Thứ 3, 23/04/2024 15:20:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:24, 12/02/2015 GMT+7

Ngành điện có nên “một mình một chợ”?

Thứ 5, 12/02/2015 | 09:24:00 134 lượt xem

BP - Hôm qua, lúc đóng cửa đi làm buổi chiều, tôi nhặt được mẩu giấy rơi dưới chân cánh cổng. Tò mò nhặt lên thì thấy đó là lời nhắn của nhân viên điện lực đi ghi số điện, đại ý rằng chúng tôi đã đến ghi số điện nhưng quý khách đi vắng. Nếu quý khách không báo lại số điện thì chúng tôi ghi theo chỉ số của tháng trước, mọi thắc mắc không được giải quyết! Chợt nghĩ đang là mùa khô nên tôi còn có cơ hội nhặt được mẩu giấy này, chứ nếu mùa mưa thì nó đã trôi theo nước mưa xuống cống và điện lực sẽ tính điện cho gia đình tôi theo tháng trước rồi.

Những nỗi khó chịu trong quá trình thanh toán điện hàng tháng không chỉ riêng gia đình tôi và không chỉ một, hai lần. Trước đây, tôi trả tiền điện trực tiếp cho nhân viên thu ngân. Nhưng thay vì đi thu vào giờ nghỉ như ngành viễn thông, truyền hình cáp thì nhân viên ngành điện lại đi thu trong giờ hành chính, mà giờ đó vợ chồng tôi đều đi làm. Nhiều lần bị cắt điện vì không đóng tiền đúng hạn, rất bức xúc nhưng không thể làm gì nên khi có dịch vụ trả tiền điện qua ngân hàng, tôi đăng ký ngay. Thế nhưng dù đã trả qua ngân hàng, thi thoảng nhân viên điện lực vẫn tới thu tiền. Có lần, con gái tôi đang học tại thành phố Hồ Chí Minh về chơi, thấy nhân viên điện lực đưa ra tờ giấy báo tiền điện, nó trả tiền nhưng nhân viên điện lực không đưa hóa đơn. Tôi đến điện lực Đồng Xoài, mở điện thoại cho nhân viên xem tin nhắn ngân hàng đã chuyển tiền cho điện lực thì được hướng dẫn cứ về rồi anh ta sẽ đến giải quyết. Thế nhưng, tôi đã phải gọi rất nhiều lần mới lấy lại được số tiền thu lần hai. Được biết một số người trong cơ quan tôi cũng từng bị như thế.

Đó chỉ là một trong vô số những phiền phức, khó chịu mà những “thượng đế” của ngành điện đã, đang và sẽ còn phải gánh chịu. Chuyện lỗ lãi của ngành điện cũng khoác lên vai người tiêu dùng. Như hồi 2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố lãi 4.000 tỷ đồng, nhưng tổng lỗ năm 2010 và 2011 cộng lại lên tới 11 tỷ đồng nên phải tăng giá điện lên 5%. Vin vào lý do chi phí đầu tư sản xuất điện lớn, từ trước tới nay giá điện chỉ tăng mà không hề giảm. Lý lẽ mà ngành điện đưa ra mỗi lần đòi tăng giá là ở nước ta giá điện bình quân thấp hơn các nước trong khu vực. Họ không quan tâm mức thu nhập bình quân đầu người ở nước ta thấp hơn nhiều so với các nước mà họ đưa ra so sánh. Rồi cách tính theo lũy kế của ngành điện giống như trò “múa gậy trong bị”, chẳng biết đâu mà lần.

Một thời gian, báo chí ồn ào đưa tin thị trường phát điện cạnh tranh nhằm giảm dần sự độc quyền của EVN. Thế nhưng dường như thị trường của mấy công ty bán điện cạnh tranh với nhau bán cho EVN chẳng liên quan gì đến người tiêu dùng, bởi người dân và các doanh nghiệp vẫn phải mua điện do EVN phân phối và không thể biết giá điện mình mua có hợp lý không!

Còn nhớ hơn mười năm trước, thị trường mạng điện thoại di động chỉ có một nhà cung cấp nên giá cước lúc đó luôn ở “trên trời”. Nhưng khi thị trường này xuất hiện nhiều nhà mạng mới, ngay lập tức giá cước di động liên tục hạ nhiệt. Trong môi trường cạnh tranh ấy, người tiêu dùng mới được hưởng lợi. Muốn phá thế độc quyền của ngành điện, muốn thị trường điện trở nên lành mạnh để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của công cuộc phát triển đất nước, liệu có nên để ngành điện “một mình một chợ” như hiện nay(!?)    

T.N

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu