Thứ 4, 24/04/2024 23:18:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:19, 28/06/2017 GMT+7

Ngày gia đình nghĩ về “căn bệnh vô cảm”

Thứ 4, 28/06/2017 | 07:19:00 3,260 lượt xem

BP - 14-5 là ngày của mẹ, 18-6 là ngày của cha và tiếp nối “nghĩa mẹ, công cha” ngày mai (28-6) là Ngày gia đình. Ngày gia đình Việt Nam năm 2017 với các thông điệp: Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương; gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; xây dựng nhân cách người Việt Nam từ truyền thống tốt đẹp trong gia đình. Gia đình là tế bào xã hội, là cái nôi sinh sản, sẻ chia và chan chứa ân nghĩa. Tổ ấm gia đình với ông bà, mẹ cha, vợ chồng, con cái là những hình ảnh đầy ắp yêu thương. Nhưng đáng buồn thay, những năm gần đây, sự phát triển của phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại đang len lỏi vào từng gia đình, khiến các thành viên trong mỗi nhà ít nhiều đều bị nhiễm “vi rút” vô cảm.

Nhiều lần tôi chứng kiến khung cảnh một gia đình ngày chủ nhật cùng đến quán nước. Cả nhà 4 người nhưng mỗi người là một thế giới riêng. Ai cũng cúi mặt vào điện thoại của mình, ngón tay của họ hí hoáy quẹt ngang quẹt dọc. Anh chồng, chị vợ đều cười rất tươi, nhưng không phải là cười với nhau. Hai người con cũng chẳng biết đang chơi gì trên máy nhưng cũng rất vui. Chiếc máy vi tính, rồi điện thoại thông minh đã đến với từng gia đình. Những thiết bị di động ngày càng tiện dụng, đem mọi thông tin đến tận phòng ngủ của từng người. Không ít bữa cơm vội vã diễn ra trong im lặng của nhiều gia đình. Ăn qua loa xong chuyện, ai nấy tìm cho mình một góc riêng trong căn nhà để tận hưởng thế giới ảo. Có lẽ vì vậy mà tình cảm gia đình ngày càng vơi cạn, con cái mỗi lúc một khó kiểm soát, dạy bảo. Thiết bị di động ngày càng thông minh nhưng không ít người sử dụng lại kém thông minh, điều đó vô tình làm nhiễu loạn xã hội từ thế giới ảo. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng chiếc điện thoại thông minh vô tri đang khiến lòng người trở nên vô cảm? Phát triển là một tất yếu của xã hội, thế nhưng trong cái tất yếu đó lại kéo theo hàng loạt những vấn đề bức xúc và đáng quan ngại, nhất là căn bệnh vô cảm.

“Vô cảm” có nghĩa là không tình cảm, không cảm xúc, là một trạng thái, thái độ của con người. Biểu hiện đơn giản nhất của vô cảm chính là thờ ơ với cuộc sống, với những gì diễn ra xung quanh, chỉ quan tâm đến việc của mình, dửng dưng trước nỗi đau của người khác. Cũng không có gì khó hiểu khi ngày nay việc nhường ghế cho người lớn tuổi trên xe buýt, thấy người bị cướp giật nhưng chẳng hề mảy may, thấy người gặp tai nạn nhưng ngoảnh mặt làm ngơ... diễn ra khắp nơi. “Vô cảm” là căn bệnh không gây ra cái chết ngay lập tức, nhưng nó lại có thể tạo nên cái chết về lâu về dài đối với con người. Nó gặm nhấm và ăn mòn con người ta tận trong đầu óc, tim gan. Nó biến con người trở thành những người sống vô trách nhiệm, ích kỷ, tham lam. Vô cảm sẽ là mảnh đất tốt để nảy sinh nhiều căn bệnh khác. Bệnh vô cảm phát triển trong một gia đình thì lại càng nguy hại, nó làm lung lay, đảo lộn nền tảng đạo đức của chính gia đình đó và ảnh hướng rất lớn đến xã hội.

“Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là chủ đề Ngày gia đình Việt Nam đã được duy trì nhiều năm nay. Có lẽ từ câu chuyện của chiếc điện thoại thông minh cũng là một trong những nguyên nhân để các nhà quản lý đưa ra chủ đề rất thiết thực này trong dịp kỷ niệm Ngày gia đình. Bởi lẽ, bữa cơm không chỉ đơn giản là cung cấp năng lượng cho các thành viên mà nó còn là nơi tạo tình cảm yêu thương gắn bó, gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Thông qua chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” để nhắc nhở tất cả mọi người duy trì bữa ăn như một cách để “thắp lửa” cho tổ ấm yêu thương của mình.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu