Thứ 6, 29/03/2024 20:13:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:43, 08/01/2014 GMT+7

Sản xuất hồ tiêu bền vững: Lợi ích và thách thức

Thứ 4, 08/01/2014 | 08:43:00 189 lượt xem

Vào đầu vụ 2013-2014, được sự hỗ trợ của các tổ chức trong, ngoài nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” cho 300 hộ tại hai huyện Lộc Ninh và Bù Đốp. Dự án với mục tiêu phát triển mô hình canh tác tiêu bền vững thông qua việc tập huấn cho các nông hộ theo các tiêu chuẩn của chứng nhận Rainforest Alliance (R.A) và kết nối với thị trường quốc tế thông qua công ty Nedspice. Theo nhận định của các nông hộ tham gia dự án, đây là hướng đi đúng, đem lại lợi ích thiết thực cho người trồng tiêu, tuy không tránh khỏi những khó khăn.


THỰC TRẠNG SẢN XUẤT HỒ TIÊU VÀ HƯỚNG ĐI MỚI

Hiện Bình Phước có khoảng 10.000 ha tiêu, chiếm gần 20% diện tích hồ tiêu cả nước, tập trung nhiều nhất ở 3 huyện Lộc Ninh (3.550 ha), Bù Đốp (2.007 ha), Hớn Quản (1.420 ha) với năng suất bình quân 2,9 tấn/ha. Với thế mạnh về đất đai, khí hậu, cùng với kinh nghiệm canh tác lâu năm của nông dân, trong những năm qua cây tiêu đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên hiện nay do giá tiêu tăng cao khiến nông dân trong tỉnh nôn nóng đầu tư vào cây tiêu theo kiểu phong trào. Vì vậy, nhiều vườn tiêu mới được trồng ở những nơi điều kiện sinh thái, đất đai không phù hợp, việc đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế. Trong khi đó, tiêu không phải là loại cây dễ trồng mà đòi hỏi nhiều yếu tố kỹ thuật, từ việc chọn giống đến chăm sóc.

Vườn tiêu của ông Trần Chí Thành thực hiện theo đúng 10 tiêu chuẩn của chứng nhận R.A

Khi tham gia dự án, các nông hộ phải áp dụng 10 nguyên tắc tiêu chuẩn canh tác của tổ chức R.A như: Hệ thống quản lý môi trường và xã hội, bảo tồn hệ sinh thái, động vật hoang dã, nguồn nước, an toàn sức khỏe nghề nghiệp, quan hệ cộng đồng, quản lý mùa vụ tổng hợp... Các nông hộ phải tham gia sản xuất, sinh hoạt theo nhóm hộ, dự án không cấp chứng nhận riêng cho 1 nông hộ mà chứng nhận cho một nhóm hộ.

Ông Trần Chí Thành, Chủ nhiệm câu lạc bộ trồng tiêu thôn 5, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) cho rằng, thông qua chương trình này nông dân được tiếp cận với phương thức sản xuất mới, tiến bộ, dựa trên nền tảng lợi ích kinh tế gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, môi trường và quan tâm hơn đối với người lao động. Dự án yêu cầu người canh tác không được đốt rác ngoài trời mà phải chôn lấp hoặc thu gom, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, tưới tiết kiệm bằng hệ thống tưới nước bán tự động, sử dụng các chế phẩm cho cây tiêu... nhằm giảm thiểu các dịch hại tổng hợp trên cây tiêu. Việc sản xuất tiêu tuân thủ các tiêu chuẩn chứng nhận sẽ tạo ra lợi thế trong việc tiêu thụ và gắn kết lâu dài với các đơn vị thu mua, chế biến và xuất khẩu, tức hình thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ luôn bền vững. Cũng theo ông Thành, các nguyên tắc của sản xuất tiêu chứng nhận phù hợp với chương trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap, GlobaGap...) và chương trình xây dựng nông thôn mới đang thực hiện phổ biến trong cả nước.

Theo ông Thành, xưa nay các hộ dân quen làm theo cách truyền thống, giờ tham gia vào nhóm hộ sản xuất tiêu bền vững, phải ghi chép tỉ mỉ, chi tiết, cẩn thận từng việc từ bón phân, làm cỏ, xịt thuốc, vệ sinh vườn... từng ngày, từng loại, từng khoản chi nên rất bất tiện, mất thời gian. Tuy nhiên, các hộ dân thực hiện chương trình có thể ghi nhớ được những khoản đầu tư, cách xử lý sâu bệnh, từ đó tính toán được lời lãi, nhớ được kỹ thuật canh tác, bảo đảm sức khỏe cho bản thân.


VẪN CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết, thực hiện dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” nhằm mục đích hỗ trợ và tạo cho nông dân thói quen canh tác đúng quy trình kỹ thuật, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sống của chính người nông dân. Tuy vậy, dự án khi được triển khai gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là công tác tập hợp nông dân. Nông dân không có thói quen ghi chép lưu giữ chứng từ nên các cách làm không đúng trình tự; việc thực hiện vùng đệm sinh thái ngăn cách giữa vườn tiêu, đường công cộng và nguồn nước còn hạn chế do diện tích đất canh tác nhỏ. Đa số nông dân đã có ý thức bảo vệ động vật hoang dã, nhưng vẫn có người vào săn bắt.

Thu hoạch (ảnh trái) và sơ chế hồ tiêu (ảnh phải) ở Lộc Ninh - Ảnh: B.T

Để mang lại lợi ích thiết thực, bền vững cho nông dân trồng tiêu nói riêng và môi trường sinh thái nói chung cần sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của các nhà quản lý, nhà khoa học, đơn vị thu mua, chế biến và chính nông dân. Theo bà Tuyết, trong 300 hộ tham gia dự án, đến nay đã có khoảng 80% hộ thực hiện theo tiêu chuẩn, số còn lại vẫn đang mơ hồ, chưa thực sự mặn mà và nếu không thực hiện đúng thời gian tới sẽ đưa ra khỏi danh sách. Cũng theo bà Tuyết, trong mùa vụ 2014-2015 sẽ nhân rộng lên 700 hộ.                                                

    Vũ Thuyên

  • Từ khóa
37027

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu