Thứ 6, 29/03/2024 16:25:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:02, 17/01/2016 GMT+7

Ngậm ngùi cà phê

Chủ nhật, 17/01/2016 | 13:02:00 95 lượt xem
BP - 19 năm trước, tôi chuyển công tác vào Bình Phước đúng mùa hoa cà phê nở. Nghiệp làm báo cho phép đi nhiều nơi và tôi nhận ra rằng, không phải là thủ phủ cà phê như Tây Nguyên nhưng Bình Phước cũng hiện diện một diện tích cà phê không hề nhỏ.

Sau mỗi vụ thu hoạch cà phê cùng một số loại nông sản khác, miền Đông bước vào mùa khô khốc liệt. Suốt mùa khô hạn, những vườn cà phê chỉ mang vẻ trơ trụi, xù xì với gam màu nâu trầm buồn. Nhưng chính cái gam màu tối ấy lại tiềm ẩn nguồn nhựa sống tràn trề. Để rồi mùa xuân vừa chạm ngõ, chỉ qua một đêm mưa, khắp nương rẫy đã trắng muốt một màu hoa. Hoa cà phê không nở từng bông mà kết thành từng chùm kéo từ thân tới đầu cành. Ra đi từ một vùng quê nghèo của đồng bằng Bắc bộ, nơi mỗi hộ chỉ có vài sào đất trồng lúa, tôi đã thật sự choáng ngợp trước vẻ đẹp điệp trùng, miên man của những rẫy cà phê ngút ngàn bông trắng ở khu vực Bù Đăng, Bù Đốp, Phước Long. Và tôi tưởng như mình đang lạc giữa xứ sở có tuyết rơi. Hoa cà phê nhìn xa giống tuyết nhưng bông tuyết lạnh lẽo không mùi vị, còn hoa cà phê thì thơm ngọt ngào, quyến rũ. Hương hoa nương theo làn gió, cuốn vào tà áo, vào tóc và níu chân người đi đường. Dưới nền trời trong xanh, màu trắng tinh khôi của hoa cà phê càng nổi bật và cuốn hút ánh nhìn. Mỗi lần tiếp cận một vườn cà phê đang bung nở, tôi lại mê mẩn giơ máy ảnh để lưu giữ lại những hình ảnh thơ mộng của vùng đất mà tôi đã đi qua.

Ông Chướng A Phí ở thôn 8, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng cho biết, vườn cà phê của gia đình chín không đều nên tốn công thu hoạch - Ảnh: Tư liệu

Hoa cà phê không chỉ đẹp và thơm mà còn chứa chất trong đó cả một tiềm năng kinh tế dồi dào. Chỉ cần nhìn vào lượng hoa nở, người nông dân có thể đoán trước được kết quả của một mùa vụ. Hương thơm của hoa cũng đem lại nguồn lợi đáng kể cho người nuôi ong lấy mật. Mật ong lấy từ hoa cà phê rất được ưa chuộng vì giọt mật đặc sánh và màu mật cũng vàng hơn, là một sản vật được ưa chuộng của Bình Phước và miền Đông. Sau những tháng ngày bung nở hết mình, hoa cà phê lặng lẽ khép cánh, rơi rụng xuống đất và một mùa hy vọng mở ra. Từ những đài hoa khẽ nhú lên quả xanh non, bé xinh như chiếc nút áo, mang theo niềm vui và hy vọng của những người trồng cà phê về một vụ mùa bội thu.

Nhưng không phải chỉ có mật ngọt, chỉ có hương thơm và vẻ đẹp tinh khôi từ những rẫy cà phê ngút ngàn trên vùng đất đỏ bazan Bình Phước. Suốt 19 năm qua, tôi đã chứng kiến biết bao thăng trầm của cây cà phê. Có thời điểm người ta đổ xô đến ngân hàng cầm cố nhà, đất vay vốn để đầu tư cho cà phê. Lại có thời điểm những rẫy cà phê bị bỏ hoài cho cỏ mọc hoặc bị chặt bỏ không thương tiếc. Nhiều nhà vườn vẫn nói, cà phê là loại cây “đỏng đảnh” nhất về mặt giá cả, có khi đầu vụ tăng, cuối vụ giảm. Còn nhớ năm 2012, giá cà phê nhân lên tới 45.000 đồng/kg và giữ được suốt vụ đã giúp nhiều hộ trồng cà phê đổi đời. Nhưng thời điểm tôi ngồi gõ những dòng chữ này, giá cà phê nhân chỉ còn 33.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất. Tôi cũng biết một chủ trang trại lớn ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long từng đặt mơ ước của mình vào cây cà phê. Nhưng niềm vui chưa kịp tới, khi trang trại cà phê bắt đầu cho thu hoạch thì giá lao dốc thảm hại. Và sau mấy đêm mất ngủ, ông đã cắn răng chặt bỏ hết rẫy cà phê đang xanh tươi mơn mởn để thay loại cây khác.

Thời điểm này, giá cà phê đã xuống rất thấp khiến nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến trở nên thận trọng và làm cho thị trường cà phê càng thêm phức tạp, khó lường. Thương lái cũng không còn mặn mà chuyện gom hàng, vì lượng cà phê của niên vụ trước còn tồn trong dân khá lớn. Những thương lái và nông dân trữ cà phê từ vụ trước thì đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, thua lỗ đậm. Một số nông dân lại bắt đầu vòng luẩn quẩn, chặt bỏ cây cà phê hoặc chuyển dần từ hình thức trồng chuyên canh sang mô hình trồng xen canh...

Hằng ngày nghe chương trình thời sự, trong muôn vàn thông tin thị trường về giá các mặt hàng nông sản chủ lực, trong đó có cà phê, tôi cảm thấy xót xa cho công sức, tiền bạc mà người nông dân đã đổ vào những rẫy cà phê, giờ chỉ còn lại vị đắng chát khi giá bán thấp hơn giá thành. Thế nhưng cho dù giá cà phê có “nhảy nhót” cỡ nào, lên hay xuống thì giá một ly cà phê ngoài quán nước vẫn không hề thay đổi. Đó là một nghịch lý khó chấp nhận. Vẫn còn nhiều nghịch lý từ cây cà phê, ví như Việt Nam là nhà nhập khẩu cà phê thứ hai thế giới (sau Brazil), cung cấp đến 20% sản lượng cà phê toàn cầu nhưng về giá trị thì chỉ chiếm có 3%. Với giá bán hiện nay, 1kg cà phê nhân của Việt Nam mới chỉ bằng 50% giá 1 ly cà phê ở các nước châu Âu, trong khi 1kg cà phê có thể pha được tới 50 ly!

Cà phê - thức uống gắn bó với người Việt Nam từ rất lâu đời; một thú ẩm thực mà từ những người sang trọng đến những người cần lao đều có thể cùng thưởng thức; một thức uống mà từ người châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi đều ưa thích - cho dù cách pha chế ở mỗi vùng, miền có khác nhau. Bên ly cà phê, con người sẽ không còn khoảng cách, chỉ còn lại một không khí thân thiện và những câu chuyện bên ly cà phê sẽ trở nên thú vị, nhẹ nhàng hơn. Đó là giá trị kinh tế, giá trị xã hội - nhân văn mà hạt cà phê mang lại. Thế nhưng, chính những người đang một nắng hai sương làm ra những hạt cà phê tuyệt diệu ấy lại đang phải ngậm ngùi trước một vụ mùa đắng chát!

Linh Tâm

  • Từ khóa
39972

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu