Thứ 5, 25/04/2024 02:21:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:22, 30/08/2017 GMT+7

Ngành giáo dục Chơn Thành: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Thứ 4, 30/08/2017 | 06:22:00 1,294 lượt xem
BP - Mặc dù được lãnh đạo các cấp, các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị,… nhưng trước thềm năm học 2017-2018, ngành giáo dục Chơn Thành vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, nhất là tình trạng quá tải vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Học sinh tăng đột biến

Nhà giáo ưu tú Mạc Thị Thanh Bình, Trưởng phòng GD-ĐT Chơn Thành cho biết: Những năm qua, ngành giáo dục huyện luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, trong đó UBND huyện đầu tư mỗi năm từ 10-20 tỷ đồng và nguồn vận động xã hội hóa hơn 4 tỷ đồng/năm, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Do đứng chân trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp với gần 30 ngàn công nhân, trong đó phần lớn là lao động trẻ nên số lượng học sinh các cấp tăng nhanh và luôn quá tải. Theo thống kê, hằng năm trên địa bàn huyện tăng khoảng 1.000 học sinh các cấp. Năm học 2015-2016, toàn huyện có trên 15.000 học sinh, năm học 2016-2017 tăng lên 16.193 học sinh và năm học này dự kiến sẽ tăng lên gần 17.000. Những địa bàn có số học sinh tăng cao là thị trấn Chơn Thành, xã Minh Hưng và xã Thành Tâm.

Trường tiểu học Chơn Thành A có nguy cơ “rớt” chuẩn do quá tải (trong ảnh học sinh trong giờ học giáo dục thể chất)

Năm học 2016-2017, toàn huyện có 4.621 cháu học bậc mầm non. Do các trường mầm non công lập trên địa bàn không đáp ứng cơ sở vật chất nên 2.196 cháu phải học trong các trường và cơ sở tư thục. Toàn huyện hiện có 5 trường mầm non tư thục và 17 cơ sở tư thục hoạt động, trong đó phần lớn chưa có giấy phép hoạt động. Nguyên nhân do gặp khó khăn, bất cập trong việc thuê đất xây dựng cơ sở giáo dục theo Luật Đất đai năm 2013. Thời gian qua, trên địa bàn có 20 gia đình, cá nhân có đơn xin thuê đất để xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo (nhóm trẻ, cơ sở mầm non tư thục), qua đó nhằm hoàn thiện thủ tục để xin giấy phép hoạt động. Trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nhận thấy các quy định về chế độ sử dụng đất của loại đất này chưa rõ ràng và đã xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.

Nỗi lo “rớt” chuẩn

Ở bậc mầm non quá tải có các trường tư thục, cơ sở tư thục “gồng gánh”, còn các trường tiểu học, THCS không có cách nào khác là dồn lớp. Các trường: Tiểu học Chơn Thành A, Tiểu học Kim Đồng, THCS Lương Thế Vinh (thị trấn Chơn Thành và tiểu học Minh Hưng A, THCS Minh Hưng (xã Minh Hưng) đều quá tải nhiều năm qua và đang lo ngại “rớt” chuẩn. Năm nay mỗi trường còn tăng khoảng 100 học sinh, tức tăng 3 lớp/trường, gây khó khăn, bất cập cho các đơn vị.

Qua kiểm tra, rà soát trên địa bàn huyện có 2 trường quá thời gian công nhận lại và chưa đạt 2 tiêu chí của trường chuẩn, đó là Tiểu học Chơn Thành A và Tiểu học Minh Hưng A. Trường tiểu học Chơn Thành A được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ II vào ngày 19-5-2009, đến nay đã quá thời hạn công nhận lại hơn 3 năm. So với quy định 5 tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia, hiện nay trường chưa đạt 2 tiêu chuẩn, cụ thể: Đối với tiêu chuẩn 1 về tổ chức và quản lý nhà trường không đạt, do đơn vị hiện có 35 lớp/1.186 học sinh (vượt 5 lớp, vượt số học sinh theo quy định). Tiêu chuẩn 3 về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học cũng không đạt, do trường còn thiếu bãi tập, nhà đa năng và nhà để xe học sinh. Tương tự, Trường tiểu học Minh Hưng A được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ II vào ngày 19-5-2009. So với quy định, hiện trường cũng chưa đạt tiêu chuẩn 1 và 3, cụ thể: Đối với tiêu chuẩn 1 về tổ chức và quản lý nhà trường không đạt, do đơn vị hiện có 36 lớp/1.415 học sinh (vượt 6 lớp, vượt gần 400 học sinh so với quy định). Trong điều kiện số học sinh tăng cơ học đột biến, vì vậy không thể giữ mức 30 lớp/trường và 35 học sinh/lớp như quy định. Đối với tiêu chuẩn 3 về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học không đạt, do diện tích trường hẹp, chỉ đạt 7,5m2/học sinh, trong khi quy định là 10m2/học sinh.

Để đáp ứng nhu cầu dạy - học cho con em địa bàn huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh, ngành giáo dục mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cấp, ngành trong thời gian tới.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
87108

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu