Thứ 6, 19/04/2024 09:34:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 14:10, 01/11/2014 GMT+7

Nếu không cẩn trọng...

Thứ 7, 01/11/2014 | 14:10:00 112 lượt xem
BP - Vậy là sau 9 năm, “kỳ án vườn mít” một lần nữa làm nóng nghị trường Quốc hội. Vụ việc xảy ra từ năm 2004, Lê Bá Mai bị cáo buộc tội danh hiếp dâm trẻ em và giết người tại xã An Khương (Hớn Quản). Trong các phiên xét xử từ năm 2005 đến nay, Lê Bá Mai đã hai lần bị tuyên án tử hình, một lần tuyên vô tội và hiện đang thụ án chung thân.

Vụ án được coi là đặc biệt trong lịch sử tố tụng Việt Nam này đã khiến báo chí tốn nhiều giấy mực và khiến những ai quan tâm đến hoạt động xét xử phải hoang mang. Không hoang mang sao được khi xem xét một con người mà hôm nay tòa tuyên phạm trọng tội, mai đã thành người vô can rồi ngày kia lại là kẻ giết người nguy hiểm phải cách ly vĩnh viễn với xã hội. Quan tòa, thẩm phán thì cũng có thể sơ suất và đưa ra những quyết định không chính xác. Nhưng sơ suất và thiếu chính xác tới mức đẩy một con người từ cực nọ sang cực kia như vụ án Lê Bá Mai thì có một không hai! Dù đã khép lại bằng án chung thân cho bị cáo Mai, nhưng vẫn còn có những vấn đề chưa được minh bạch trong quá trình xét xử, khiến dư luận chưa hết quan tâm.

Trong phiên thảo luận ngày 27-10 tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII, đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã xin phép chủ tọa được phản hồi ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khi ông này cho rằng không có điều kiện tái thẩm, giám đốc thẩm “kỳ án vườn mít”, “vì bản án đã có hiệu lực và Lê Bá Mai không có đơn kêu oan”. Đại biểu Hùng khẳng định ngay sau khi bị tuyên án chung thân, Lê Bá Mai cùng gia đình đã có đơn kêu oan đến Chủ tịch nước và nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật. Không biết vì lý do gì, những lá thư kêu oan đó đã không đến được ông Viện trưởng kiểm sát. Điều khiến nhiều người theo dõi phiên thảo luận phải suy nghĩ là cách trả lời của ông Viện trưởng kiểm sát. Không lẽ vì bản án đã có hiệu lực, bị can không kêu oan thì sẽ mặc kệ - kể cả khi có những tình tiết mới, quan trọng liên quan đến sinh mạng một con người hay sao!?

Từ sự kiện này, tôi lại nhớ vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn phải chịu án chung thân vì tội giết người và đã thi hành án được 10 năm - dù ông không phạm tội. Cũng như nhiều vụ án oan sai khác, trong nhiều năm vợ ông đã chạy khắp nơi kêu oan nhưng không được xem xét. Phải đến khi kẻ giết người thực sự ra đầu thú thì người ta mới xem xét lại và trả tự do cho ông. Ông Chấn chỉ là người hy hữu và may mắn trong số những người không may bị kết án oan. May mắn vì kẻ giết người thực sự đã tỉnh ngộ ra đầu thú. Nhưng liệu được bao nhiêu người tự giác ngộ như thế trong những kẻ phạm tội đang lẩn trốn pháp luật? 

Cũng như ông Chấn, nếu Lê Bá Mai trong “kỳ án vườn mít” không phạm tội; nếu những lá thư kêu oan của bị cáo và gia đình là thật thì nỗi thống khổ của cả gia đình, dòng họ Mai suốt 10 năm qua sẽ đến mức nào! Bởi thế, những người đang cầm cân công lý không chỉ phải khách quan, độc lập trong tác nghiệp mà còn phải thật sự cẩn trọng để không dẫn đến oan sai. Đừng như mấy nhân viên y tế thay vì tiêm phòng rubella lại tiêm nhầm nước cất cho 60 trẻ tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vừa rồi. Cứ thử tưởng tượng thứ họ đã tiêm cho trẻ không phải nước cất mà là thuốc độc bảng A thì hậu quả sẽ đến mức nào!?

T.N

 

 

  • Từ khóa
108405

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu