Thứ 4, 17/04/2024 00:29:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:23, 18/07/2013 GMT+7

Nâng cao chất lượng đời sống công nhân

Thứ 5, 18/07/2013 | 15:23:00 229 lượt xem

Bài 1: Đời sống công nhân chồng chất khó khăn

Để thu hút và giữ chân công nhân lâu dài, doanh nghiệp phải có chính sách đãi ngộ và quan tâm đến đời sống của họ. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức làm được việc đó mà cần có sự chung tay từ nhiều phía.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 14 ngàn công nhân ở độ tuổi 18 đến 35 đang lao động tại các khu công nghiệp (KCN). Đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, do chịu tác động của khủng hoảng kinh tế, vật giá leo thang và chất lượng đời sống ở một số khu công nghiệp, địa bàn dân cư, nhà trọ còn thấp. Với mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng, công nhân phải thắt lưng buộc bụng để cân đối chi tiêu hằng ngày.

CHỒNG CHẤT KHÓ KHĂN

Trung bình lao động phổ thông tại các KCN được trả lương 2,5-3 triệu đồng/người/tháng, số ít có tay nghề thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài tiền lương, người lao động còn có thêm tiền tăng ca. Doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn, chuyên cần, nhà trọ...nhưng cộng chung lại cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Để có được số tiền đó, công nhân phải làm việc trung bình 10-12 giờ/ngày và cả tăng ca (2-4 giờ/ngày). Quỹ thời gian còn lại là quá ít để họ chăm lo đời sống cá nhân, nghỉ ngơi tái tạo sức lao động.


Phần lớn công nhân phải sống trong những khu nhà trọ không đạt chuẩn

Anh Nguyễn Văn Chiến, công nhân làm việc tại KCN Minh Hưng - Hàn Quốc (Chơn Thành), cho biết: “Dù đã tăng ca với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/tháng, nhưng cuộc sống của tôi vẫn chật vật. Tiền lương chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, tằn tiện lắm mới dư chút đỉnh lo cho con và phòng lúc bệnh tật”. Chị Trần Thị Ngọc Huyền, công nhân Công ty TNHH Dream Textile (KCN Minh Hưng - Hàn Quốc), thu nhập một tháng được hơn 3 triệu đồng, nhưng phải chi rất nhiều khoản như gửi con ở nhà trẻ, thuê phòng trọ, ăn uống, điện, nước...

Tại các KCN hiện có khoảng 1.000 con em công nhân đang  độ tuổi đến trường. Trong khi đó, trường công lập trên địa bàn KCN luôn quá tải, nhất là trường mầm non. Vì vậy, con em công nhân phần lớn phải học trường tư hoặc gửi ở nhóm trẻ gia đình. Tại trường tư thục, học phí và tiền ăn luôn cao hơn trường công lập (700-900 ngàn đồng/trẻ/tháng). Chính vì vậy, nhiều gia đình phải chấp nhận để vợ ở nhà trông con, còn chồng đi làm nuôi cả gia đình, có trường hợp phải gửi con về quê.

Ông Văn Văn Hạnh, Phó trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh cho biết: “Các doanh nghiệp chưa chú trọng chăm lo sức khỏe cho người lao động. Hiện chỉ có 30% doanh nghiệp bố trí cán bộ y tế, tủ thuốc sơ cấp cứu ban đầu tại công ty. Tuy nhiên, số lượng thuốc thiết yếu vẫn chưa đảm bảo, dụng cụ kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân nữ còn nhiều hạn chế; số con em công nhân chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám bệnh miễn phí chiếm tỷ lệ cao; chất lượng bữa ăn giữa ca thấp, thiếu dinh dưỡng, chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...”.

TĂNG CƯỜNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Trước những khó khăn mà công nhân trên địa bàn tỉnh đang gánh chịu, các ngành chức năng đã phối hợp với doanh nghiệp từng bước cải thiện đời sống công nhân. Doanh nghiệp quan tâm đến các chính sách tiền lương, tiền thưởng, chế độ bảo hiểm, ăn ở, trợ cấp độc hại; đầu tư sân bóng đá, bóng chuyền đáp ứng nhu cầu giải trí cho công nhân... Ngành chức năng phối hợp chăm lo, hỗ trợ và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Ông Trần Văn Tài, Trưởng phòng Nhân sự tổng hợp Công ty TNHH Word Tec Vina chia sẻ: “Không nhất thiết có kinh phí lớn mới thay đổi được chất lượng đời sống công nhân. Theo tôi, các doanh nghiệp không nên tăng ca ngày thứ 7 và ngày phát lương. Vào những ngày này, công nhân được nghỉ sớm để về thăm gia đình, mua sắm các vật dụng thiết yếu hay nấu một bữa ăn ngon. Đây chính là nâng cao chất lượng đời sống công nhân”. Cũng theo ông Tài, các cơ quan quản lý nhà nước nên kiểm tra chặt chẽ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân đầy đủ và kịp thời; đồng thời đề nghị doanh nghiệp hàng tháng phải báo cáo số công nhân thôi việc, chế độ cho công nhân được hưởng sau khi thôi việc...

Trao đổi về vấn đề xây dựng nhà trọ đạt chuẩn cho công nhân, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Lợi cho rằng: Ngân sách nhà nước không thể đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà trọ đạt chuẩn cho công nhân, do đó cần huy động sức dân. Khi người dân đến đăng ký xây nhà trọ, các cơ quan chủ quản hướng dẫn họ xây dựng theo đúng quy định đạt chuẩn. Còn để đảm bảo quyền lợi cho công nhân trong sử dụng điện, nước theo giá sinh hoạt hộ gia đình, ngành chức năng (Sở Công thương, Điện lực tỉnh, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Bình Phước) tổ chức tuyên truyền cho chủ nhà trọ thực hiện tốt các quy định về tính tiền sử dụng điện, nước theo Thông tư 38 ngày 20-12-2012 của Bộ Công thương. Bên cạnh đó, các ngành tăng cường kiểm tra việc thực hiện giá điện, nước đối với đơn vị kinh doanh nhà trọ trên địa bàn. Ngành y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra các bếp ăn tập thể trong các KCN; tuyên truyền cho công nhân nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh, sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn...

Nhất Sơn
Bài 2: Những mô hình cần được nhân rộng

  • Từ khóa
46071

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu