Thứ 5, 18/04/2024 18:00:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 09:57, 04/10/2015 GMT+7

Ngăn ngừa xé rào, lách luật trong phòng, chống tham nhũng

Chủ nhật, 04/10/2015 | 09:57:00 1,213 lượt xem

BP - Phiên họp thứ 8 ngày 28-9 của Ban Chỉ đạo Trung ương (Ban chỉ đạo) về phòng, chống tham nhũng đã thu hút sự quan tâm theo dõi của dư luận. Bởi tại phiên họp này, Ban chỉ đạo đã thống nhất đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử trước Đại hội lần thứ XII của Đảng. Vào thời điểm nhạy cảm là chuẩn bị đại hội Đảng, quyết định trên của Ban chỉ đạo thực sự đã mang lại luồng gió trong lành trong công tác xây dựng đảng, tạo niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân vào một chính đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

Trước đó, Ban chỉ đạo đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 4 bộ và 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Rồi chỉ trong ngày 24-9, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hai sự kiện, buổi sáng là hội thảo “Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm phát hiện, xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng” và buổi chiều họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử 3 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo... Nhìn vào lịch làm việc dày đặc của Ban chỉ đạo cũng như Ban Nội chính Trung ương cho thấy, quyết tâm chính trị rất cao của Trung ương Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Từ việc kiểm tra, giám sát trong 2 năm qua, các đoàn công tác của Ban chỉ đạo đã có 141 kiến nghị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy và công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; Kiến nghị đưa 126 vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo... Kết quả đó không chỉ đơn thuần là đưa ra ánh sáng những vụ việc tham nhũng mà lớn hơn là tạo dựng môi trường lành mạnh trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, đúng như báo cáo kết quả làm việc của các đoàn trong phiên họp thứ 8 tại 4 bộ và 10 tỉnh, thành, việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng dù đã có nhiều cố gắng, song kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn cũng như mong muốn, kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bằng mắt thường cũng có thể thấy lương “ba cọc ba đồng” nhưng nhiều cán bộ, đảng viên cái gì cũng có. Người dân nhìn thấy rất rõ sự bất hợp lý giữa thu nhập công khai với khối tài sản khổng lồ của nhiều cán bộ, đảng viên và rất muốn làm rõ. Thế nhưng trong thực tế họ không có điều kiện để tiếp cận các nguồn thông tin chính thống, trong khi muốn tố cáo phải có nhân chứng, vật chứng rõ ràng. Trong thực tế, yếu tố công khai, minh bạch thông tin, quyền được thông tin của quần chúng nhân dân về cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm chưa được chú trọng. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đơn thư nặc danh. Mặt khác, có người nắm được thông tin về tham nhũng nhưng không dám tố cáo, bởi cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa hiệu quả. Một số vụ việc tham nhũng bị kéo dài, không được xử lý đến nơi đến chốn cũng khiến người dân mất niềm tin vào cơ quan công quyền, nên không muốn tố cáo…

Ngoài hệ thống thanh tra nhà nước từ trung ương đến cấp huyện và Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng từ trung ương đến cấp tỉnh, chúng ta còn có hệ thống giám sát của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, của các cơ quan báo chí. Nhưng vì sao tình trạng tham nhũng lại ngày càng trở nên nhức nhối như vậy? Ngay cả những sân chơi lành mạnh như nghệ thuật, thể thao, giáo dục cũng xảy ra tiêu cực, tham nhũng?! Có phải vì đối tượng tham nhũng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi đến mức không kiểm soát được hay do pháp luật của chúng ta vẫn còn kẽ hở khiến những kẻ cơ hội lợi dụng để “xé rào”, “lách luật”? Trong thực tế đã có không ít trường hợp cán bộ trong chính cơ quan phòng chống tham nhũng làm “tham mưu”, “tư vấn” cho đối tượng bị kiểm tra thoát tội.

Chẳng riêng địa phương nào, cũng chẳng riêng đất nước nào, nạn tham nhũng luôn khiến dư luận bức xúc. Từ trước tới nay, nhân dân ta luôn có ý thức đấu tranh, căm ghét những kẻ lợi dụng chức quyền để tham nhũng, đục khoét của công. Cũng chẳng có kênh giám sát nào đối với cán bộ, đảng viên lại xác thực bằng tai mắt nhân dân.

 Chống tham nhũng luôn là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi những cán bộ trong lực lượng không chỉ có nghiệp vụ tinh thông mà phải có tấm lòng thực sự trong sáng. Bên cạnh đó, phải mở rộng công khai thông tin về chống tham nhũng, tạo điều kiện cho công dân tham gia phát hiện và đấu tranh với loại tội phạm này. Có như thế mới tạo sức ép đối với người có trách nhiệm chống tham nhũng, cũng là cách để phòng ngừa tình trạng xé rào, lách luật.

 Nguyên Thủy

  • Từ khóa
27321

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu