Thứ 7, 20/04/2024 00:01:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 16:57, 28/03/2016 GMT+7

Ngành chế biến hạt điều trước bài toán hợp tác

Thứ 2, 28/03/2016 | 16:57:00 202 lượt xem
BPO - Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam liên tục đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều, năng lực chế biến hàng năm lên tới 1,4 triệu tấn (chiếm gần 50% trong tổng số 2,9 triệu tấn điều thô chế biến trên toàn cầu). Nhưng cũng từ đây, ngành điều Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước châu Phi, khu vực chiếm 40% sản lượng điều thô thế giới.

Hợp tác là xu thế

Đầu những năm 2000, khi công suất chế biến các nhà máy vượt quá sản lượng thu hoạch trong nước, các doanh nghiệp (DN) đã nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ các nước châu Phi. Thời điểm đó, các DN chỉ nhập khẩu khoảng 20% - 30%, còn lại 70% - 80% là sử dụng nguồn nguyên liệu điều thô trong nước, nhưng đến năm 2014 đã tăng lên phải nhập 50% sản lượng điều thô mới đủ chế biến hàng chất lượng cao để xuất khẩu. Và năm 2015, các DN đã nhập trên 860.000 tấn, chiếm hơn 60% sản lượng chế biến. Bên cạnh công suất chế biến các nhà máy tăng lên, còn có lý do sản lượng nguyên liệu điều thô trong nước giảm xuống do cây điều không cạnh tranh lại được với những cây công nghiệp khác có giá trị hơn như cà phê, cao su, hồ tiêu, nên cây điều chỉ bám vùng đất mà những cây khác không trụ lại được. Ngay cả như Bình Phước, được mệnh danh là thủ phủ cây điều cả nước, chất lượng hạt khi chế biến được khách hàng nước ngoài đánh giá là có mùi vị đặc trưng và ngon nhất, diện tích điều cũng bị giảm mạnh, còn 134.000ha so với 170.000ha năm 2007.


Áp dụng công nghệ khi chế biến hạt điều sẽ đạt tiêu chuẩn cao khi xuất khẩu.

Châu Phi là khu vực có vùng nguyên liệu điều thô lớn nhất thế giới, chiếm 40% sản lượng điều toàn cầu. Vì vậy, trong số 867.000 tấn điều thô nhập khẩu năm 2015 từ 25 nước, chủ yếu từ khu vực này. Thời gian đầu, việc nhập khẩu điều thô từ châu Phi, các DN Việt Nam phải qua trung gian là các nhà môi giới Ấn Độ, gần đây nhiều DN đã mua bán trực tiếp với các nhà xuất khẩu điều châu Phi, giá mềm hơn. Nhưng DN Việt Nam gặp những khó khăn như việc thanh toán tiền hàng, không kiểm soát chất lượng, tổn thất trên đường vận chuyển. Không ít DN châu Phi thiếu tôn trọng hợp đồng (trì hoãn việc giao hàng để ép giá hay gian lận về chất lượng), khi tranh chấp xảy ra rất khó xử lý...

Vì vậy, cuối năm 2013, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vinacas tổ chức Hội nghị phát triển điều Việt Nam - châu Phi tại TPHCM với sự hiện diện của các nhà cung cấp điều thô đến từ các nước Bờ Biển Ngà, Ghana, Guinea Bissau, Nigeria, Benin… và Liên hiệp Hội điều châu Phi (ACA). Mới đây, Hội đồng Bông và Hạt điều Bờ Biển Ngà (CCA) đã có bước đi cụ thể hơn như CCA bảo đảm việc thực hiện hợp đồng, nhưng mỗi bên lại có mục tiêu khác nhau.  

Hợp tác đến mức nào?

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Vinacas, cho biết, trong 867.000 tấn điều thô Việt Nam nhập, riêng Bờ Biển Ngà chiếm 302.000 tấn (36%). Tuy nhiên, việc giao dịch có nhiều bất ổn từ phía bán. Đây cũng là quốc gia có tham vọng và chiến lược rõ ràng trong việc đẩy mạnh chế biến ngay trong nước với thiết bị, công nghệ và nhân lực từ Việt Nam. Ông Malamine Sanogo, Tổng giám đốc CCA, nhấn mạnh: “Bờ Biển Ngà là nước sản xuất điều thô lớn nhất toàn cầu, năm 2016 thu hoạch khoảng 725.000 tấn nhưng khả năng chế biến chỉ đạt 45.000 tấn (6%), năng suất điều chỉ 0,4 - 0,7 tấn/ha so với Việt Nam khoảng 1,2 - 1,4 tấn/ha. Vì vậy, chúng tôi mong muốn hợp tác với các bạn nhằm học hỏi kinh nghiệm cải tạo vườn điều và kêu gọi DN Việt Nam đầu tư nhà máy chế biến tại Bờ Biển Ngà. Nếu hai bên hợp tác tốt chắc chắn cả hai cùng thắng”. Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, hợp tác là xu thế, nhưng hợp tác như thế nào là điều phải tính đến khi cả hai đều có mục tiêu khác nhau

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, khẳng định Vinacas sẵn sàng hỗ trợ Bờ Biển Ngà kỹ thuật nhằm tăng năng suất từ 0,4 tấn lên khoảng 1 tấn/ha. Ngoài ra, các DN chế biến điều Việt Nam có thể đầu tư xây dựng các nhà máy cắt tách vỏ điều tại Bờ Biển Ngà sau đó mang về Việt Nam chế biến sâu. Trước mắt, hai nước hợp tác theo hướng này, đảm bảo đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, CCA không muốn chỉ như vậy. Vì thế, CCA còn hợp tác với Đại học Bách khoa TPHCM khi ký kết với Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ. Theo đó, trung tâm sẽ chuyển giao một số phương tiện máy móc cũng như cung cấp nguồn nhân lực qua Bờ biển Ngà để đào tạo nhân sự nhằm vận hành nhà máy sản xuất điều tại đây. Trên tinh thần này, CCA đã thành lập nhà máy sản xuất điều ở nước sở tại và dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 5-2016.

Có thể nói, điều này đang gây tranh cãi ngay trong nội bộ Vinacas và cả ngành điều. Ông Phạm Văn Công, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Khoa học công nghệ Vinacas, cho rằng nguyện vọng của nhiều nhà máy chế biến là không muốn xuất khẩu máy móc, thiết bị ra khỏi Việt Nam, đặc biệt càng không chuyển giao công nghệ cho châu Phi. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, việc hợp tác nên ở cấp nhà nước giữa hai chính phủ và có sự phối hợp, phân công giữa các bên, cũng như có những giới hạn cụ thể, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, chỉ giúp đối tác hưởng lợi và sẽ giết chết ngành điều trong nước. Hợp tác là xu thế nhưng phải có lộ trình và có những giới hạn nhất định. Việc làm này không phải bảo hộ mà vì mục tiêu xã hội, vì hàng trăm ngàn lao động và để bảo đảm cho ngành điều có thể phát triển bền vững. Nhưng qua đó cũng cho thấy, ngành điều cần phải chủ động có bước chuyển mới, từ sơ chế và xuất khẩu bán thành phẩm sang chế biến tinh nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Xét cho cùng, về lâu dài các nước xuất khẩu điều thô cũng sẽ tìm mọi cách để chế biến tại chỗ và hạn chế dần tiến đến ngưng xuất thô như cách mà hơn 20 năm trước Việt Nam đã làm.

* Sự hợp tác dễ dãi

Rất nhiều người coi công nghệ chế biến hạt điều Việt Nam chính là “báu vật”, “bí kíp” góp phần vào sự thành công của ngành chế biến điều trong nước trong 25 năm qua. Từ chỗ xuất hạt điều thô giá trị thấp, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia chế biến và xuất khẩu nhân điều hàng đầu thế giới. Công nghệ chế biến điều của Việt Nam là điều không chỉ các quốc gia có nền chế biến lâu đời như Ấn Độ và Brazil mà cả cộng đồng các quốc gia có diện tích điều lớn ở châu Phi - vốn từ trước đến nay chỉ xuất khẩu điều thô - đều rất quan tâm và mong muốn tìm hiểu cũng như tiếp cận. Từ năm 2006, có nhiều đoàn từ Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Nigeria, Mozambique, Tanzania… đến Việt Nam để tìm hiểu về công nghệ này. Trong đó, quyết tâm nhất là Bờ Biển Ngà thông qua hoạt động của Hội đồng Bông và Hạt điều Bờ Biển Ngà (CCA).

Bờ Biển Ngà là quốc gia trồng điều và xuất khẩu điều thô lớn nhất toàn cầu, có chiến lược 10 năm tới với tham vọng nâng cao năng suất và sản lượng cũng như mục tiêu chế biến điều tại chỗ lên đến 50% thay vì xuất thô, để có thể từng bước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam và Ấn Độ. Quốc gia này có những bước đi khá bài bản để có thể đạt được mục tiêu như gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế xuất khẩu điều thô, tăng cường hợp tác với Việt Nam như ký biên bản hợp tác với Bình Phước, Vinacas, liên kết mở trường dạy nghề tại Bờ Biển Ngà với Đại học Bách khoa TPHCM, mở văn phòng đại diện tại TPHCM... để được chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến hạt điều. Nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất và “lực lượng cò” bán máy móc, cùng một số ít hội viên Vinacas… đã và đang âm thầm hợp tác với Bờ Biển Ngà chỉ vì cái lợi riêng của nhóm hơn là nghĩ đến cái nguy hại toàn cục.

Từ năm 1999, dư luận đã từng không đồng tình việc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ khoa học kỹ thuật (Sở KHCN-MT TPHCM) ký hợp đồng xuất khẩu thiết bị chế biến hạt điều cho Mozambique. Khi đó, công luận và dư luận ngành điều đã phản ứng quyết liệt. Tại thời điểm đó, Vinacas cũng đã từng khẳng định, công nghệ chế biến điều là của Việt Nam mà chủ sở hữu là ngành điều Việt Nam nên Bộ KHCN-MT và Bộ NN-PTNT buộc phải ra văn bản đề nghị Chính phủ chỉ đạo dừng xuất khẩu công nghệ chế biến điều Việt Nam ra nước ngoài. Nay, Trường Đại học Bách khoa TPHCM ký kết và chuyển giao thiết bị, công nghệ chế biến điều Việt Nam sang Bờ Biển Ngà, việc làm này dấy lên mối quan ngại trong cộng đồng ngành chế biến hạt điều. Có thể vài DN, cá nhân hưởng lợi từ việc hợp tác này, nhưng hậu quả lâu dài sẽ khó lường hết. Rất nhiều hội viên Vinacas cảnh báo, một khi đã nắm được công nghệ chế biến thì đối tác Bờ Biển Ngà sẽ hạn chế việc bán điều thô. Và đó là tấm gương để các nước châu Phi khác như Ghana, Benin, Guinea Bissau, Mozambique… đi theo, hạn chế xuất khẩu điều thô ra nước ngoài, trở thành đối thủ cạnh tranh ngay với Việt Nam. Ngành điều Việt Nam với hàng triệu lao động sẽ “chết đứng” vì sự hợp tác dễ dãi này.

Nguồn SGGP

  • Từ khóa
40203

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu