Thứ 5, 25/04/2024 08:17:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:38, 19/09/2018 GMT+7

Ngăn chặn dịch tả heo châu Phi: Phòng hơn chống

Thứ 4, 19/09/2018 | 08:38:00 141 lượt xem
BP - Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10-9-2018, có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi (DTLCP) với tổng số heo buộc phải tiêu hủy trên 500 ngàn con. Cũng theo OIE, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), từ đầu tháng 8-2018 đến ngày 9-9-2018, Trung Quốc báo cáo có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh và buộc phải tiêu hủy trên 38 ngàn con heo.

Trước diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch ở Trung Quốc, trong khi Việt Nam có đường biên giới đất liền với nước bạn dài hơn 1.400km nên nguy cơ DTLCP tràn vào Việt Nam rất cao nếu chúng ta không chủ động ngăn chặn. Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ thu đông và ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhiễm vào Việt Nam (ngày 14-9), Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Trước hết là phòng, sau đó là chống. Các địa phương phải hành động quyết liệt, không được chủ quan với bệnh DTLCP. Cần nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời cung cấp cho địa phương, người dân và hộ chăn nuôi, từ đó tổ chức các biện pháp hành động. Nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu. Giám sát chặt chẽ, không để lây nhiễm qua đường biên giới, tránh làm ảnh hưởng trực tiếp tới ngành chăn nuôi cũng như thu nhập và đời sống của người nông dân.

Theo chuyên gia quốc tế của FAO, virus gây DTLCP có thể gây chết 100% heo nhiễm bệnh vì hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. Người chăn nuôi không nên dùng thức ăn thừa cho đàn heo, không sử dụng chung kim để tiêm cho cả đàn bởi đây là đường lây lan rất lớn. Nếu một con heo bị nhiễm bệnh, cần tiêu hủy cả đàn và thực hiện biện pháp giám sát, tiêu độc, khử trùng cả các vùng xung quanh.

Những năm gần đây, Campuchia đang tăng cường nhập khẩu thịt heo từ Trung Quốc nên nguy cơ sử dụng heo nhiễm bệnh rất cao. Bình Phước có đường biên giới với nước bạn dài 260,433km và nhân dân hai bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, thường xuyên qua lại nên khả năng đưa heo bệnh vào nội địa có thể xảy ra. Trong khi chăn nuôi đang là thế mạnh trong phát triển kinh tế ở tỉnh ta với tổng đàn heo trên 400 ngàn con. Do vậy, nếu để xảy ra DTLCP thì tổn thất sẽ vô cùng lớn cả về trước mắt cũng như lâu dài.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ cũng như chủ động ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của virus DTLCP vào Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng thông qua việc buôn bán, vận chuyển heo, các sản phẩm của heo nhằm giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, rất mong các cấp, ngành chức năng trong tỉnh tăng cường chống buôn lậu heo và các sản phẩm của heo từ nước ngoài vào Việt Nam; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển heo và sản phẩm của heo bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; tăng cường kiểm dịch động vật và theo dõi, giám sát đàn heo tại địa phương để có hướng xử lý kịp thời... Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm của heo nhập lậu vào trong nước tiêu thụ; không mua bán heo, sản phẩm của heo không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Lâm Phương

  • Từ khóa
108957

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu