Thấy rằng trong điều kiện hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông là một tất yếu. Bên cạnh những mặt tích cực thì công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội được các lực lượng thù địch triệt để sử dụng như một "công cụ" hữu hiệu nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Gần đây nhất, thời điểm trước, trong và sau Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng, các tổ chức phản động ở nước ngoài và các phần tử cơ hội chính trị chống đối trong nước tăng cường truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng ta trên các trang tin điện tử, blog cá nhân... Chúng kết hợp đẩy mạnh “diễn biến hòa bình” với việc khuyến khích, tạo điều kiện, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.

Điểm yếu của chúng ta hiện tại là chưa có hệ thống giải pháp vĩ mô hữu hiệu để quản lý triệt để, hiệu quả mạng xã hội như ở một số nước đã làm trên thế giới. Lợi dụng kẽ hở này trong công tác quản lý, lực lượng thù địch đã biến một số diễn đàn trên internet trở thành mảnh đất hỗn tạp thông tin, tạo ra sự đan xen cái đúng, cái sai. Thậm chí, có thời điểm, thông tin ngược chiều, sai trái, phản động lại trở thành dòng chủ lưu trên mạng xã hội, gây nên nhiều xáo trộn trong đời sống tinh thần quần chúng, dẫn đến nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất cao.

Để khắc phục yếu kém này, trước hết các cấp ủy đảng, người chỉ huy cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý các cấp đối với hệ thống thông tin nói chung, internet nói riêng. Ví như trong quân đội hiện nay, việc sử dụng hệ thống các mạng LAN có độ mật cao cũng là một hướng đi hiệu quả nên nghiên cứu, vận dụng. Cùng với đó, cơ quan chức năng nên ban hành các quy định cụ thể về việc cán bộ, đảng viên tham gia khai thác, sử dụng thông tin trên internet; nhất là việc sử dụng facebook, zalo, blog... Đồng thời, cũng nên khảo sát, tổng hợp liệt kê và thông báo rộng rãi đến mọi cán bộ, đảng viên những trang mạng đen, địa chỉ web, blog cá nhân không nên truy cập, tiếp cận; hoặc có những điểm lưu ý khi truy cập, khai thác. Mặt khác, nhất thiết phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ để can thiệp, can ngăn, khống chế những thông tin xấu độc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cán bộ, đảng viên.

Việc phòng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cần được tiến hành nhất quán ở mọi cấp, mọi ngành, mọi đối tượng, thể hiện hằng ngày, hằng giờ, bằng những đầu việc rất cụ thể. Đối với các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước, nên chủ động phối hợp, liên kết với nhau để có những đợt tuyên truyền cao điểm, kịp thời ngăn chặn, chế áp thông tin mạng xã hội; làm cho cái tốt, cái đẹp, cái mới, cái tích cực trở thành dòng chủ lưu. Cơ quan chức năng, nhất là ngành tuyên giáo các cấp cần chủ động tổng hợp, cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, việc xây dựng các lực lượng chuyên sâu, gắn trách nhiệm với các chế độ thụ hưởng xứng đáng, nhằm phát huy hết khả năng trong tham gia đấu tranh phòng vệ tổng lực.

 

Thiếu tướng NGÔ KIM ĐỒNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Thông tin liên lạc

SÔNG TRÀ (ghi)

 

"3 việc" cần làm ngay trong quản lý đảng viên

“Phòng” theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nghĩa là “tiến công, thoái thủ nhanh như chớp”, là “tiến công, phòng ngự không sơ hở”; “phòng” là khắc phục được các sơ hở không để kẻ địch lợi dụng... Do đó, một trong những việc cần làm ngay hiện nay là phải thắt chặt lại kỷ luật, kỷ cương; nghiêm túc vận hành công tác quản lý cán bộ, đảng viên bằng Điều lệ Đảng và hệ thống cơ chế, chế tài, quy định; tránh mọi sơ hở trong chính nội bộ để lực lượng thù địch lợi dụng, khai thác.

Việc đầu tiên cần làm ngay là Đảng phải bắt buộc 100% đảng viên học lại, nắm lại để hiểu kỹ, hiểu sâu và triệt để thực hiện 19 điều đảng viên không được làm. Thực tế cho thấy, nhiều đảng viên hiện nay vẫn chưa nắm, chưa thuộc, chưa hiểu, càng chưa thực hiện trên thực tế 19 điều này. Trong khi nhiều tổ chức Đảng lại sao nhãng, không kiểm tra, duy trì nền nếp thực hiện những điều cấm đối với đảng viên. Khi có đảng viên vi phạm thì không xử lý, hoặc xử lý quá nhẹ, không đủ tính răn đe. Tôi cho rằng, chỉ cần thực hiện tốt 19 điều này thì "tự chuyển biến", "tự chuyển hóa" sẽ không có đất tồn tại trong tổ chức và đội ngũ chúng ta. Do đó, Đảng nên cân nhắc việc phát động một đợt sinh hoạt nghiêm túc, đồng bộ trong Đảng về vấn đề này.

Thứ hai, Đảng phải khắc phục ngay tình trạng "nói và làm" không theo, không đúng với nghị quyết của Trung ương và các cấp ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Hiện nay, nhiều đảng viên, thậm chí là cấp ủy viên, khi thảo luận thì không phát biểu thể hiện chính kiến của mình, nhưng sau khi có nghị quyết lại biểu hiện sự thiếu nhất trí, hoặc nghi ngờ tính khả thi của nghị quyết. Tình trạng nói không đi đôi với làm, làm không đúng với tinh thần nghị quyết còn diễn ra ở không ít tổ chức Đảng. Do đó, cần chú trọng kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm đối với những cán bộ, đảng viên nói và làm không đúng nghị quyết; phải kiên quyết chỉnh đốn Đảng ngay từ mỗi ý nghĩ, hành vi của từng cán bộ, đảng viên.

Thứ ba, phải sớm tiến hành phân loại, sàng lọc cán bộ, đảng viên để có chủ trương, giải pháp, biện pháp quản lý hiệu quả nhất. Đối với những người hoạt động trong khu vực, lĩnh vực có nguy cơ cao dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", nhất thiết phải có cơ chế, chế tài, quy định quản lý đặc thù. Ví như việc ban hành những quy định mà chúng ta đã thực hiện: Quy định dành cho cán bộ khi đi nước ngoài, quy định khi tiếp xúc với người nước ngoài... Hay nói rộng hơn là Đảng cần chủ trương đẩy mạnh việc thể chế hóa, cụ thể hóa các nguyên tắc thành quy chế, quy định trong Đảng và pháp luật của Nhà nước để tổ chức thực hiện hiệu quả, quản lý cán bộ, đảng viên.

PGS, TS ĐỖ DUY MÔN, Trưởng khoa Tâm lý học Quân sự, Học viện Chính trị

ÚT NGUYỄN (ghi) 

 

Coi trọng bảo vệ nội bộ và bảo vệ cán bộ

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ (BVCTNB) là một nội dung công tác Đảng, công tác chính trị, nhằm góp phần bảo đảm cho mỗi tổ chức, đơn vị thực sự TSVM về chính trị, tư tưởng và tổ chức, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá thấy rằng, hiện nay, một số cấp ủy, chỉ huy chưa chú trọng đúng mức đến công tác này; cá biệt có nơi còn coi đó là chức trách, nhiệm vụ riêng của cán bộ và cơ quan chuyên trách. Công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên ở một số nơi còn thiếu chặt chẽ, chưa tạo được sự tích cực phòng ngừa trước âm mưu, thủ đoạn chống phá thâm độc của các thế lực thù địch. Việc chấp hành các quy định về quản lý nội bộ, bảo vệ bí mật ở một số cơ quan, đơn vị chưa được duy trì chặt chẽ, còn mất cảnh giác, dẫn đến bị kẻ xấu lợi dụng... Đó là những kẽ hở để "tự chuyển biến", "tự chuyển hóa" len lỏi vào nội bộ ta.

Để khắc phục tình trạng này, cấp ủy, bí thư, người chỉ huy các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của cơ quan chức năng về công tác BVCTNB. Cùng với đó, cấp có thẩm quyền cần chủ động nghiên cứu, nắm vững tình hình, dự báo chính xác những nguy cơ có thể dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; kịp thời phát hiện, xử lý các phần tử, các hoạt động phá hoại của địch và phần tử xấu đối với cơ quan, đơn vị... loại bỏ từ sớm những nguy cơ và "ung nhọt" dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Đặc biệt, công tác BVCTNB nhất thiết gắn chặt với công tác bảo vệ cán bộ. Tức là phải có những giải pháp hết sức cụ thể nhằm bảo vệ trí tuệ, danh dự, uy tín, tính mạng, sức khỏe, tài sản... của cán bộ trong những tình huống và trường hợp cụ thể. Ví như, trước thông tin xấu độc, bịa đặt của kẻ thù, hòng bôi nhọ danh dự một số cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta trên mạng xã hội, cơ quan chức năng cần vào cuộc nhanh, quyết liệt để có những giải pháp đồng bộ đấu tranh. Trong đó, phải coi trọng việc cung cấp những thông tin chính thức, khách quan đến nhân dân, nhằm huy động sức mạnh tổng lực đấu tranh phản bác, làm thất bại âm mưu của kẻ thù.

Bảo vệ cán bộ còn thể hiện cao nhất ở tính nhân văn, nhân đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với việc duy trì, chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, cán bộ, đảng viên các cấp phải có trách nhiệm phát hiện, giúp đỡ đối tượng “tự diễn biến” tìm lại chính mình; khéo léo lôi kéo họ về phía Đảng; không nên cứng nhắc để vô hình trung đẩy đồng chí, đồng đội về phía kẻ thù và lực lượng phản động, chống đối...

Đại tá BÙI TÁ TUÂN, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi (Quân khu 5)