để người dân có công việc ổn định hơn.

Cũng như 30 hộ Việt kiều khác, từ cuối năm 2018, bà Lê Thị Lệ ở Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa đã đến bốc thăm vị trí, nhận nhà theo quy định. Nhờ chăm chỉ làm ăn, hiện nay ông bà đã tích cóp được hơn 45 triệu đồng và xây dựng thêm một phòng nhỏ ngay bên căn nhà được cấp để con gái mở tiệm may áo quần. Bà Lệ cho biết: “Ở đây mọi thứ thuận lợi hơn dưới bè nhiều. Trước tiên là có căn nhà ổn định, hằng năm không phải tốn tiền gia cố, thay lồ ô, dây kéo như hồi còn sinh sống tạm bợ dưới bè. Điện, nước cũng đầy đủ hơn, được xem tivi, tiếp cận các thiết bị điện tử, con cái học hành cũng thuận lợi hơn. Hằng ngày, chồng tôi vẫn về làng bè để đánh bắt cá, tôm, vừa kiếm thêm tiền vừa có thức ăn. Còn tôi đi làm thuê ở gần nhà, tranh thủ trồng rau, nuôi thêm gà, vịt để ổn định cuộc sống”.

Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Phạm Hồng Khanh cho biết: Hiện Bù Gia Mập có 108 hộ Việt kiều Campuchia với 507 người đang sống men theo 2 lòng hồ thủy điện. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND xã rà soát và linh động giấy tờ, hộ tịch đưa tất cả trẻ em Việt kiều được đến trường. 100% bà con đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tạo điều kiện để người trong độ tuổi lao động được học nghề; cấp đất ở, đất sản xuất cho 30 đối tượng đủ điều kiện... Bước đầu cuộc sống của người dân đã dần ổn định. Thời gian tới, huyện tiếp tục nỗ lực và đặt vấn đề với các ban, ngành để tiếp tục cấp đất, ổn định cuộc sống cho người dân thuộc các đối tượng tiếp theo.

CÓ “CẦN CÂU”, CẦN NỖ LỰC ĐỂ “BẮT CÁ”

Ở Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, ngoài những căn nhà của đồng bào dân tộc thiểu số, trước sân nhà của mình, những hộ Việt kiều đã tự treo cờ Tổ quốc, trồng thêm cây xoài, mận để tạo bóng mát. Ngoài sự đầu tư của chính quyền, sau khi bốc thăm nhận đất, hầu hết các hộ chủ động đóng thêm mỗi nhà từ 10-20 triệu đồng để lát nền gạch men. “Sau khi lên bờ, họ sống rất hòa đồng với 109 hộ dân tộc thiểu số thuộc các chương trình khác của huyện. Đáng hoan nghênh hơn, họ rất ý thức trong việc đóng các khoản nghĩa vụ. Đến nay, đã có 27/30 hộ đóng, 3 hộ còn lại đang gặp khó khăn nhưng sẽ đóng trong nay mai” - Trưởng thôn Hai Căn Hoàng Thanh Thao chia sẻ.

Xã Minh Tâm có 24 hộ Việt kiều Campuchia. Dù chưa đủ điều kiện về hộ tịch để được cấp nhà, cấp đất nhưng UBND xã đã tham mưu các cơ quan của tỉnh và huyện tạo điều kiện để xây nhà và hỗ trợ di dời tạm cho 8 hộ dân tại chân cầu Sài Gòn theo kế hoạch của UBND tỉnh. Có nhà mới, phần lớn người dân vẫn xuống sông Sài Gòn để tiếp tục đánh bắt cá, tôm; một số đi làm theo kiểu thời vụ, chưa có công việc ổn định.

Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Quý cho biết: UBND xã đã tạo điều kiện, phát giấy đăng ký nhu cầu học nghề để người dân đăng ký. Thế nhưng, họ không đam mê học nghề, chỉ thích đi bắt cá. Một số thanh niên dù đã được UBND xã bảo lãnh xin vào làm việc tại các trang trại, thế nhưng chỉ được một vài tuần rồi cũng bỏ về. Năm 2017, UBND xã đã vận động và đưa cho họ rất nhiều xe nước mía để buôn bán. Thế nhưng được một vài hôm họ cũng không mặn mà. “Trước mắt đã ổn định được nơi ở, chúng tôi sẽ có biện pháp để những người trong độ tuổi lao động phải “nhúc nhích”, không để họ nhàn rỗi rồi phát sinh hộ nghèo” - Chủ tịch UBND xã Minh Tâm Nguyễn Thị Quý trăn trở.

Những năm gần đây, UBND tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, tiểu đề án để đảm bảo an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho Việt kiều hồi hương. Kế hoạch số 91/KH-UBND của UBND tỉnh đi vào cuộc sống, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện sẽ dần được tháo gỡ. Nhưng song hành cùng kế hoạch của tỉnh, mỗi Việt kiều phải tự ý thức vươn lên, từ những “cần câu” hãy nỗ lực bắt “con cá” để làm giàu không chỉ cho bản thân mà góp phần ổn định xã hội.

Để thực hiện Kế hoạch số 91/KH-UBND, trước đó ngày 4-7-2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND về bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống, sản xuất cho người dân di cư tự do từ Campuchia về tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016-2020. Theo đó, kinh phí để thực hiện hỗ trợ nhà, đất ở, giải quyết việc làm, giáo dục, y tế và các hoạt động khác trong giai đoạn 2016-2020 là 14 tỷ 572 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 9 tỷ 47 triệu đồng, ngân sách địa phương 4 tỷ 85 triệu đồng, còn lại là vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 1 tỷ 440 triệu đồng.

Thanh Nga

  • Từ khóa
94555

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu