Thứ 6, 19/04/2024 01:02:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:02, 15/02/2018 GMT+7

CHÀO XUÂN MẬU TUẤT 2018

Ngành cao su và tín hiệu vui trong năm 2018

Thứ 5, 15/02/2018 | 10:02:00 492 lượt xem
BP - 2017 là năm ngành cao su Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn do giá mủ lên xuống bất thường, khó định hướng kế hoạch năm. Thời tiết mưa bão nhiều, kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến sản lượng cao su khai thác. Năm 2017 kết thúc, người làm cao su thở phào nhẹ nhõm, vui mừng vì sản lượng, năng suất, giá bán, lợi nhuận, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động đều cao hơn năm trước, tạo tín hiệu tốt lành cho năm 2018.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cao su trong nước năm 2017 đạt 971.000 ha, giảm 0,2% so với năm 2016, do một số tỉnh ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ đang có xu hướng phá bỏ vườn cây cao su già cỗi chuyển sang trồng tiêu và một số cây trồng khác. Sản lượng cao su cả nước khai thác đạt 1.086,7 ngàn tấn, tăng 4,96%, ước tính lượng cao su xuất khẩu đạt 1,39 triệu tấn với trị giá 2,26 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng và tăng 35,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền tặng hoa chúc mừng Đại hội Công đoàn cao su Phú Riềng - Ảnh: Phương Thảo

Là người làm báo, nghiên cứu và theo dõi ngành cao su gần 40 năm, với những con số như đã nêu là niềm vui, tự hào đối với những người làm cao su. Không vui sao được, ngày 5-12-2017, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng (Bình Phước) đã tổ chức mừng công, hoàn thành kế hoạch năm trước 31 ngày. Ông Lê Thanh Tú, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng cho biết: “Dự kiến năm 2017, công ty khai thác đạt trên 25.700 tấn cao su, vượt kế hoạch 2.700 tấn với năng suất vườn cây đạt 2,34 tấn/ha/năm - năng suất cao nhất trong ngành cao su Việt Nam. Tổng sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu trên 36.000 tấn (có 10.000 tấn thu mua gia công). Tổng doanh thu 1.720 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 465 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước 110 tỷ đồng. Với trên 6.500 cán bộ, công nhân viên thu nhập về lương đạt bình quân trên 9,5 triệu đồng/người/tháng”. Trong những ngày giáp tết Mậu Tuất 2018, tôi có dịp đi qua vùng đất cao su Phú Riềng, câu chuyện về lương, thưởng, về mua sắm chuẩn bị cho ngày tết luôn làm lòng người háo hức, phấn khởi.

2017 là một năm thành công của các công ty cao su khu vực Tây Nguyên trong việc hoàn thành xuất sắc sản lượng mủ khai thác, chế biến. Trong đó, hoàn thành kế hoạch sớm nhất là Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum (Kon Tum), về trước kế hoạch 52 ngày.

Công ty TNHH MTV cao su Chư Prông (Gia Lai) năm 2017 về trước kế hoạch 20 ngày với sản lượng cao su khai thác đạt 6.500 tấn. Ông Võ Toàn Thắng, Tổng giám đốc công ty cho biết: “Bằng nhiều phương pháp, phát huy sức mạnh tập thể, nhất là giao quyền nhiều hơn cho từng tập thể, cá nhân gắn với trách nhiệm và quyền lợi đã giúp công ty lập được thành tích tốt nhất trong năm 2017. Tiền lương công nhân khai thác, chế biến năm 2017 cao hơn nhiều so với năm trước, lương tháng 11 và 12 của công nhân đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng”.

Các nông trường thuộc Công ty TNHH MTV cao su Ea H’leo (Đắk Lắk) hầu hết đều hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác trước thời gian (có 5/7 nông trường về trước kế hoạch từ 40-50 ngày). Không niềm vui nào bằng niềm vui lương, thưởng các tháng cuối năm tại các công ty cao su ở Tây Nguyên đều cao hơn nhiều so với năm 2016. Bình quân lương công nhân khai thác các tháng cuối năm đạt từ 8-10 triệu đồng/người. Nhiều công nhân khai thác lương đạt tới 12-13 triệu đồng, cá biệt có công nhân đạt tới 15 triệu đồng/tháng. Vậy là mùa xuân, tết đến với mọi người, mọi nhà công nhân trong không khí vui tươi, đầm ấm.

Vùng cao su miền núi phía Bắc sau 10 năm cây đã bén rễ, xanh tốt và năm 2017 đã bắt đầu cho mủ. Các công ty cổ phần cao su Sơn La, Lai Châu và Điện Biên đã mở miệng khai thác ngay trong năm 2017. Gặp ông Nguyễn Hồng Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Lai Châu (Lai Châu) tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), ông cho biết: “Năm 2017, công ty đã khai thác được gần 1.000 tấn cao su, năng suất vườn cây năm đầu đạt xấp xỉ 6,7 tạ/ha. So với vùng cao su truyền thống thì năng suất không bằng nhưng cây cao su đã khẳng định được thế đứng vững vàng trên đất này”. Lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Bắc rất tâm đắc, tự hào khi cây cao su có mặt tại tỉnh. Những niềm hy vọng về cuộc sống ấm no từ các cánh rừng cao su đang lan tỏa khắp bản, làng Tây Bắc. Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định: “Trồng cây cao su là phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải tạo môi trường sinh thái. Cây cao su không những cho mủ mà cả gỗ cao su cũng rất có giá trị, cao su thực sự là cây xóa đói, giảm nghèo trên vùng đất Tây Bắc”. Để hỗ trợ thêm các công ty cao su ở Tây Bắc, lãnh đạo VRG, Công đoàn cao su Việt Nam đã san sẻ để tất cả công nhân, mọi nhà ở mọi miền đất nước đón xuân Mậu Tuất 2018 vui vẻ, ấm áp tình người.

Các nông trường về trước kế hoạch năng suất trên 2,3 tấn/ha - Ảnh: Phương Thảo

Mùa xuân Mậu Tuất năm 2018, trong các thành phần kinh tế làm cao su, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Phước (Bigimexco) là đơn vị ăn nên làm ra khá giả trong ngành cao su. Ông Đồng Minh Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Bigimexco cho biết: “Với việc mở rộng thương trường, nâng cao chất lượng cao su chế biến, năm 2017, công ty đã xuất khẩu 210.000 tấn cao su các loại, hơn 50.000 tấn bột sắn, hơn 10 triệu USD đồ gỗ nội thất với tổng trị giá tương đương 300 triệu USD. Bigimexco có tổng cán bộ, công nhân viên trên 5.500 người, thu nhập lương năm 2017 đạt hơn 7 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến thưởng cuối năm, thưởng tết còn cao hơn tiền lương. Công ty hiện có 9 nhà máy sản xuất cao su, 6 nhà máy sản xuất tinh bột sắn, 2 nhà máy chế biến gỗ, 1 nhà máy sản xuất gan đôn (Knot) để xuất khẩu. Đặc biệt, công ty còn đầu tư 1 hệ thống cáp treo hiện đại nhằm phục vụ du lịch tại núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến tham quan, du lịch, tạo cảnh quan nhộn nhịp tại vùng đất này.

Điểm qua một số đơn vị trong và ngoài VRG, bức tranh tổng thể hầu hết của các đơn vị đều xuất sắc hoàn thành kế hoạch năm với mức doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách và lương người lao động cao hơn nhiều so với năm trước đó. VRG hiện quản lý 415.000 ha cao su, năm 2017 đã sản xuất được hơn 270.000 tấn cao su, tiêu thụ nội địa về xuất khẩu đạt 330.000 tấn cao su các loại, tạo tổng doanh thu 25.300 tỷ đồng, tổng lợi nhuận 3.900 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước 1.650 tỷ đồng. Với gần 90.000 cán bộ, công nhân viên, thu nhập về lương đạt bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến thưởng tết, tùy từng đơn vị, ít nhất bằng 1 tháng thu nhập về lương trở lên. Một niềm vui vô bờ bến, đó là trước lúc cổ phiếu của tập đoàn được chào bán trên sàn chứng khoán giao dịch (2-2-2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo VRG. Đây là niềm động viên to lớn, cú hích khích lệ các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu của VRG. Một tín hiệu vui, tốt đẹp đến với ngành cao su Việt Nam trước thềm xuân Mậu Tuất 2018.

Những người làm báo như chúng tôi rất vui mừng với những gì ngành cao su đạt được, đặc biệt là VRG đạt được trong năm 2017. Đây là nền tảng vững chắc để toàn ngành phát triển mạnh mẽ, vững vàng bắt tay thực hiện cổ phần hóa với mục tiêu “Các công ty cao su giàu, tập đoàn mạnh”. Trong tôi vẫn luôn ghi nhớ những lời thơ hay của ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su kiêm Tổng giám đốc VRG đã đọc cho cánh nhà báo chúng tôi nghe vào trước tết Đinh Dậu 2017:

“...Tuy rằng giá chẳng lên cao
Nhưng cao su đến nơi nào cũng vui”.

Thanh La

  • Từ khóa
42503

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu