Thứ 4, 24/04/2024 22:14:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:02, 04/10/2015 GMT+7

Ngăn ngừa tội phạm và phát huy truyền thống

Chủ nhật, 04/10/2015 | 10:02:00 164 lượt xem

BP - Điều 151 trong Bộ luật Hình sự hiện hành là những quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, với nội dung như sau: Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Và Điều 152 là tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, với nội dung như sau: Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.


Giúp đỡ người cao tuổi, người già neo đơn vừa là trách nhiệm vừa thể hiện truyền thống kính trọng người già. Trong ảnh: Tặng quà cho người già ở xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng - Ảnh: K.B

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, quy định trên đây là hoàn toàn phù hợp với truyền thống đạo lý của người Việt Nam. Tuy nhiên, vì đây là điều luật, là cơ sở để các cơ quan bảo vệ pháp luật tuyên phạt đối với những người có hành vi đi ngược với truyền thống đạo đức của dân tộc. Cụ thể hơn là những người có hành vi vong ơn bội nghĩa đối với người mà mình phải mang ơn. Thế nhưng những quy định để định tội của hai tội danh nêu trên rất chung chung và trừu tượng nên rất khó thực thi. Cụ thể là ở Điều 151 có quy định: ... Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng... Hay như tại Điều 152: ... Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng...Và với quy định như trên thì không ai có thể biết như thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng”. Cũng chính vì sự mập mờ của điều luật nên thời gian qua đã có không ít trường hợp “lách luật”, dẫn đến số án treo quá nhiều. Ví dụ như, cùng một hành vi phạm tội giống nhau, nhưng có nơi, có đối tượng vì quen biết hoặc có luật sư bào chữa thì được xét cho hưởng án treo, ngược lại thì bị tù giam.

Và đây cũng chính là kẽ hở để những người thi hành công vụ ở các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có cơ hội tham nhũng. Vì vậy, tôi hoàn toàn đồng tình với quy định về hai tội danh trên trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi. Cụ thể, tại Điều 187 quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình trong dự thảo có quy định như sau: Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm: Làm cho nạn nhân bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất danh dự, đau khổ tinh thần; Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Đối với người từ 70 tuổi trở lên, trẻ em, phụ nữ có thai; Đối với 2 người trở lên. Và Điều 188 quy định về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định như sau: Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật, đã bị Tòa án ra quyết định buộc phải thực hiện nghĩa vụ đó mà không thực hiện thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: Làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Như vậy, với quy định như ở Điều 187: Làm cho nạn nhân bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất danh dự, đau khổ tinh thần; Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Đối với người từ 70 tuổi trở lên, trẻ em, phụ nữ có thai; Đối với 2 người trở lên... và quy định ở Điều 188:.. Làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe;... là rất cụ thể, rõ ràng cho từng hành vi vi phạm cũng như hậu quả cụ thể của những hành vi đó. Hơn nữa, với việc bổ sung đối tượng bị hại cụ thể là phụ nữ có thai, trẻ em, người già trên 70 tuổi hoặc lĩnh vực bị hại là về tinh thần, sức khỏe và vật chất... sẽ giúp cho viện kiểm sát dễ dàng trong khâu buộc tội và cũng thuận lợi cho tòa án áp dụng khung hình phạt.

Và điều quan trọng hơn nữa là với những quy định cụ thể, rõ ràng trong hai tội danh trên, không những ngăn ngừa được những hành vi phạm tội mà còn tác động to lớn vào việc duy trì, phát triển truyền thống hiếu thảo, nhân nghĩa của dân tộc ta.

N.V

  • Từ khóa
52568

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu